Thị trường BĐS: Chững vì ngân hàng… siết vốn?

Siết vốn ngân hàng vào bất động sản, giao dịch thị trường chững lại.
Siết vốn ngân hàng vào bất động sản, giao dịch thị trường chững lại.
TP - Theo quy luật của thị trường bất động sản (BĐS), càng gần đến thời điểm bàn giao nhà dự án, giá BĐS sẽ tăng. Điều lạ năm nay là thị trường như đang đi ngược lại khi nhiều căn hộ và dự án được đánh giá là sắp hoàn thành thay vì đặt hàng đều đang trong tình trạng sốt ruột ngóng tìm khách. Đặc biệt hơn khi vốn ngân hàng vào thị trường đang dần siết chặt.

Cắt lỗ rút vì sợ hạ tầng quá tải

Dự án Seasons Avenue nằm trong khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông- Hà Nội), theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, khu đô thị này đã từng điều chỉnh 23 lần quy hoạch làm tăng quy mô dân số lên gấp nhiều lần. Chị Nguyễn Minh (Hoàng Mai, Hà Nội) một khách mua nhà tại đây cho hay đã đóng 50% giá trị căn hộ. “Cả tháng nay tôi rao bán  dưới giá mua vào 27 triệu đồng/m2 nhưng chưa thấy có khách”, chị Minh cho biết. Về lý do bán theo chị Minh bởi “lúc ký hợp đồng mua dự án, tôi cũng tìm hiểu kỹ nhưng không biết lại nhiều dự án chung cư mọc lên quanh đó đến vậy. Nếu cố theo dự án và dọn về ở trong năm 2018, hằng ngày cả nhà sẽ đánh vật với chuyện ra đường, đi đường nào cũng tắc bởi nút Nguyễn Trãi và Tố Hữu”, chị Minh nói.

Dự  án Tràng An Complex số 1 Phùng Chí Kiên (Cầu Giấy, Hà Nội) dù đang được xem là có vị trí đắc địa nhưng sợ cảnh hạ tầng chật hẹp  đến thời điểm này một số nhà đầu tư cũng đang rao cắt lỗ. So với giá gốc chủ đầu tư đang quảng bá một số căn đẹp còn lại với giá bán lên tới 35-37 triệu đồng/m2 , trên các trang mạng rất nhiều khách ngỏ ý sẵn sàng giao dịch giá 32- 33 triệu đồng/m2, vậy mà vẫn không có người hỏi mua. “Nếu đóng nốt tiền để nhận nhà khả năng tôi phải vay ngân hàng với lãi suất cao thấp nhất cũng 8,5% cố định 2 năm đầu. Trong khi hàng loạt dự án ở mặt đường Cầu Giấy mới mở nên chỉ e Tràng An Complex nằm trong ngõ sẽ khó cạnh tranh được”, một vị khách đang đầu tư mua nhà tại đây chia sẻ.

Tại phân khúc nhà ở giá rẻ, sau khi kết thúc gói 30.000 tỷ đồng, nhiều nhà rơi vào trạng thái ế ẩm. Những dự án nhà ở xã hội dưới 1 tỷ đồng tại vị trí xa trung tâm như: Hoài Đức, Quốc Oai, Hà Đông… đến thời điểm này bán lai rai cả năm vẫn chưa hết hàng. Còn những dự án giá rẻ 1 – 1,5 tỷ đồng/căn hộ tung đủ chiêu bán hàng cũng chỉ hấp dẫn khách đến xem chứ không mua.

Ngân hàng siết vốn

Tháng 10 vừa qua, NHNN đã phát đi thông điệp về hạn chế cho vay BĐS, nhất là đối với các dự án ở phân khúc cao cấp. Theo đó, tại văn bản số 7586/NHNN-TD ký gửi các ngân hàng thương mại, cơ quan quản lý này đã  nhắc nhở, yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực BĐS đặc biệt là đầu tư kinh doanh BĐS, rà soát việc cấp tín dụng đối với một số chủ đầu tư lớn và tránh tập trung tín dụng để giảm thiểu rủi ro.

