Ngày 27/3, nguồn tin Tiền Phong xác nhận, Bộ Công an đã khởi tố thêm các bị can Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Trần Nguyễn Xuân Lan và Cao Lan Phương (đều là nhân viên Eximbank) về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”. Tuy nhiên, cả ba người này được công an cho tại ngoại và cấm đi khỏi nơi cư trú.
Trước đó ngày 26/3, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam các bị can Hồ Ngọc Thuỷ, Nguyễn Thị Thi (đều là nhân viên Phòng khách hàng của chi nhánh) về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”,
Như vậy đến nay đã có 5 người được công an xác định có liên quan đến vụ ông Lê Nguyễn Hưng (nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TPHCM, đã bị khởi tố và truy nã về hành vi lừa đảo) chiếm đoạt 245 tỷ đồng của khách hàng Chu Thị Bình.
Trước đó, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Ngô Thanh Tùng, thành viên Hội đồng quản trị, Luật sư trưởng của Eximbank cho biết, các nhân viên này đã có sai xót về mặt kỹ thuật, xác nhận giấy ủy quyền khi không có mặt của khách hàng là bà Chu Thị Bình và bà Nguyễn Thị Hồng Lê.
“Mặc dù cơ quan cảnh sát điều tra đã xác nhận chữ ký ủy quyền của bà Chu Thị Bình, bên ủy quyền là có thật và chữ ký của bên được ủy quyền là bà Nguyễn Thị Hồng Lê, cô ruột của vợ bị can Lê Nguyễn Hưng, là giả, do Hưng ký chứ không phải bà Lê. Trên thực tế bà Chu Thị Bình cũng tự mình ký lệnh chuyển tiền vào tài khoản của bà Nguyễn Thị Hồng Lê vào ngày 28-7-2014”, ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, các nhân viên này không cố ý nhưng bị yêu cầu, nhận chứng từ từ Lê Nguyễn Hưng và chỉ thị rút tiền có chữ ký của bà Chu Thị Bình, nên đã xác nhận giấy ủy quyền không có sự hiện diện của khách. Đây là cái giá phải trả cho sự sơ suất mà vướng vào vòng lao lý không đáng có của các nhân viên.
“Chúng tôi đã chỉ định luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ công nhân viên liên quan. Ai sai phạm tới đâu thì chịu trách nhiệm tới đó, tránh oan sai. Chúng tôi quyết tâm làm rõ vụ việc, yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của những người liên quan với phương châm mọi người bình đẳng trước pháp luật”, ông Tùng cho biết.
Vụ việc bắt nguồn từ năm 2007, khách hàng Chu Thị Bình, gửi tiết kiệm một số tiền lớn nên được ngân hàng này chăm sóc theo tiêu chuẩn khách hàng đặc biệt (VIP). Ông Lê Nguyên Hưng - Phó Giám đốc chi nhánh ngân hàng trên là người đứng ra thực hiện các giao dịch với bà Bình. Nhiều lần ông Hưng cùng nhân viên của Eximbank có đến nhà của bà Bình trình bày những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi. Tuy nhiên, ông Hưng tự ý làm giả ủy quyền của bà Bình để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà Bình rồi gửi vào tài khoản đã đến hạn tất toán. Giấy ủy quyền của bà Bình ủy quyền cho 2 cá nhân có tên là Nguyễn Thị Hồng Lê và Nguyễn Minh Huân nhưng bà Bình không biết hai người này. Với thủ đoạn trên, ông Hưng chiếm đoạt hơn 245 tỷ đồng của bà Bình. Theo kết quả điều tra giai đoạn 1 của cơ quan công an thì hành vi lừa đảo của ông Hưng xảy ra từ năm 2014 đến 2017. Khi vụ việc bị phát giác, ngân hàng Eximbank đã chủ động gặp bà Bình để tìm hướng tháo gỡ và cũng chính nhà băng này tố cáo ông Hưng với công an. |