Khen Olympic Việt Nam thế nào cho đủ?

Bàn thắng vào lưới Olympic Bahrain chính là sự giải tỏa áp lực cần thiết cho Công Phượng sau những chỉ trích nặng nề. Ảnh: VSI.
Bàn thắng vào lưới Olympic Bahrain chính là sự giải tỏa áp lực cần thiết cho Công Phượng sau những chỉ trích nặng nề. Ảnh: VSI.
TP - Chúng ta có quyền vui mừng vì thành tích lần đầu vào Tứ kết một kỳ Á vận hội, nhưng cần chừng mực trong khen chê về những gì Olympic Việt Nam đã hoặc chưa làm được.

Chiến thắng 1-0 trước Bahrain tối 23/8 đã đưa Olympic Việt Nam vào Tứ kết Asiad 2018, thành tích khiến tất cả giới mộ điệu và dân chúng đều cảm thấy vui mừng. Tuy nhiên, có vẻ như đâu đó đã có những phản ứng quá đà khi ăn mừng thành công của Olympic Việt Nam. Tôi cho rằng vui sướng thái quá bao nhiêu, thì cũng có khả năng sa vào trạng thái công kích nặng nề bấy nhiêu, khi đội chẳng may không thành công. Vấn đề là chúng ta cần có những đánh giá thật chính xác điểm hay, dở của mình là gì.

Olympic Việt Nam thực tế đã có một trận đấu dưới sức so với đối thủ, như thừa nhận của HLV Park Hang Seo là cả đội đều chơi không tốt. Hàng tiền vệ không kiểm soát được bóng, nhiều thời điểm cả hệ thống trở nên lúng túng trước lối chơi áp sát của Bahrain. Việc mất Hùng Dũng có thể là 1 phần nguyên nhân, khi cả Lương Xuân Trường và Quang Hải đều không mạnh về phòng ngự, tranh chấp bóng. Ngay cả khi Bahrain lâm vào thế phải chơi với 10 người, Olympic Việt Nam cũng không tạo được sức ép lên đối thủ, thậm chí khung thành thủ môn Tiến Dũng còn nhiều lần rơi vào tình trạng bị uy hiếp. Trong hiệp 1, nếu Bahrain may mắn hơn ở các tình huống dứt điểm, chiếc vé đi tiếp vào Tứ kết Asiad 2018 có thể đã không thuộc về Olympic Việt Nam.

Pha lập công của Công Phượng là điểm sáng duy nhất, trong bối cảnh Olympic Việt Nam thua sút so với Bahrain gần như hoàn toàn. Cần nhắc lại rằng Bahrain chỉ mang đội hình U21 tham dự Asiad 2018, trong đó nhiều cầu thủ thậm chí sinh năm 1999 và 2000. Olympic Việt Nam thì ngược lại, nếu bổ sung thêm 2 hoặc 3 cầu thủ, đội hình trong tay HLV Park Hang Seo đã có thể gọi là ĐTQG.

Phân tích như vậy để thấy, thành tích của thầy trò HLV Park Hang Seo là rất đáng khen ngợi. Đây là nỗ lực lớn của một tập thể đã được tập luyện, chơi bóng cạnh nhau trong một thời gian dài. Cũng hiếm có kỳ Á vận hội nào, bóng đá Việt Nam bước vào giải với vị thế cao như lần này.

Ở cấp độ vĩ mô, chúng ta cũng có quyền vui vì những dấu hiệu chuyển biến tích cực của nền bóng đá, từ sự phát triển của các lò đào tạo trẻ, thay đổi trong cách làm bóng đá của LĐBĐVN (VFF) tới các CLB. Bóng đá Việt Nam đang sở hữu một thế hệ cầu thủ được đào tạo bài bản, toàn diện, rèn luyện và thi đấu trong môi trường chuyên nghiệp hơn.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là những thành tựu bước đầu, để tiến xa hơn, bóng đá Việt Nam vẫn còn cần rất nhiều nỗ lực. Điều này là không hề lạ nếu xét trong bối cảnh điều kiện các nguồn lực của Việt Nam, từ cơ sở vật chất, đầu tư, tài chính tới con người…đều thua sút so với những đối thủ lớn trong khu vực và châu lục. Lâu nay chúng ta vẫn tự đặt cho mình mục tiêu ngang bằng hoặc vượt qua Thái Lan trong khu vực. Nhưng rất ít người đặt câu hỏi ngược lại, chúng ta đang có gì để vượt qua được bạn.

Điều gì sẽ xảy ra nếu tối qua, Công Phượng không ghi bàn và người chiến thắng không phải Olympic Việt Nam? Vẫn là Phượng, nhưng chỉ ít ngày trước đó còn chìm trong những chỉ trích, trong đó không ít thật sự cay nghiệt đến độ có thể đánh gục một cầu thủ trẻ. Bàn thắng của Công Phượng là sự giải tỏa cho chính anh khỏi những áp lực, đưa Olympic Việt Nam tạo nên một cột mốc lịch sử mới, nhưng không đủ để thay đổi căn bản những giá trị thực sự của bóng đá Việt Nam.

Chừng mực trước những thành tích trước mắt cũng là cách để có thể tiến nhanh, tiến xa hơn trong tương lai.

MỚI - NÓNG
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
TP - Mùa giáng sinh rộn ràng khắp phố phường với những cây thông được trang hoàng rực rỡ, tuy nhìn vào “thực đơn” món ăn tinh thần vẫn loanh quanh những sản phẩm nhuốm màu năm tháng. Từ phim ảnh đến âm nhạc đều mang màu sắc hoài niệm.