Công văn này cũng trích dẫn báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay nguồn cung nhà ở cao cấp đang nhiều hơn nguồn cung nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ, dự báo từ nay đến cuối năm khả năng sẽ dư thừa. Do đó NHNN đề nghị các ngân hàng cần hạn chế và thận trọng khi xem xét thẩm định, quyết định cho vay các dự án mới, đặc biệt là các dự án nhà ở thương mại cao cấp, khu nghỉ dưỡng có khả năng thanh khoản thấp. 

Chia sẻ với Tiền Phong, Vụ trưởng Vụ các tổ chức tín dụng – ông Nguyễn Tiến Đông cho biết qua theo dõi và cập nhật tín dụng cho vay tại các ngân hàng, NHNN luôn nhìn thấy bức tranh tổng thể và chỉ cần thấy sự mất cân đối hoặc nhà băng nào rót vốn quá tay hay nhiều nhà băng cùng tập trung vào một phân khúc, khu vực dự án, có thể dẫn đến rủi ro thanh khoản thị trường, NHNN sẽ lập tức lên tiếng ngay. Theo ông Đông cho đến thời điểm hiện tại, dư nợ cho vay BĐS tại một số ngân hàng đã chững và giảm dần về tốc độ ; đồng thời đang trong tầm kiểm soát.

Hàng loạt dự án “bung hàng”

Theo báo cáo mới nhất về thị trường BĐS của Hiệp hội BĐS  Việt Nam, tại Hà Nội, trong tháng 10 có khoảng 1.300 giao dịch (tăng 18,2% so với tháng trước), nhiều dự án mới được khởi công và mở bán ra trên thị trường như: dự án An Bình city (Quận Bắc Từ Liêm), dự án Sunshine Center 16 Phạm Hùng (Quận Nam Từ Liêm), dự án D’ Capitale Trần Duy Hưng (Quận Cầu Giấy)...So với năm ngoái, đất nền ở Hà Nội đã tăng khoảng 1,3%. Riêng ở những khu vực ven đô thị thì mức tăng cao hơn khi nhiều tuyến đường đã và đang hoàn thành như: đất nền khu vực Vĩnh Ngọc, Đông Trù, Đông Hội (Đông Anh) tăng khoảng 10-15% so với 2015; khu vực An Khánh – An Thượng (huyện Hoài Đức) mức tăng cũng dao động từ 10-15%.

Nhận định về diễn biến thị trường, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) cho rằng, thị trường BĐS đang có dấu hiệu chững lại, nhiều dự án BĐS cao cấp, BĐS nghỉ dưỡng có dấu hiệu cung vượt cầu, trong khi phân khúc BĐS nhà ở thương mại, nhà ở xã hội lại thiếu. “Thời điểm này nhà đầu cơ khó có đất để “tạo sóng” hay “lướt sóng”, ông Châu thừa nhận.

Còn ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng: “Để thị trường BĐS phát triển ổn định cần phải có chính sách hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp về mặt quy hoạch, hạ tầng giao thông, tạo ra dòng vốn, nhưng  đồng thời cũng có sự hỗ trợ cho người dân mua nhà như có cơ chế chính sách, thành lập các tổ chức tài chính cho người dân vay. Có như thế sẽ hỗ trợ thị trường BĐS phát triển lành mạnh và ổn định”.   

Cho đến thời điểm hiện tại, việc các ngân hàng ấn định mức lãi suất rất thấp trong một khoảng thời gian đầu chính là “thỏi nam châm” thu hút sự chú ý, kéo người mua nhà gõ cửa vay vốn tín dụng an cư. Tuy nhiên, các cá nhân có nhu cầu vay vốn mua nhà  nên thận trọng bởi với mức lãi suất sau giai đoạn ưu đãi, đi kèm các điều khoản  phí chậm nộp, phí trả trước hạn nếu không tính khéo, người vay có thể rơi vào cảnh trả lãi không hề rẻ.
MỚI - NÓNG