Về địa điểm, cả Mỹ và Triều Tiên đều tin tưởng Việt Nam là chủ nhà trung lập có khả năng bảo đảm an ninh, cung cấp dịch vụ lưu trú và hỗ trợ hậu cần ở cấp độ cao, GS. Thayer khẳng định.
Về tiến trình hòa bình, Việt Nam có hai vai trò lớn. “Vai trò thứ nhất là bên thứ ba thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, không chỉ với tư cách chủ nhà Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai mà còn với tư cách Chủ tịch ASEAN năm 2020, thậm chí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 (hồi tháng 5/2018, nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương tại Liên Hợp Quốc đã nhất trí đề cử Việt Nam vào vị trí này và Việt Nam sẽ tham gia cuộc bỏ phiếu vào tháng 6/2019)”, ông nói.
“Vai trò thứ hai có thể là một mô hình kinh tế tiềm năng để Triều Tiên tham khảo, vận dụng linh hoạt. Triều Tiên mong muốn thúc đẩy các đặc khu kinh tế khi các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc được dỡ bỏ”, GS. Thayer nhận định.
Dự kiến, trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un sẽ hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam. “Điều này sẽ giúp cải thiện quan hệ song phương, đem lại cơ hội hợp tác tương lai để chia sẻ kinh nghiệm liên quan về cải cách kinh tế, bình thường hóa quan hệ và hội nhập quốc tế”, vị chuyên gia về châu Á-Thái Bình Dương nói.
Theo ông, các khía cạnh chính trong mô hình phát triển của Việt Nam mà Triều Tiên có thể tham khảo là xóa bỏ nền kinh tế tập trung, bao cấp; đưa ra các ưu đãi, khuyến khích về vật chất; ghi nhận vai trò của khu vực tư nhân; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un hạ cửa kính xe bọc thép, vẫy chào người dân hai bên đường tại Lạng Sơn sáng 26/2. Ảnh: Trường Phong.