Từ cuối quý 3/2014 đến nay thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một giai đoạn khá bất ổn khi các chỉ số liên tục sụt giảm và xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ.
Cụ thể, với mức đỉnh 640.22 đạt được ngày 4/9/2014, chỉ số VN-Index đã liên tục lao dốc trên 100 điểm và chạm mức thấp nhất trong vòng 7 tháng qua tại mốc 538.91 vào ngày 01/04/2015 vừa qua. Tương tự, HNX-Index cũng để mất gần 8% giá trị khi giảm từ 86.96 điểm xuống 80.47 điểm.
Bên cạnh sự lao dốc của hai chỉ số chính là sự mất giá thê thảm của các cổ phiếu cả trên hai sàn HOSE và HNX, trong đó rất nhiều mã cổ phiếu mất đến trên 50% giá trị.
Đáng chú ý là PVD đã giảm từ mức giá quanh 100.000VNĐ/1 CP xuống mức 42.800VNĐ ngày 01/04/2015 vừa qua hay cổ phiếu PVS cũng giảm từ mức giá 45.000 VNĐ xuống mức 21.500 VNĐ trong khi các doanh nghiệp này vẫn đang hoạt động kinh doanh rất hiệu quả.
Theo lý giải của một số chuyên gia và nhà đầu tư thì đà lao dốc của các chỉ số chứng khoán Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua là do cộng hưởng của nhiêu yếu tố, như việc áp dụng Thông tư 36, do bất ổn của giá dầu thế giới hay việc bán ròng liên tục của khối ngoại.
Xét trên khía cạnh nền tảng vĩ mô của Việt Nam liên tục được cải thiện trong thời gian qua thì có vẻ TTCK Việt Nam đã đi ngược xu thế thường thấy trên thế giới là vĩ mô tốt dần lên thì hàn thử biểu của nền kinh tế cũng phải tốt dần lên. Và câu hỏi đặt ra là, TTCK Việt Nam giảm là do nặng về yếu tố tâm lý?
Nếu đúng như vậy, thì với việc GDP của Việt Nam dự báo đạt 6.2-6.5% năm 2015, chỉ số giá tiêu dùng CPI dưới 5%, lãi suất ngân hàng ở mức thấp trong cả thập kỷ qua, thị trường BĐS đang ấm dần lên hay vấn đề nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang dần được giải quyết, TTCK sẽ đứng trước cơ hội phục hồi rất lớn trong thời gian tới.
Đây thực sự là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, khi giá cổ phiếu trên hai sàn đã trở nên quá rẻ so với mặt bằng chung trong khu vực và giá trị nội tại của doanh nghiệp cho dù vẫn còn những khó khăn, tồn tại cần giải quyết.