“Không nghe cán bộ nào thông báo”
Theo báo cáo của ngành y tế, dịch bạch hầu xuất hiện chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khu vực này có tỷ lệ tiêm chủng thấp, tạo thành vùng lõm khiến ngành y tế tập trung tiêm vắc-xin phòng bệnh cho nhiều đối tượng nhằm dập tắt dịch bệnh trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, dịch bạch hầu vẫn diễn biến phức tạp. Phóng viên Tiền Phong đã về những nơi này để tìm hiểu do người dân từ chối hay cán bộ chưa làm tròn trách nhiệm.
Tại xã Quảng Phú, huyện Krông Nô cách TP. Gia Nghĩa hơn 70 cây số (nơi có 8 ca dương tính với bạch hầu), phóng viên gặp anh Triệu Văn Phây (dân tộc Dao, thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú). Anh Phây kể, nhà có 6 người con, đứa lớn nhất 16 tuổi, đứa út vừa lên lớp 1. Các con của anh chưa từng được tiêm bất kỳ loại vắc-xin nào, trừ con trai út được tiêm 1 mũi viêm não Nhật Bản cách đây 2 năm khi theo học mầm non.
“Nhiều năm qua, tôi không nghe cán bộ nào thông báo cho con đi tiêm. Ở đây cũng có y tế thôn buôn, nhưng tôi không biết mặt mũi của họ, cũng không nghe thông báo lịch đưa con đi tiêm. Trong các buổi họp, trưởng thôn cũng không nhắc tới việc này. Tôi đã nghèo lại không biết chữ khổ lắm. Làm cái gì mình cũng phải nhờ người khác rất phiền. Nay, tôi đang học 1 lớp xóa mù chữ để kiếm cái chữ thôi”, anh Phây nói.
Tương tự, 2 con của chị Giàng Thị Dở (người Mông, cụm Sình Cọ, xã Quảng Phú) cũng không tiêm đủ các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Chị Dở nói: “Nhà mình cách trung tâm xã Quảng Phú hơn 20 cây số. Mỗi lần ra trạm xá xa quá vất vả lại không thấy ai thông báo cho con đi tiêm nên mình im luôn. Về sau sắm được chiếc xe máy, mình chở con ra Trạm Y tế xã Quảng Hòa (thuộc huyện Đắk G’long) tiêm cho gần nhưng chỉ được 1 mũi. Tháng trước, mình chuyển nhà ra cụm dân cư thuộc thôn Phú Vinh mới có cán bộ phát phiếu đi tiêm cho đứa thứ 2”. Hỏi về ý nghĩa của việc tiêm vắc-xin, chị Dở lắc đầu nhưng bảo sẵn sàng cho con đi tiêm nếu được thông báo.
Chị Triệu Thị Dao (29 tuổi, cụm dân cư Sình Cọ) nói rằng, 5 người con nhà chị không tiêm đủ các mũi vắc-xin, do nhà chị ở xa nên không nhận được thông báo tiêm phòng. Mới đây, chị chuyển ra khu vực cụm dân cư mới thuộc thôn Phú Vinh mới được cán bộ đến phát giấy đưa con đi tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu...
Vận động suông?
Ông Hồ Khắc Sừng, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Nô, cho biết, tỷ lệ tiêm chủng của trẻ trên toàn huyện đạt từ 90-95%. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn một số vùng lõm tiêm chủng như các thôn Phú Vinh, Phú Hòa, Phú Sơn, Dốc 3 tầng, Nâm Nung... với tỷ lệ 50-60%. Đây là vùng đồng bào thiểu số, vùng sâu vùng xa (cách trạm y tế hơn 20 cây số), cán bộ gặp nhiều khó khăn trong triển khai tiêm chủng cho trẻ. Về biện pháp tuyên truyền người dân đưa con đi tiêm vắc-xin, ông Sừng nói rằng, đơn vị đã giao chỉ tiêu về các trạm y tế chủ động triển khai, nếu không đạt, trạm trưởng sẽ chịu trách nhiệm.
Ông Sừng cho biết, đã phê bình, kiểm điểm các trưởng trạm y tế do không hoàn thành chỉ tiêu, song tình hình tiêm chủng không được cải thiện. Hỏi về trách nhiệm bản thân khi nhiệm vụ tiêm chủng của Trung tâm Y tế không đạt chỉ tiêu, ông Sừng im lặng. Ông nói rằng, cán bộ đã dùng nhiều cách tuyên truyền như dùng loa phát thanh, phát tờ rơi; trong sổ tiêm chủng đã có sẵn các nội dung về tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin nhưng người dân chưa nhận thức đầy đủ, không hợp tác. Khi phóng viên đặt vấn đề người dân không biết chữ, liệu cách vận động suông đó có hiệu quả không, ông Sừng cho rằng, nhân lực, kinh phí của ngành y tế có hạn, cán bộ không thể đến từng nhà vận động. Đợt dịch bạch hầu này, cán bộ y tế làm việc cật lực không kể đêm ngày.
Ông Nguyễn Xuân Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, cho biết, đã nắm được các vùng lõm trong tiêm chủng mở rộng và đã triển khai xóa các vùng đó bằng cách mở các chương trình tiêm vắc-xin bổ sung. Ông Danh cũng nêu các biện pháp tuyên truyền như thông qua hệ thống phát thanh, yêu cầu các ban ngành đoàn thể vào cuộc vận động...
Ngày 13/7, sau bài báo của Tiền Phong về giấy cam kết không tiêm vắc-xin, phóng viên Tiền Phong đã liên hệ được với bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông. Bà Hạnh đề nghị làm việc với Văn phòng UBND tỉnh (hoặc thư ký của bà Hạnh; phóng viên gửi trực tiếp bằng văn bản). Tuy vậy, khi phóng viên gọi điện đề cập trách nhiệm liên quan những tờ cam kết không tiêm chủng phát cho dân, ông Hoàng Văn Thuần, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông, lại “chuyền bóng” tới ông Hà Văn Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế (người từng nói rằng, dịch bệnh bùng phát phần lớn do lỗi của dân không đi tiêm). Phóng viên nhiều lần liên lạc với ông Hùng nhưng không được.
Đến nay, Tây Nguyên có 79 ca mắc bạch hầu, trong đó Đắk Nông - 30, Đắk Lắk - 3, Gia Lai - 20 và Kon Tum - 26.
VŨ LONG