Bến xe cóc tràn lan phố cổ
Nhiều tháng ghi nhận thông tin ở khu vực phố cổ Hà Nội, nhóm PV chúng tôi ghi nhận được hàng trăm nhà xe ngang nhiên mở bến “cóc”, chạy tuyến cố định nhưng trá hình là xe hợp đồng.
Khách sạn Boss Legend ở 21 Hàng Thùng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) khách ra vào tấp nập, ít ai biết được đây không là văn phòng, bến xe cóc trá hình của hãng xe Green Bus. Để hợp thức hóa hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định Hà Nội - Sa Pa, nhà xe này sử dụng chính văn phòng của mình ở khách sạn Boss Legend là bến “cóc” đón trả khách. Sau đó, sử dụng các xe ôtô giường nằm loại 40 chỗ dưới dạng xe hợp đồng du lịch vận chuyển hành khách theo tuyến Hà Nội - Sa Pa với giá 250.000 đồng/người/lượt. Mỗi ngày nhà xe này có 3 chuyến cố định chạy Hà Nội - Sa Pa vào 7h, 13h30 và 22h.
Ghi nhận của phóng viên, tầng 1 khách sạn là văn phòng, nơi bán vé của nhà xe Green Bus. Hàng ngày, trước giờ xe chạy, việc mua bán vé diễn ra ngay tại văn phòng. Khi gom đủ số khách nhà xe này bắt đầu di chuyển đến trước cửa văn phòng đón khách hoặc nhân viên nhà xe sẽ dẫn khách lên xe ở đường Trần Quang Khải. Hoạt động xếp ghế cho khách ngay tại trước cửa văn phòng, hoạt động nhộn nhịp, công khai, ngang nhiên thách thức cơ quan chức năng.
Điều đặc biệt, dù xe hợp đồng nhưng nhân viên vẫn thu tiền trực tiếp từ hành khách ở văn phòng hoặc trên xe với giá 250.000 đồng/người. Hoạt động thu tiền khách được nhà xe này hợp thức hóa chỉ bằng một phiếu thu.
Ngoài các xe giường nằm, nhà xe Green Bus còn có hàng chục xe Limousine 9 chỗ, hoạt động nhộn nhịp suốt ngày đêm trên địa bàn Hà Nội. Các xe này hầu hết đăng ký hình thức hoạt động “xe hợp đồng” nhưng lại vận chuyển khách liên tỉnh Hà Nội - Sapa, bất chấp quy định của pháp luật. Các xe hợp đồng trá hình này ngang nhiên thu tiền, xé vé cho khách.
Ghi nhận của phóng viên vào 21h ngày 6/7, chiếc xe BKS: 29B. 614.95 của Green Bus đỗ ngay bên đường Trần Quang Khải để đón sắp xếp khách. Chiếc xe giường nằm 40 chỗ đậu hàng giờ đồng hồ để chờ khách, thu tiền ngay trước cửa xe. Hoạt động nhộn nhịp, công khai nhưng không thấy bóng dáng cơ quan chức năng.
Tương tự như nhà xe Green Bus, nhà xe Sapa Shuttle Bus chạy tuyến cố định Hà Nội – Sapa nhưng “trá hình” là xe hợp đồng du lịch. Việc bán vé, đưa đón khách diễn ra ngay tại văn phòng 16 Hàng Chĩnh (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Mỗi ngày, xe đi Hà Nội – Sapa của nhà xe khởi hành cố định vào 22h và 15h30’. Hoạt động bán vé khá công khai, người mua người bán tấp nập.
Trong vai hành khách đi Sapa du lịch, phóng viên dễ dàng tiếp cận và trực tiếp mua vé tại số 16 Hàng Chĩnh với giá 250.000 đồng. Tối 6/7, chiếc xe giường nằm 40 chỗ của nhà xe này cũng đổ ngay lòng đường giao nhau giữa phố Trần Nguyên Hãn cắt phố Trần Quang Khải. Nhân viên nhà xe thu tiền ngay trước cửa xe.
Ngoài xe giường nằm, nhà xe Sapa Shuttle Bus cũng sử dụng hàng chục xe Limousine Luxury Van 9 chỗ chạy liên tỉnh Hà Nội - Sapa. Các xe này hầu hết đăng ký hình thức hoạt động “xe hợp đồng” nhưng lại vận chuyển khách liên tỉnh Hà Nội - Sapa, Hà Nội – Hà Giang; Hà Nội – Hạ Long. Xe Limousine hỗ trợ đón trả khách tận nhà miễn phí trong khu vực Phố cổ Hà Nội, dọc đường Nghi Tàm - Âu Cơ, cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù và trong thị trấn Sapa, Hà Giang. Xe Sapa Luxury Van có hỗ trợ đón/trả khách đặt trước tại sảnh T1, T2 sân bay Nội Bài.
