Thêm những lí giải khoa học về 'Vầng hào quang' ở miền Trung

“Vầng hào quang” bao quanh mặt trời chỉ là hiện tượng bình thường do khúc xạ ánh sáng.
“Vầng hào quang” bao quanh mặt trời chỉ là hiện tượng bình thường do khúc xạ ánh sáng.
TPO - Ngày 9/5 tại Huế xôn xao thông tin đức Phật “giáng thế” ngay trước dịp lễ Đản sanh, xuất phát từ hiện tượng trên bầu trời thành phố xuất hiện hiện tượng “vầng hào quang” tỏa quanh mặt trời trong nhiều giờ đồng hồ vào trưa cùng ngày.

Theo nhiều người dân, đây là hiện tượng rất lạ, lần đầu tiên trong đời mới được chiêm ngưỡng. Họ tin rằng đây là điềm lành báo hiệu đức Phật giáng thế ngay trước ngày rằm và lễ Phật đản năm nay.

Tuy nhiên, lý giải ở góc độ khoa học, thạc sĩ Trần Thanh Bình, giảng viên khoa Vật lý Đại học Sư phạm Huế, người chuyên nghiên cứu về thiên văn học - cho rằng, “vầng hào quang” bao quanh mặt trời xuất hiện tại Huế trưa 9/5 là hiện tượng khúc xạ ánh sáng của mặt trời qua mây.

Thêm những lí giải khoa học về 'Vầng hào quang' ở miền Trung ảnh 1 Người dân tò mò, thích thú dùng điện thoại chụp lại “vầng hào quang” lần đầu tiên được thấy trên bầu trời Huế.

“Đây là một hiện tượng bình thường, ở Huế có thể mới xuất hiện lần đầu, nhưng thực tế nó đã xuất hiện ở nhiều nơi”, ông Bình lưu ý.

Vị giảng viên này phân tích, khi mặt trời đi trên một tầng mây mỏng, mờ, đục có hạt nhỏ li ti với nhiệt độ đám mây khoảng âm 20 độ, khoảng cách đám mây cách mặt đất chừng 5 đến 8km; lúc đó, ánh sáng mặt trời chiếu xuống mặt đất sẽ bị khúc xạ qua đám mây tạo nên một vòng tròn gọi là quầng mặt trời.

“Quầng mặt trời này có 7 màu, với thứ tự màu từ trong ra ngoài là đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím; tương tự như màu cầu vồng.

Nhưng cầu vồng là do hạt mưa tạo ra, còn quầng mặt trời do hạt nước trong tầng mây mỏng gặp ánh sáng mặt trời sẽ tán sắc tạo thành một vòng tròn bao quanh mặt trời”, ông Bình cho biết thêm.

Trước đó, thông tin trên một báo điện tử, Chuyên gia Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) cũng cho biết, đây là hiện tượng quầng 22 độ.

Cụ thể, hiện tượng quang học này xảy ra trong khí quyển Trái Đất ở khu vực lân cận đĩa sáng Mặt Trời hoặc Mặt Trăng khi thời tiết rất khô, ít hơi nước, trên tầng cao của khí quyển chỉ có mật độ thấp các hạt băng (nước đá).

Ánh sáng từ Mặt Trời hoặc Mặt Trăng (do Mặt Trời chiếu sáng) khi đi vào khí quyển xuyên qua các tinh thể có dạng lục giác này bị khúc xạ, gây nên hiện tượng giống như khi đi qua một thấu kính phân kì, tạo thành một vòng sáng trắng có bán kính khoảng 22 độ (độ rộng đường kính 44 độ) quanh đĩa sáng.

Hiện tượng này thường được quan sát phổ biến ở Mặt Trăng và ít gặp hơn ở Mặt Trời.

Vẫn theo chuyên gia Sơn, đối với quầng của Mặt Trăng, người Việt có câu “Trăng quầng trời hạn, Trăng tán trời mưa” là bởi nó xảy ra vào thời điểm không khí ít hơi nước, khó mưa. Trong đó, quầng trong câu nói này là chỉ quầng 22 độ của Mặt Trăng. Còn ở Mặt Trời, tuy ít xuất hiện hơn nhưng nó cũng không phải quá hiếm.

Anh Sơn cũng khẳng định đây không phải là điềm báo hay dấu hiệu của bất kỳ sự kiện nào.

MỚI - NÓNG