Thêm 300.000 liều vắc-xin ngừa bạch hầu cho Tây Nguyên

Cán bộ hội phụ nữ tới nhà vận động dân đi tiêm phòng
Cán bộ hội phụ nữ tới nhà vận động dân đi tiêm phòng
TP - Ngày 13/7, TS Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, cho biết, hôm nay, Viện Vắc-xin và sinh phẩm Nha Trang sẽ chuyển khoảng 300.000 liều vắc-xin ngừa bạch hầu lên các tỉnh Tây Nguyên. 

Dự kiến phân phối khoảng 100.000 liều vắc-xin cho tỉnh Kon Tum, 200.000 liều cho những tỉnh Tây Nguyên còn lại. Hiện có xã Quảng Hòa (tỉnh Đắk Nông) đã tiêm hết vắc-xin mũi 1 cho những người từ 40 tuổi trở xuống. Dự kiến hôm nay bắt đầu tiêm cho những người dân còn lại trong xã.

Khống chế các ổ dịch

Để khống chế sự lây lan của dịch bệnh bạch hầu, TS Viên Chinh Chiến cho rằng, cần 3 bước. Bước đầu tiên là cán bộ y tế cơ sở phải được tập huấn nâng cao nhận thức để nhận biết được bệnh. Khi phát hiện ra bệnh, đặc biệt là phát hiện sớm, gửi mẫu và xử lý nhanh, thì ít nhất chúng ta xử lý được ổ dịch và đồng thời góp phần ngăn chặn nguy cơ lây lan ra các khu vực khác. Tiếp đó làm tốt công tác điều tra dịch tễ khi có ca bệnh xuất hiện. Cuối cùng, giải pháp bền vững và an toàn nhất là vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai tiêm chủng làm sao đảm bảo được tỷ lệ hơn 90% theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo ông Chiến, điều quan trọng nhất hiện nay là khống chế các ổ dịch, không để xuất hiện những ổ dịch mới. Làm được điều này mới có thể nhanh chóng dập dịch bạch hầu đang hoành hành tại các tỉnh Tây Nguyên.

Hiện vẫn có một số khó khăn khi triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin cho người dân ở các tỉnh Tây Nguyên. Thời gian qua có tình trạng người có chỉ định tiêm vắc-xin, uống kháng sinh phòng bệnh không tiêm hay uống do cho rằng mình không có bệnh nên không phải dự phòng. Ông Chiến cho biết, một số vùng đã lập nhóm vận động, mang thuốc kháng sinh đến tận nhà người dân. Giải pháp vận động sẽ được áp dụng với chiến dịch tiêm ngừa này. Trong tiêm chủng thì không phải được 100%, tức là sẽ có tỷ lệ nhất định họ không tiêm, rồi bản thân tiêm có tỷ lệ nhất định không đáp ứng miễn dịch... Do đó, khi gặp được nguồn bệnh với một mức độ phù hợp sẽ xuất hiện ca bệnh, cụ thể bao nhiêu thì hiện nay các nhà khoa học cũng chưa xác định được.

“Ở Tây Nguyên thì hầu như những ca tử vong đều là ca đầu tiên. Bởi vì lâu quá người ta không có mặt bệnh, như hôm trước chúng tôi đi Quảng Hòa, bản thân ở xã Quảng Hòa họ nói là nếu như bác sĩ ổn định thì chưa chắc bị, anh bác sĩ làm lâu năm thì mới chuyển công tác, bác sĩ mới về. Bác sĩ mới hiện nay hầu như không có kinh nghiệm và kiến thức về bệnh bạch hầu vì mười mấy năm rồi không có ca bệnh. Khi bác sĩ muốn biết thì đi lâm sàng phải nhìn được mặt bệnh, chỉ nghe lý thuyết thôi thì cũng khó. Đó là lý do mà tại sao chúng tôi ưu tiên chuyện đào tạo tập huấn để các bác sĩ có một kiến thức tổng quát nhất rồi từ đó họ sẽ lan tỏa dần ra các nhân viên y tế khác’, ông Chiến nói.

Phải điều trị sớm

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, muốn ngăn chặn nhanh, giảm tử vong, cách phát hiện sớm, điều trị triệt để rất quan trọng. Theo đó, các địa phương cần thực hiện đúng phương châm phòng chống dịch: phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, nhưng quan trọng nữa là phải điều trị sớm. Ngay khi phát hiện ra ca bệnh, ngay lập tức phải cho người trong thôn, xã uống thuốc điều trị dự phòng, giúp ngăn ngừa được biến chứng, lây lan. Một điểm rất quan trọng trong việc phòng chống dịch bạch hầu được ông Long nhấn mạnh là muốn thành công, phải huy động cấp uỷ chính quyền, tất cả ban ngành đoàn thể, giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương.

Theo phân tích của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, trong số 79 ca bệnh bạch hầu ở Tây Nguyên, có tới 26 ca không có biểu hiện triệu chứng - người lành mang trùng, phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.