> 100.000 lính đánh thuê đổ bộ Syria
> Những đồng tiền của ai đang phá nát Syria?
Hàng trăm người châu Âu đang tham chiến ở Syria, liệu họ có trở về châu Âu với vai trò khủng bố?. Ảnh: AP. |
Họ ra đi từ những vùng ngoại ô của Paris, vùng rìa phía đông của London, các thành phố dọc sông Fulda của Đức, thậm chí các thị trấn nhỏ của Ireland. Chỉ riêng ở Bỉ, vào một ngày trong tháng 4, chính quyền đã triển khai 48 đợt truy quét các đối tượng bị nghi ngờ đang tuyển dụng tay súng thực hiện thánh chiến ở Syria.
Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ vừa bỏ phiếu ngăn chặn viện trợ quân sự cho quân nổi dậy ở Syria. Họ lo ngại rằng, các loại vũ khí có thể rơi vào tay các nhóm khủng bố, những phần tử liên quan Al-Qaeda. Ngày 10/7, phe nổi dậy ở Syria nói rằng, lực lượng nước ngoài cuối tuần qua phá hủy các hỏa tiễn chống hạm của Nga trong kho một căn cứ hải quân Syria ở thành phố Safira. |
“Đó thực sự là một quả bom hẹn giờ”, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Manuel Valls nói. Số liệu về các đối tượng này chưa thống nhất; theo ông Valls, hiện có hơn 600 người châu Âu đang tham gia nội chiến ở Syria, trong đó có 140 công dân Pháp, 100 người Anh, 75 người Tây Ban Nha.
Đây được coi là thế hệ chiến binh thánh chiến mới trong lòng châu Âu, xuất phát từ những thành phố có truyền thống theo đạo Cơ-đốc của Áo, Bỉ, Anh, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Ireland, Ý, Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Điển.
Có tới 80% trong số họ đều là thanh niên xuất thân từ gia đình theo đạo Hồi, còn lại là những người cải sang đạo Hồi. “Một số người sang Syria vì lý do nhân đạo. Một số người đi để chống lại ông Bashar”, ông Valls nói. Dù động cơ của các tay súng là gì, quan chức châu Âu đang nỗ lực thuyết phục họ từ bỏ vũ khí, hoặc nếu thất bại thì sẽ cố gắng giám sát nếu họ quay vê.
Trong cuộc họp các bộ trưởng nội vụ khu vực diễn ra tháng 7 tại Đức, Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich cho biết, 60 thanh niên Đức đã tới Syria. “Chúng tôi sợ rằng, họ đang bị cực đoan hóa trong những trại đào tạo của các tổ chức gần gũi với al-Qaeda”, ông nói.
Theo Bộ trưởng Friedrich, những trại đào tạo đó huấn luyện cách sử dụng vũ khí, thuốc nổ và học viên có thể trở thành khủng bố trong tương lai. “Vì thế, chúng tôi phải bảo đảm rằng, họ được đối xử và giám sát theo cách thích hợp khi họ về nhà”, ông nói.
Mầm mống al-Qaeda mới?
Các cơ quan tình báo của châu Âu, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang cộng tác để theo dõi những thanh niên châu Âu trong quá trình họ vượt biên từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Syria theo lời kêu gọi thánh chiến từ các giáo sĩ và tay súng cực đoan.
Hồi tháng 6, giáo sĩ 86 tuổi người Ai Cập Yusuf al-Qaradawi kêu gọi trước một đám đông tại thủ đô Doha của Qatar: “Tất cả người Hồi giáo đều được huấn luyện để chiến đấu và đều sẵn sàng ủng hộ lực lượng nổi dậy Syria. Iran đang đẩy mạnh việc vận chuyển người và vũ khí (để ủng hộ chính quyền Syria), vậy tại sao chúng ta đứng yên?”.
Giới chức châu Âu và nhiều chuyên gia độc lập cho rằng, những tay súng châu Âu sang Syria hoàn toàn khác với những thế hệ trước đây tham gia chiến tranh ở Afghanistan, Yemen, Somalia, Iraq và Somalia.
“Sự thật đáng buồn là số lượng người tin, nghe theo al-Qaeda và các tổ chức liên quan hoạt động ở Syria nhiều hơn bao giờ hết. Họ gần gũi với châu Âu đang hoạt động với mức độ chưa từng thấy kể từ cuộc chiến Iraq năm 2006. Họ rất gần với chúng ta, với số lượng đông hơn, hoạt động với mức độ chưa từng có”, Charles Farr, Tổng Giám đốc Văn phòng An ninh và Chống khủng bố của Anh, nhận định.
Theo các nhà quan sát, nhiều người châu Âu thậm chí còn không cần visa để sang Thổ Nhĩ Kỳ. Họ cũng chẳng cần có quan hệ trước với nhóm quân sự nào mà vẫn có thể vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để sang Syria.
Các tay súng châu Âu tham gia cuộc xung đột ở Syria mang nhiều nét tương đồng với những tay súng Ảrập ủng hộ lực lượng du kích Hồi giáo Afghanistan hồi những năm 1980 ở Afghanistan, nơi sinh của al-Qaeda.
Vào thời gian đó, lợi ích của Osama bin Laden và các tay súng Ảrập khác tương đồng với Mỹ và các đồng minh phương Tây, là đẩy lùi ảnh hưởng của Liên Xô. Tuy nhiên, sau thời gian đó, lợi ích của hai bên dần khác đi, và những mạng lưới được thành lập ở Afghanistan với trợ giúp chính trị, quân sự và tài chính của Mỹ lại trở thành xương sống trong cuộc chiến toàn cầu chống lại phương Tây.
TRÚC QUỲNH
Theo Foreign Policy, Telegraph, Voice of Russia