Thế khó của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi đến Israel

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phát biểu tại Jerusalem ngày 24/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ đoàn kết với Israel, trong bối cảnh quốc gia này tiếp tục dội bom vào Dải Gaza để đáp trả Hamas.
Thế khó của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi đến Israel ảnh 1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp những công dân mang hai quốc tịch mất người thân trong vụ tấn công của Hamas hoặc bị bắt làm con tin tại Tel Aviv ngày 24/10. (Ảnh: Reuters)

“Điều đã xảy ra sẽ không bao giờ có thể quên được. Tôi ở đây để bày tỏ tình đoàn kết”, ông Macron nói về vụ tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10.

Ông Macron có cuộc gặp với người đồng cấp Israel Isaac Herzog, sau đó gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Đây là chuyến thăm mới nhất của một lãnh đạo phương Tây đến Israel, tiếp nối lãnh đạo Mỹ, Anh, Đức, Ý và một số người khác.

Báo chí Pháp dẫn thông tin từ Điện Elysee cho biết, thông điệp của ông Macron khi đến Israel lần này là kêu gọi “bảo vệ dân thường” ở Dải Gaza, và “nối lại tiến trình hòa bình thực sự” cho việc thành lập một nhà nước Palestine.

Ông Macron cũng kêu gọi “ngừng bắn nhân đạo” để cho phép phân phối hàng viện trợ nhân đạo tới những người dân đang sống trong cảnh thiếu thốn đủ thứ.

Chuyến thăm của Tổng thống Pháp diễn ra 2 tuần sau khi Hamas bất ngờ tấn công Israel, khiến ít nhất 1.400 người thiệt mạng. Hamas cũng đã bắt hàng trăm người làm con tin. Các cuộc tấn công trả đũa của Israel đến nay đã giết chết hơn 5.000 người Palestine.

Bộ Ngoại giao Pháp cho biết, 7 công dân của họ vẫn mất tích và một số người nằm trong nhóm con tin mà Hamas bắt đi.

Tại Tel Aviv, ông Macron gặp gia đình những công dân Pháp và mang hai quốc tịch Pháp – Israel đã bị sát hại hoặc bắt làm con tin.

Nhà lãnh đạo Pháp cũng sẽ tiếp tục những nỗ lực nhằm “tránh leo thang căng thẳng ở khu vực”, Điện Elysee cho biết. Ông đề xuất tái khởi động “tiến trình hòa bình thực sự”, với mục tiêu thành lập một nhà nước Palestine khả thi để đổi lấy sự bảo đảm của các cường quốc khu vực về “an ninh cho Israel”.

Văn phòng Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas cho biết, ông Macron sẽ gặp nhà lãnh đạo này tại Ramallah trong ngày 24/10, nhưng Paris chưa xác nhận. Nhà lãnh đạo Pháp cũng sẽ tới Li-băng và Ai Cập, báo Le Parisien dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết.

Một số nhà phân tích cho rằng, mức độ ảnh hưởng của ông Macron đối với các sự kiện ở Trung Đông giờ có vẻ hạn chế, vì sự thay đổi của Paris theo hướng ủng hộ phe Anh – Mỹ thân Israel hơn, ngược với cách tiếp cận thân Ả-rập trước đây.

“Quyền lực mềm của Pháp ở Địa Trung Hải đã suy yếu đáng kể”, Karim Emile Bitar, một chuyên gia về chính sách đối ngoại tại viện nghiên cứu IRIS của Pháp, nói với Reuters.

“Chúng tôi có ấn tượng rằng hiện không có gì khiến Pháp khác biệt với các nước phương Tây còn lại, và điều này tác động đến dư luận ở thế giới Ả-rập”, Bitar đánh giá.

Theo nhà nghiên cứu này, việc Chính phủ Pháp cấm hoàn toàn các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine (trước khi bị tòa án bác bỏ) là một trong những lý do khiến ông Macron đánh mất uy tín với thế giới Ả-rập.

Tuy nhiên, các quan chức Pháp phản đối ý kiến cho rằng chính sách của ông Macron thiên lệch. Họ khẳng định ông nhất quán ủng hộ quyền của người Palestine và giải pháp hai nhà nước. “Đó là mục tiêu mà Pháp sẽ không bao giờ chệch hướng”, một cố vấn Chính phủ Pháp khẳng định.

Hiện nay, ông Macron còn bị hạn chế bởi tình hình căng thẳng trong nước, và thực tế là một số công dân Pháp có thể đang bị Hamas giữ làm con tin.

Chuyến thăm của ông Macron có thể sẽ gây tác động mạnh trong nước, nơi cộng đồng đông đảo những người Hồi giáo và Do Thái đang mâu thuẫn nghiêm trọng vì vụ sát hại một giáo viên Pháp do đối tượng người Hồi giáo cực đoan gây ra. Giới chức Pháp cho biết, vụ này liên quan đến những sự kiện ở Dải Gaza.

Theo Reuters, Al Jazeera
MỚI - NÓNG