Đề thi phù hợp, không khó đạt điểm trung bình
Thầy giáo Lê Hồng Phong – Tổ trưởng chuyên môn, Trường THPT Hàm Rồng (tỉnh Thanh Hóa) nhận xét: “Năm nay, kỳ thi rơi vào đúng dịp dịch COVID-19 bùng phát, nên nhìn chung đề thi của Bộ GD&ĐT ra khá căn bản, phù hợp với điều kiện chung của cả đất nước. Nhìn chung, cả bài thi, nếu học sinh trung bình, vẫn có thể làm được khoảng 5 - 6 điểm nhẹ nhàng.
Theo nhận định của cô giáo Vũ Thị Bình, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm (Hà Nội), đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 môn Ngữ văn vừa sức với học sinh.
Cụ thể, cấu trúc đề thi Ngữ văn năm nay không thay đổi so với kỳ thi THPT Quốc gia 2020, bám sát đề thi minh họa của Bộ GDĐT công bố vào cuối tháng 3 năm 2021. Nội dung kiến thức nằm trong khung chương trình đã được tinh giản sau khi điều chỉnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nội dung không gây bất ngờ với học sinh, tập trung vào phần trọng tâm kiến thức cơ bản. Đáng chú ý, đề thi có cả phần cơ bản và phần nâng cao để phân loại học sinh.
Cô Bình dự đoán, với nội dung đề thi năm nay, phổ điểm trung bình sẽ dao động từ 6 - 8 điểm, sẽ có nhiều điểm giỏi cho những học sinh có năng lực, đảm bảo đáp ứng 2 tiêu chí: xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Thầy Dương Trung Thành, Trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang với cấu trúc đề và hệ thống câu hỏi phù hợp với mức độ nhận thức của học sinh, dự đoán đa số thí sinh sẽ đạt từ điểm trung bình trở lên. Phổ điểm 6 - 7 chiếm đa số.
Những thí sinh giỏi Văn sẽ đạt điểm từ 8 - 9, tuy nhiên số lượng này không nhiều. Đề thi và dự đoán điểm thi đều có tính phân hóa cao. Môn Ngữ văn thi đầu tiên và mang lại hứng khởi rất lớn cho đại đa số thi sinh.
Phải tư duy mới làm được tốt câu 3 và câu 4 đọc hiểu
Ở phần 1 đọc hiểu, thí sinh khai thác nội dung đoạn trích trong văn bản Bí mật của nước của tác giả Masaru Emoto. Theo thầy Dương Trung Thành, thí sinh trả lời 4 câu hỏi phù hợp với 3 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng.
Ngữ liệu được đánh giá gần gũi, dễ hiểu, từ câu chuyện về sự hình thành của dòng sông trong mối liên hệ với con người có thể gợi ra nhiều thông điệp khác nhau trong cuộc sống.
Cô Vũ Thị Bình đánh giá, phần đọc hiểu hay, với ngữ liệu là một đoạn văn bản nằm ngoài chương trình sách giáo khoa phổ thông; sau đó là 4 câu hỏi đọc hiểu, được phân loại khá rõ ranh giới của các cấp độ nhận thức. Câu 1, 2 là câu hỏi nhận biết, học sinh dễ đạt điểm tối đa. Mặc dù đề thi Ngữ văn năm nay không mới về cấu trúc nhưng đòi hỏi học sinh phải tư duy mới làm được tốt câu 3 và câu 4.
Phần nghị luận có ý nghĩa giáo dục sâu sắc
Thầy Dương Trung Thành phân tích, câu hỏi nghị luận xã hội từ nội dung đoạn đọc hiểu, thí sinh viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải biết sống cống hiến.
Câu hỏi này chạm vào một trong những vấn đề tưởng như xưa cũ nhưng luôn thiết thân, thường trực, sâu sắc trong từng con người, đặc biệt là giới trẻ: đó là biết sống cống hiến. Trong bất cứ thời đại nào, bất cứ ai, khi con người biết sống chia sẻ, đùm bọc, biết sống cống hiến cũng đều được coi trọng và tôn vinh.
Đánh giá câu nghị luận văn học đụng chạm đến vấn đề muôn thuở của con người là tình yêu của người phụ nữ, tình yêu lứa đôi, thầy Thành cho rằng câu hỏi này rất thú vị và gây hứng thú cho thí sinh vì phù hợp với tâm lí lứa tuổi của đa số các em.
Trong câu nghị luận văn học có một ý hỏi phụ, từ việc cảm nhận đoạn thơ, thí sinh rút ra vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh. Đây là ý hỏi có tính phân loại đối với học sinh khá giỏi môn Văn.
Để giải quyết triệt để yêu cầu này, thầy Thành cho rằng học sinh cần hiểu được các khái niệm về phong cách tác giả và đặc điểm phong cách Xuân Quỳnh với vẻ đẹp nữ tính trong thơ. Thơ Xuân Quỳnh luôn dồi dào cảm xúc chân thành, đằm thắm, da diết và rất nữ tính. Thơ Xuân Quỳnh bộc lộ một trái tim luôn khao khát yêu, khao khát những hạnh phúc bình dị, đời thường.
Còn theo thầy Phong, câu nghị luận văn học, điều kiện cần ở học sinh là phải có vốn kiến thức khá rộng, để có thể liên hệ và bình xét sâu sắc, thì mới có điểm cao.