Mới đây, theo chân một doanh nghiệp Việt Nam sang Panama tìm hiểu thị trường gỗ, tôi đã có dịp tận mắt chứng kiến một phương pháp khai thác gỗ cực kỳ ấn tượng, đó là cưa và nhổ gỗ dưới lòng hồ Bayamo, một hồ có diện tích lên tới trên 460 km vuông và có chỗ sâu tới trên 30 mét, cách trung tâm thủ đô Panama trên 100 cây số.
Dẫn chúng tôi đi là một phụ nữ trẻ, chỉ khoảng 30 tuổi, nhưng là bà chủ của một công ty khai thác gỗ nước ngoài lớn đã đấu thầu thành công việc khai thác gỗ ở một phần lòng hồ Bayamo, mà theo tính toán của doanh nhân Việt (xin phép chưa tiết lộ danh tính) số tiền đầu tư lên tới cả tỷ USD. Bà chủ trẻ này là hậu duệ đời thứ ba của một gia đình chuyên khai thác gỗ ở một nước châu Mỹ, đặc biệt ở dưới các lòng hồ.
Vượt qua một chặng đường xuyên qua những khu đất rừng mênh mông, nhà cửa thưa thớt, cuối cùng chúng tôi đã đến được bãi tập kết gỗ của “bà chủ nhỏ”, ở mép một hồ rộng như biển cả, sóng vỗ bập bềnh, nước trong leo lẻo. Là người đã buôn bán gỗ nhiều năm, nhưng doanh nhân người Việt vẫn không khỏi sững sờ trước lượng gỗ khổng lồ đã được khai thác.
Nghe đến đây, tôi lại nhớ tới hồi còn trẻ, ở thôn tôi có thói quen, sau khi chặt tre xong, để hết mối mọt, dân làng thường đem tre xếp dưới đáy ao, đắp bùn lên và ngâm trong một hai năm. Với xoan cũng vậy. Những cây tre già được ngâm dưới ao, khi vớt lên đều cứng và dai cực kỳ. Đằng này ngâm tới 40 năm thì chất lượng tuyệt hảo cũng phải thôi.
Nhìn bãi gỗ đầu thừa, đuôi thẹo thôi, với khối lượng cả nghìn tấn, nằm chỏng chơ cạnh mép nước, mấy người Việt Nam đã “nuốt nước bọt” ừng ực. “Những thứ này mà để làm thớt, đồ thủ công mỹ nghệ, con tiện cầu thang thì thôi rồi”, một người trong đoàn thốt lên.
Sau một tiếng đi thăm bãi gỗ, “cô chủ nhỏ” dẫn chúng tôi lên một con xuồng máy đang chờ sẵn ở mép hồ để ra khu khai thác. Chiếc xuồng được làm bằng hợp kim dày hơn đốt ngón tay (để không bị gỗ đâm thủng) do một thổ dân ở vùng Bayamo lái, “rẽ sóng ra khơi”. Nhìn ánh mắt ngạc nhiên của tôi, một thương nhân người Mexico đi cùng đoàn nói nhỏ: Trong hợp đồng đấu thầu khai thác gỗ ở đây, có điều khoản chính quyền địa phương và bên khai thác phải tạo công ăn việc làm cho người dân ở vùng lòng hồ, phần lớn là thổ dân và một phần nhỏ của tiền đấu thầu phải trả cho cộng đồng dân cư ở đây.
“Chúng tôi sẽ cho mọi người xem hai cách khai thác gỗ: một là chặt gỗ dưới nước bằng cưa thủy lực và hai là dùng rô-bốt, như một chiếc máy xúc, nhổ cả cây lên”, nữ chủ nhân giới thiệu. “Cái nhà nổi mà các anh nhìn thấy chính là một điểm khai thác gỗ đấy", cô gái nói tiếp. "Ở phía trên có hai người, còn ở dưới lòng hồ có hai thợ lặn. Trước khi dùng máy thủy lực để cưa, hai thợ lặn sẽ cột cây gỗ vào một cái phao dài 3-4 mét, to bằng thùng phi ở đoạn giữa. Khi cưa xong, cây gỗ sẽ trồi lên khỏi mặt nước, cảnh rất ấn tượng. Ai có máy quay và máy ảnh thì hãy sẵn sàng nhé”.
Phương pháp thứ hai “hiện đại hơn”. Một chiếc máy xúc khổng lồ, thân dài khoảng 20m, được gắn với một rô-bốt máy ngoạm mà các càng đều có máy định vị, dò sóng sonar, máy quay dưới nước. Các càng này có thể ôm trọn một thân cây lớn và nhấc cả cây, lẫn gốc rễ và cành, ra khỏi mặt đất, dù lớn đến đâu. Chúng tôi đã may mắn chụp được thời khắc cây được nhổ lên khỏi mặt nước mà không phải chờ đợi gì nhiều.
Trung bình một ngày, mỗi rô-bốt có thể nhổ 150 cây gỗ. Tính chung cả hai phương pháp, mỗi ngày công ty này có thể khai thác gần 200 cây gỗ, vậy mà hợp đồng khai thác là những 12 năm (đã thực hiện được hai năm). Như vậy đủ biết dưới lòng hồ này, số lượng gỗ nhiều như thế nào.
Rời Panama, nhà doanh nghiệp Việt Nam rất hài lòng với kết quả đạt được, còn tôi cũng vui mừng được biết thêm một công nghệ khai thác gỗ mới, độc đáo và ít biết. Là người ngoại đạo, tôi chợt nghĩ, không biết dưới lòng hồ đập Hòa Bình, Ba Bể và Trị An, có còn nhiều gỗ không nhỉ? Và không biết ở Việt Nam, đã có ai nghĩ ra cách khai thác gỗ này chưa?