Thêm các ca phản ứng phụ sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo

0:00 / 0:00
0:00
Thêm các ca phản ứng phụ sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo
TPO - Thông tin từ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia cho biết, có thêm 4.260 người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong ngày 15/3. Báo cáo nhanh từ các điểm tiêm chủng cho thấy, đã ghi nhận thêm các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.

Như vậy, sau đúng một tuần triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, tổng cộng 15.865 người đã được tiêm ở 12 tỉnh/thành phố: Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, TPHCM, Gia Lai, Long An, Đà Nẵng, Hoà Bình và Khánh Hoà.

Đối tượng được tiêm bao gồm: cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.

Theo báo cáo nhanh từ các điểm tiêm chủng, trong ngày 15/3 Chương trình TCMR đã ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng thông thường với các dấu hiệu như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, phát ban, đau cơ, đau đầu, tiêu chảy… tương tự như thông báo của nhà sản xuất vắc xin AstraZeneca.

Các thông điệp tư vấn và hướng dẫn theo dõi phản ứng sau tiêm của loại vắc xin mới này được các cán bộ y tế truyền tải cho từng người đi tiêm chủng. Vì vậy, các dấu hiệu bất thường về sức khỏe sau tiêm vắc xin COVID-19 cần được người đi tiêm chủng thông báo ngay cho các cơ sở y tế để ngành y tế kịp thời xử lý theo đúng quy định, giúp những trường hợp có phản vệ độ 2 và 3 sớm ổn định sức khoẻ.

Ngày đầu tiên ngay sau khi triển khai, một số người đã thông báo tình trạng đau tại chỗ tiêm, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, thậm chí buồn ngủ. Dấu hiệu này kéo đến ngày hôm sau ở khoảng một nửa số trường hợp với hiện tượng đau đầu, đau nhức cơ thể, mệt mỏi.

Quan trọng đây là các triệu chứng thường gặp sau chủng ngừa của phần lớn các vắc xin và đặc biệt là sau khi tiêm vắc xin COVID-19. Phần lớn mọi người đều ổn sau khi dùng thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường. Với nhiều trường hợp, hiện tượng này mất đi ngay vào sáng hôm sau, cảm giác như chưa có sự khó chịu sau tiêm chủng như vậy.

Trước khi đưa vắc xin vào triển khai, tất cả các điểm tiêm chủng được Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật kiểm tra, giám sát chặt chẽ và đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định.

Đặc biệt trong những ngày đầu mới triển khai, tất cả các điểm tiêm chủng đều có sự giám sát, hỗ trợ của Bộ Y tế và các Viện Vệ sinh Dịch tễ/Viện Pasteur.

Trong quá trình triển khai, người đến tiêm chủng đều được khám sàng lọc trước tiêm chủng và yêu cầu khai báo về tình tạng sức khỏe, bệnh nền và các mũi tiêm chủng trong thời gian gần đây để cán bộ y tế đưa ra chỉ định phù hợp.

Đồng thời người đến tiêm chủng được tư vấn đầy đủ về tác dụng và những sự cố bất lợi có thể xảy ra, những dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần thông báo cho cán bộ y tế. Trên thực tế, tất cả các dấu hiệu bất thường về sức khỏe sau tiêm đều được theo dõi và báo cáo.

Hải Dương: Các địa phương xây dựng kịch bản chống dịch cho giai đoạn sau 17/3

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đi vào hoạt động nhưng phải gắn với công tác phòng dịch COVID-19. Đồng thời các địa phương cần chuẩn bị xây dựng dựng kịch bản, kế hoạch cho giai đoạn phòng chống dịch sau ngày 17/3.

Đây là yêu cầu của Lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương khi làm việc về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại thành phố Chí Linh, huyện Cẩm Giàng, huyện Kim Thành và thị xã Kinh Môn. Các địa phương này hiện có số ca mắc dẫn đầu tỉnh Hải Dương.

UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu thành phố Chí Linh tiếp tục tuyên truyền người dân thực hiện tốt quy định 5K của Bộ Y tế, ở địa bàn nào, xã phường nào vi phạm quy định, cấp ủy, ban chỉ đạo phải chịu trách nhiệm, tuyệt đối không được chủ quan lơ là trong công tác phòng dịch. Đối với những địa bàn có nguy cơ cần tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm.

Tại huyện Cẩm Giàng, Lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu Ban Thường vụ kiện toàn, phân công lại công việc cụ thể, mỗi đồng chí được giao phụ trách các địa bàn phải nắm chắc công tác phòng dịch, những khó khăn vướng mắc đặc biệt là những tình huống phát sinh báo cáo Ban Chỉ đạo huyện.

Nhấn mạnh đến những công việc cần tiếp tục thực hiện trong công tác phòng dịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Văn Bản yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới, nâng cao hiệu lực hiệu quả của tổ COVID cộng đồng - đặc biệt giám sát chặt chẽ các trường hợp ho sốt trong cộng đồng, quản lý chặt chẽ các trường hợp F0, F1 cách ly trở về.

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đi vào hoạt động gắn với công tác phòng dịch. Đồng thời các địa phương cần chuẩn bị xây dựng dựng kịch bản, kế hoạch cho giai đoạn phòng chống dịch sau ngày 17/3.

Kiểm tra công tác phòng chống dịch tại một số doanh nghiệp, đoàn công tác đánh giá công ty đã thực hiện tốt các quy định và có nhiều cách làm hay, sáng tạo để tuyên truyền người lao động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đồng thời yêu cầu công ty tiếp tục tuân thủ tốt các quy định 5K, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên theo mẫu gộp để phòng tránh các nguy cơ….

Tăng cường quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin COVID-19

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin COVID-19.

Sở Y tế đã giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Thanh Nhàn tổ chức tập huấn, hướng dẫn quản lý chất thải trong tiêm chủng vắc xin COVID-19 tới các cơ sở y tế thực hiện công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19.

Với các cơ sở y tế có tiêm chủng COVID-19 thực hiện phân loại, thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động tiêm chủng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế và theo hướng dẫn của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) tại văn bản 102/MT-YT ngày 4/3.

Song song với đó, lập phương án quản lý chất thải phát sinh trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, trong đó xác định rõ dự kiến lượng chất thải phát sinh trong tiêm chủng, biện pháp thu gom và lưu giữ chất thải. Chuẩn bị đủ túi, thùng, dụng cụ đựng chất thải, phân loại, thu gom và bàn giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn về quản lý chất thải tới các cán bộ của cơ sở tiêm chủng.

Với các chất thải phát sinh trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 như kim tiêm, bơm tiêm liền kim sau sử dụng thải bỏ và các chất thải lây nhiễm sắc nhọn khác thì phân loại vào dụng cụ đựng chất thải lây nhiễm có màu vàng, có thành, đáy cứng không bị xuyên thủng, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh.

Bơm tiêm liền kim, vỏ lọ vắc xin COVID-19 đã dùng hết… là những chất thải phát sinh trong quá trình tiêm chủng có chứa chất gây bệnh phải được phân loại, thu gom và xử lý theo quy định.

Bông, băng dính máu, vỏ lọ vắc xin đã dùng hết, lọ đựng vắc xin thừa thải bỏ, khẩu trang, găng tay, trang phục bảo hộ cá nhân thải bỏ và các chất thải lây nhiễm không sắc nhọn khác thì phân loại vào túi, thùng đựng chất thải lây nhiễm, có màu vàng, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh.

Lọ vắc xin hết hạn sử dụng hoặc hỏng không sử dụng được do quá trình bảo quản, phân loại riêng để tiêu hủy theo quy trình hủy thuốc hoặc trả lại nhà sản xuất theo thỏa thuận với bên cung cấp.

Các chất thải khác phát sinh trong quá trình thực hiện tiêm chủng ngoài những chất thải trên được phân loại theo quy định tại Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT. Việc thu gom, lưu trữ, vận chuyển, xử lý chất thải cũng được thực hiện theo quy định của thông tư này và những văn bản có liên quan.

MỚI - NÓNG