Nhập khẩu trái phép phế liệu

Thêm 2 công ty bị khởi tố, hàng loạt tổ chức bị thanh tra

Từ trái qua phải: Nguyễn Ðức Trường, Nguyễn Văn Sơn, Dương Văn Phương, Dương Tuấn Anh.
Từ trái qua phải: Nguyễn Ðức Trường, Nguyễn Văn Sơn, Dương Văn Phương, Dương Tuấn Anh.
TP - Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 đối tượng liên quan hoạt động làm giả các giấy tờ, tài liệu để nhập khẩu trái phép phế liệu vào Việt Nam. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng đang thanh tra toàn diện hoạt động cấp phép nhập khẩu phế liệu để xử lý.

Dùng giấy tờ giả tràn lan để nhập khẩu

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Đức Trường - Giám đốc Cty TNHH Đức Đạt (huyện Yên Khánh, Ninh Bình); Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc và Dương Văn Phương - nhân viên Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Sản xuất Bao bì Trường Thịnh (huyện Yên Khánh, Ninh Bình); Dương Tuấn Anh - quản lý điều hành Cty TNHH sản xuất kinh doanh dịch vụ xây dựng Hồng Việt (quận 4, TP Hồ Chí Minh) để điều tra về hành vi “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”.

Trước đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) đã phối hợp với Tổng cục Hải quan rà soát, phát hiện một số đơn vị, cá nhân có sai phạm trong việc nhập khẩu (NK) phế liệu vào Việt Nam. Sau quá trình lập án điều tra, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đủ căn cứ xác định: DNTN Sản xuất Bao bì Trường Thịnh do Nguyễn Văn Sơn làm giám đốc và Cty TNHH Sản xuất kinh doanh dịch vụ xây dựng Hồng Việt do Lê Hữu Thiêm làm giám đốc có dấu hiệu làm giả các giấy tờ, tài liệu để nhập khẩu trái phép phế liệu vào Việt Nam.

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), riêng đối với Cty TNHH Đức Đạt, cơ quan điều tra xác định, từ ngày 21/7 đến 22/11/2017, DN này đã sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả gồm: Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu số 1094/GCN-STNMT ngày 14/9/2015 và các văn bản Thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan qua cảng Sài Gòn Khu vực 1, Khu vực 3 - TP Hồ Chí Minh, cảng Cái Mép, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 635 tờ khai. Tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu lên tới 13.000 tấn, tổng trị giá theo khai báo 35,5 tỷ đồng.

Ngày 17/7/2018, Cục Điều tra chống buôn lậu ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Cty TNHH Đức Đạt về tội Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan Công an tiếp tục điều tra làm rõ.

Theo khai báo của ông Nguyễn Đức Trường, tờ giấy chứng nhận giả được ông này nhờ người xin giúp vào tháng 7/2017 (nhưng không khai báo là nhờ ai, tên tuổi, địa chỉ. Đây là tình tiết rất cần làm rõ xem ai, bộ phận nào đã tiếp tay cho DN?). Biết “có biến”, DN này không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh và ông Nguyễn Đức Trường không có mặt tại địa phương.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, ngoài Cty TNHH Đức Đạt, đã có thêm 2 DN khác bị khởi tố vì liên quan buôn lậu phế liệu là DNTN Sản xuất Bao bì Trường Thịnh và Cty TNHH sản xuất kinh doanh dịch vụ xây dựng Hồng Việt.

Theo thông tin từ Bộ Công an, ngoài các bị can trong vụ án, CQĐT cũng đang khẩn trương điều tra, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị cá nhân khác có liên quan đến hơn 10.000 container đang tồn tại các cảng biển để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Thanh tra 75 đối tượng nhập phế liệu

Bộ TN&MT vừa có quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với công tác cấp giấy chứng nhận/xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (giấy chứng nhận) và hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Thời kỳ thanh tra từ lúc giấy chứng nhận có hiệu lực đến nay.

Bên cạnh đó, sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức đã được Bộ TN&MT chỉ định tham gia chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu NK làm nguyên liệu sản xuất; thời kỳ thanh tra từ ngày 27/10/ 2015 đến nay.

Ngoài ra, Bộ TN&MT cũng thanh tra công tác cấp giấy chứng nhận của Tổng cục Môi trường từ ngày 27/10/2015 đến nay; Thanh tra công tác cấp giấy chứng nhận của sở TN&MT các tỉnh từ ngày 1/1/2013 đến nay.

Trên cơ sở đó, Thanh tra Bộ TN&MT sẽ thanh tra 75 đối tượng, trong đó có 64 tổ chức, bao gồm các DN, hợp tác xã, các đơn vị nhập khẩu trực tiếp, nhập khẩu ủy thác. Trong số 64 tổ chức nằm trong diện thanh tra này, có 54 tổ chức được Bộ TN&MT cấp giấy xác nhận, 10 tổ chức được Sở TN&MT cấp giấy chứng nhận/xác nhận.

Theo Bộ TN&MT, trong số 64 tổ chức này có 54 tổ chức nhập khẩu trực tiếp, 5 tổ chức NK ủy thác, 5 tổ chức được Bộ TN&MT chỉ định tham gia chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu NK làm nguyên liệu sản xuất.

Về việc triển khai thanh tra, ngày 22/8/2018, Đoàn thanh tra Bộ Liên ngành gồm TN&MT, Tài chính, Công an đã công bố quyết định thanh tra đối với 8 sở TN&MT, bao gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP. HCM, Long An, Bến Tre, Bình Phước, Cần Thơ và 29 tổ chức trên địa bàn các tỉnh, thành này.

Tiếp đó, ngày 24/8/2018, Đoàn thanh tra công bố quyết định thanh tra đối với 11 sở TN&MT các tỉnh, thành phố bao gồm: Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Thái Nguyên, Thái Bình, Ninh Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Ninh và 30 tổ chức trên địa bàn các tỉnh thành này và Tổng cục Môi trường. Ngày 27/8/2018, đoàn đã thanh tra Sở TN&MT Đà Nẵng và 5 tổ chức trên địa bàn thành phố.

Phế liệu ồ ạt nhập về từ đầu năm tới nay khiến nhiều cảng biển Việt Nam bị ùn tắc nghiêm trọng. Trong đó, tại Cảng Cát Lái (TP.HCM), đến ngày 25/7/2018 đang tồn đọng 3.579 container phế liệu.

Còn theo Cục Hải quan Hải Phòng, tính đến 1/8/2018, tại khu vực cảng Hải Phòng có 1.000 container phế liệu tồn đọng (quá hạn làm thủ tục 90 ngày). 

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.