Thêm đại gia gas rời thị trường Việt Nam

Thêm đại gia gas rời thị trường Việt Nam
Tập đoàn Shell (Hà Lan) xác nhận đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình trong một công ty liên doanh kinh doanh gas ở Hải Phòng và công ty gas 100% vốn của Shell tại TP.HCM cho Công ty Siam Gas (Thái Lan).

Thêm đại gia gas rời thị trường Việt Nam

> Cấm doanh nghiệp gas “tiền trảm hậu tấu”

> Điều chỉnh giá gas phải nêu rõ lý do

Tập đoàn Shell (Hà Lan) xác nhận đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình trong một công ty liên doanh kinh doanh gas ở Hải Phòng và công ty gas 100% vốn của Shell tại TP.HCM cho Công ty Siam Gas (Thái Lan).

Sau Mobil Unique Gas và BP Gas, đến lượt Shell Gas rút khỏi thị trường Việt Nam
Sau Mobil Unique Gas và BP Gas, đến lượt Shell Gas rút khỏi thị trường Việt Nam.
 

Đây là thương hiệu dầu khí toàn cầu thứ ba rời thị trường gas Việt Nam, trước đó là Mobil Unique Gas (Mỹ) và BP Gas (Anh), dù thị trường gas Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng với mức tăng trưởng bình quân hơn 10%/năm.

Không thể níu kéo

Trong công văn gửi các nhà phân phối, Shell Gas Vietnam giải thích nguyên nhân: “Việc chuyển nhượng này phù hợp với chiến lược kinh doanh của Shell, tái tập trung thị trường trọng điểm của ngành hạ nguồn vào ít thị trường hơn nhưng quy mô lớn hơn”.

Đề cập chiến lược ở thị trường Việt Nam, Shell cho biết đang đặt mục tiêu trọng tâm vào dầu nhờn và hé lộ ý muốn đầu tư vào lĩnh vực xăng dầu.

Bà Lê Thị Anh Mẫn, phó chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam: “Theo tôi, tình hình sang chiết gas lậu một số nơi có cải thiện nhưng một số nơi thì vẫn vậy. Gần đây lực lượng chức năng phát hiện một số vụ sang chiết gas lậu lên đến hàng ngàn bình gas tại Long An, Đồng Nai... Các cơ quan chức năng cũng nỗ lực hơn nhưng thật ra vẫn chỉ mới làm ở đằng ngọn. Hiệp hội đã kiến nghị nhiều điểm giúp cải thiện tình hình nhưng dường như những kiến nghị đó chưa đến được nơi cần đến”.

Hơn một thập niên ở thị trường Việt Nam, hoạt động kinh doanh gas không đem lại hiệu quả cho Shell. Dù Shell Gas là một thương hiệu uy tín ở thị trường gas Việt Nam nhưng có vẻ như chi phí công ty này bỏ ra quá lớn so với lợi nhuận thu về. Shell Gas từng được xem là một thương hiệu mẫu mực trong việc phát triển hệ thống phân phối với các cửa hàng bán lẻ chỉ bán duy nhất một loại bình Shell Gas.

Hệ thống này đã teo tóp dần, rồi Shell Gas chấp nhận cho các cửa hàng bán bình Shell Gas lẫn với các thương hiệu khác. Đó cũng là cách tập đoàn dầu khí lớn nhất nhì thế giới này nhượng bộ, thay đổi nguyên tắc của mình để thích nghi với thị trường Việt Nam.

Nhưng xem ra sự thay đổi này không giúp hoạt động kinh doanh khá lên. Cách đây hai năm Shell chuyển toàn bộ bộ phận văn phòng kinh doanh ở Hà Nội sáp nhập vào công ty ở TP.HCM, một cách để tiết giảm chi phí quản lý, và nay chấp nhận nhường cuộc chơi lại cho công ty khác.

Thị trường khó... chơi

Nếu như các công ty kinh doanh gas Việt Nam có sức cạnh tranh vượt bậc, buộc những thương hiệu quốc tế này thoái lui thì đây là thông tin tích cực, đằng này không phải vậy. Dù không nói thẳng ra nhưng cách giải thích của các công ty này cho thấy hàm ý việc rời bỏ cuộc chơi trên thị trường gas có nguyên do từ tình trạng sang chiết gas lậu không kiểm soát được ở ViệtNam. Cùng với một số công ty kinh doanh gas Việt Nam, những thương hiệu nước ngoài như Elf, Total, BP, Shell... đã chi khá nhiều tiền cho việc bảo vệ thương hiệu nhưng hiệu quả mang lại không nhiều.

Cách đây vài năm, lúc thị trường gas mới hình thành, khi nói đến bình gas màu đỏ người tiêu dùng muốn chỉ Elf Gas, xanh lá cây là BP, xanh da trời nhạt là Shell, xám là Saigon Petro...

Nhưng rồi mọi chuyện rối tung lên khi công ty nào cũng thích sơn màu bình gas bán chạy nhất. Màu bình gas không còn là độc quyền của riêng ai. Các công ty lại phải bỏ ra một đống tiền để thuyết phục người tiêu dùng đừng gọi gas theo màu bình nữa mà phải nhớ tên thương hiệu... Nhưng thị trường có đến gần 40% bình gas trôi nổi không quay về chủ sở hữu để làm công tác kiểm định chất lượng. Các công ty kinh doanh gas phải chấp nhận thực trạng không thể kiểm soát này. Điều này đồng nghĩa với việc “phải sống chung” với nạn sang chiết gas trái phép.

Bộ phận kinh doanh của nhiều công ty lập ra “đội đặc nhiệm” đi săn lùng các trạm chuyên sang chiết gas lậu vào 40% bình gas trôi nổi kia (số lượng là hàng triệu bình) rồi về báo cho công an kinh tế, quản lý thị trường đến bắt. Những vụ bắt các xe tải chở gas không hóa đơn chứng từ (gas sang chiết lậu) ngày càng nhiều và như bắt cóc bỏ đĩa vì trạm chiết gas này đóng cửa thì trạm khác mọc lên, âm thầm, ở nhiều nơi.

Lực lượng thực thi pháp luật làm không xuể, còn các công ty kinh doanh gas mệt mỏi, người tiêu dùng thì nhìn những bình gas như quả bom nổ chậm trong nhà.

Tháng 10/2010, nghị định 107 về kinh doanh gas có hiệu lực, từng được hi vọng lập lại trật tự cho thị trường gas, nhưng thực tế mọi chuyện vẫn như cũ, thị trường gas vẫn bát nháo như cách đây 4-5 năm. Các công ty kinh doanh gas có thương hiệu uy tín cho biết gần như mỗi tháng đều phải cử người đến các cơ quan quản lý thị trường để làm thủ tục nhận lại những bình gas của công ty mình bị chiếm dụng trái phép để sang chiết lậu.

Thực trạng này không chỉ làm méo mó môi trường kinh doanh gas Việt Nammà hệ quả là làm những công ty uy tín nản lòng, và gánh chịu hậu quả không ai khác hơn là người tiêu dùng.

Theo Lê Nguyên Minh
Tuổi trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG