Thị trường bất động sản còn khó khăn kéo dài đến năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dù Chính phủ nỗ lực gỡ vướng, nhưng nhiều chuyên gia dự báo, thị trường bất động sản sẽ còn khó khăn kéo dài tới năm 2024.

Tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần thứ 3 vừa diễn ra, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT GP Invest chỉ ra nhiều nguyên nhân chính dẫn tới khó khăn của doanh nghiệp bất động sản.

Thứ nhất, trái phiếu đến đúng hạn trả nợ vào năm 2022-2023 với một lượng trái phiếu rất lớn. Niềm tin của thị trường tụt giảm nghiêm trọng trước những sai phạm trên thị trường trái phiếu.

Nghị định 08 ra đời khi thị trường đang ở mức "gay go", nhưng ông Hiệp cho rằng, Nghị định này chỉ có thể giúp thị trường khỏi sự sụp đổ chứ chưa thể cứu được toàn bộ thị trường trái phiếu và niềm tin vào thị trường. Đặc biệt, Nghị định chưa quy định được cụ thể bảo vệ được trái chủ một cách tốt nhất.

"Để phát hành trái phiếu thì phải tính đến room phát hành, bởi nếu không, bệnh của doanh nghiệp là tham quá, tức là sức có 1 nhưng muốn làm đến 10. Sức khỏe yếu nhưng nhiều doanh nghiệp lại muốn phát hành trái phiếu lớn, muốn ôm dự án. Có những doanh nghiệp bất động sản mỗi năm ôm đến cả chục dự án lớn với hy vọng có thể phát triển được hết. Đây là bệnh trầm kha của doanh nghiệp", ông Hiệp nói.

Thị trường bất động sản còn khó khăn kéo dài đến năm 2024 ảnh 1

Chuyên gia dự báo thị trường bất động sản sẽ còn khó khăn kéo dài tới năm 2024

Cũng theo ông Hiệp, doanh nghiệp cần phải biết lượng sức mình, nếu sức có thể gánh được 60kg thì chỉ cần gánh 40kg thôi mới có thể đi được đường dài. Đặc biệt, với những khó khăn trên thị trường, doanh nghiệp cần phải tự cứu mình là tiết giảm lại kênh đầu tư, mức đầu tư sao cho phù hợp với sức khỏe của mình.

Thứ hai, tín dụng ngân hàng hiện nay vào bất động sản đã sụt giảm rất nhiều so với trước đây, bởi đã có những cảnh báo từ ngân hàng và thị trường. Do đó doanh nghiệp sẽ cân nhắc để vay tín dụng, thậm chí còn sợ vay.

Thứ ba, về pháp lý, dự thảo sửa đổi 3 luật tới đây không biết sẽ "cởi" hay "trói" lại doanh nghiệp. Do đó, ông Hiệp dự báo thị trường bất động sản sẽ còn khó khăn kéo dài tới năm 2024.

Đồng quan điểm, ông Trần Quang Trung, Giám đốc phát triển kinh doanh OneHousing cho biết phân khúc bất động sản nhà ở cao cấp vẫn duy trì được sức hút, điều đó cho thấy trong bối cảnh khó khăn, chủ yếu là người giàu vẫn giữ được lượng tiền mặt và thực hiện đầu tư kinh doanh.

"Chúng ta không cứu doanh nghiệp bất động sản mà cứu thị trường bất động sản, tạo dòng tiền tốt sẽ có những doanh nghiệp hoạt động bài bản, thị trường bền vững, giảm đầu cơ ngắn hạn và yếu tố 'tham'", ông nói.

Do đó, lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng các chủ đầu tư, nhà đầu tư tham gia cần có tính toán sử dụng đòn bẩy thay vì đầu tư theo đám đông, phải đầu tư dài hơi không thể lãi gấp đôi, gấp ba ngay. Có thể nói cuối năm 2023, 2024 là cơ hội lớn, là giai đoạn rất nhiều người mong đợi, tiếp tục hành trình cho thị trường bất động sản.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.