Các xe Limousine Luxury Van ngang nhiên thu tiền, xé vé cho khách với giá Hà Nội - Sapa 350.000 đ/vé. Xe Limousine Luxury Van chạy 10 chuyến/ngày, đón khách tận nơi lúc từ 6:30 đến 15:30 trong khu vực Phố Cổ Hà Nội; 8:00 đến 15:30 tại sảnh các khách sạn trong thị trấn Sapa.
Thêm một nhà xe nữa núp bóng xe chạy hợp đồng để vận chuyển hành khách ở Phố cổ, biến văn phòng thành bến cóc là nhà nhà xe Queen Cafe VIP tại số 208 Trần Quang Khải (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Hoạt động cấp phiếu (bán vé - PV) diễn ra trực tiếp tại văn phòng này.
Những hợp đồng “ma”
Tại Hà Nội, nhà xe Hà Lan Limousine ngang nhiên lập nhiều bến cóc tại các địa điểm như Số 87 Đại Cồ Việt, Bảo tàng Dân tộc học, số 82 Nguyễn Chánh, 119 Nguyễn Chí Thanh, 137 Nguyễn Trãi, Aeon Mall (Long Biên), 119 Trần Khát Chân nối dài để gom khách chạy tuyến Hà Nội đi Thái Nguyên.
Trong vai hành khách muốn đi Thái Nguyên, chúng tôi liên hệ với nhà xe Hà Lan và được hướng dẫn tới mua vé, đón xe tại điểm: 82 Nguyễn Chánh. Tại văn phòng này, nhà xe nhà xe Hà Lan ngang nhiên đón trả khách công khai từ 5h30 đến 21h. Nhà xe Hà Lan “lách luật” bằng cách chỉ lấy tên, địa chỉ, số điện thoại của khác hàng điền vào một hợp đồng được in sẵn. Nhân viên ở đây sẽ thu tiền trực tiếp từ phòng vé hoặc ngay khi lên xe.
“Xe xuất bến chạy từ 5h - 21h, tần suất 30 phút/chuyến, giá vé 120.000 đồng/khách chặng Hà Nội - Thái Nguyên. Tiền tý anh đóng cho lái xe”, người nhân viên ở văn phòng 82 nguyễn chánh nói.
Tại văn phòng này, phóng viên ghi nhận nhiều xe ô tô 16 được cải tạo thành 9 chỗ chỗ gắn thương hiệu Hà Lan Limousine chờ đón khách đi TP. Thái Nguyên. Hoạt động đón khách của nhà xe này diễn ra cả tiếng đồng hồ, nhưng không hề bị lực lượng CSGT và TTGT xử lý?
Sau khi chạy vòng quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Sân bay Nội Bài để gom đủ khách, xe di vào cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Xe chạy, nhân viên của Hà Lan Limousine đều yêu cầu hành khách ký tên vào một bản hợp đồng vận chuyển được soạn sẵn bởi Công ty CP và Thương mại du lịch Hà Lan. Hợp đồng này đi kèm với một giấy ủy quyền; danh sách khách hàng (soạn sẵn), chỉ để trống phần thông tin cụ thể. Nhân viên nhà xe cho biết, hợp đồng là đề phòng lực lượng chức năng kiểm tra thì nhà xe sẽ đưa ra danh sách này ra và bao biện rằng đó là khách đi xe hợp đồng chứ không phải bán vé cho khách lẻ như xe khách chạy tuyến cố định.
Sau khi đến TP. Thái Nguyên, hành khách được đội ngũ taxi riêng túc trực đưa đón hành hành khách đi đến điểm cần đến và vận chuyển hành khách tập kết về đây khi ngược Hà Nội.
Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa yêu cầu các bộ: Công an, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số12/CT-TTg ngày 2/6/2015 về tăng cường các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô và công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường sắt. Kiên quyết không để tái diễn tình trạng "xe dù, bến cóc" gây mất trật tự an toàn giao thông.
Nhưng thực tế, ngay tại phố cổ, trung tâm Thủ đô mỗi ngày hàng trăm lượt xe đội lốt xe chạy tuyến cố định xuất phát từ các bến “cóc” (chủ yếu là văn phòng, khách sạn - PV) đi khắp các tỉnh phía Bắc; hay việc nhà xe Hà Lan Limousine ngang nhiên mở hàng loạt văn phòng, chạy tuyến cố định trá hình xe hợp đồng trong thời gian dài nhưngkhông hề thấy bóng dáng lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông xử lý?.
Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải (xe khách hợp đồng và xe vận chuyển khách du lịch chỉ được thu tiền cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết cho cả chuyến xe; không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức…; không được hoạt động thường xuyên trên một tuyến xe khách đăng ký chạy tuyến cố định).