Xác minh thông tin Trung Quốc xây căn cứ tên lửa gần biên giới Việt Nam

Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc sắp hoàn tất một căn cứ tên lửa đất đối không gần biên giới Việt Nam. (Ảnh: DA ĐSKBĐ)
Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc sắp hoàn tất một căn cứ tên lửa đất đối không gần biên giới Việt Nam. (Ảnh: DA ĐSKBĐ)
TPO - Vừa có thông tin Trung Quốc sắp hoàn tất xây dựng một căn cứ tên lửa đất - đối - không ở huyện Ninh Minh, tỉnh Quảng Tây, cách biên giới Việt Nam khoảng 20km.

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều nay, trả lời câu hỏi của phóng viên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ xác minh thông tin này.

Theo Dự án Đại sứ ký Biển Đông, ảnh vệ tinh mà họ nhận được cho thấy một căn cứ tên lửa đất - đối - không  đang được hoàn tất cách biên giới Việt Nam khoảng 20 km, cách công trình được cho là một sân bay trực thăng quân sự đang được xây dựng khoảng 40 km. 

Các chuyên gia nói rằng tên lửa đất - đối - không được phát triển để bảo vệ các vị trí trên mặt đất khỏi các cuộc tấn công thù địch trên không, đặc biệt là các máy bay ném bom tầm cao bay ngoài tầm bắn của pháo phòng không thông thường.

Dữ liệu vệ tinh hệ thống hoá cho thấy căn cứ tên lửa được bắt đầu xây dựng trong khoảng thời gian từ tháng 6/2019, tới nay đã gần hoàn thành.

Anh và Nhật Bản hôm 3/2 ra thông cáo chung bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông, phản đối hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng, cũng như thông tin Anh dự kiến triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cuối năm nay và khả năng đưa đến Biển Đông. 

Trả lời câu hỏi về vấn đề này, bà Hằng khẳng định Việt Nam ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. 

“Hoạt động của các bên ở Biển Đông cần đóng góp vào mục tiêu chung này”, bà Hằng nói. 

Về việc Nhật Bản mới gây gửi công hàm lên Liên Hợp quốc để phản đối công hàm hồi năm 2020 của Trung Quốc nêu những yêu sách của Bắc Kinh trên Biển Đông, bà Hằng nói rằng lập trường của Việt Nam về các vấn đề liên quan đến Biển Đông là nhất quán và đã được thể hiện trong nhiều dịp khác nhau. 

Các dân tộc và cộng đồng quốc tế có lợi ích chung trong về việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông. Theo đó, việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ thiện chí, trách nhiệm UNCLOS 1982 là thiết yếu. Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và chia sẻ quan điểm như đã nêu trong Tuyên bố dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 và Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 53 rằng UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương. 

“Với tinh thần đó, cùng các nước ASEAN, Việt Nam mong rằng tất cả các nước, trong đó có các nước đối tác của ASEAN sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Một lần nữa xin khẳng định Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm về vấn đề này”, bà Hằng nói.

MỚI - NÓNG