THẾ GIỚI 24H: Bồ Đào Nha tiếp nhận người di cư

Người di cư trên tàu Lifeline ngày 21/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người di cư trên tàu Lifeline ngày 21/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)
TPO - Ngày 26/6 Bộ trưởng Nội vụ Bồ Đào Nha Eduardo Cabrita tuyên bố Giới chức Bồ Đào Nha đã nhất trí sẽ tiếp nhận một phần số người di cư hiện đang mắc kẹt trên tàu cứu hộ Lifeline
Trong phát biểu trước Ủy ban nghị viện Bồ Đào Nha ở Lisbon, Bộ trưởng Eduardo Cabrita cho biết Chính quyền Malta hiện đã đồng ý cho phép tàu cứu hộ Lifeline neo đậu trên vùng biển nước này với điều kiện các nước châu Âu khác phải cung cấp chỗ ở cho những người di cư trên tàu. Cùng với Pháp và Italy, Bồ Đào Nha cũng nhất trí với điều kiện này. Bộ trưởng Cabrita khẳng định Bồ Đào Nha sẽ tham gia với tinh thần trách nhiệm và đoàn kết trong việc đối phó vấn đề người tị nạn ở mức độ châu Âu. Trước đó, tàu Lifeline của một tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Đức đã giải cứu 234 người di cư đến từ châu Phi, trong đó có cả trẻ em và phụ nữ có thai từ ngày 21/6 song bị mắc kẹt trên Địa Trung Hải khi cả Malta và Italy từ chối tiếp nhận.

Cuộc họp giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel với lãnh đạo các đảng Xã hội cơ đốc giáo nhằm tìm giải pháp tránh Chính phủ liên minh hiện nay tại Đức đổ vỡ. Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đã triệu tập cuộc họp khẩn trong ngày 26/6, với lãnh đạo các đảng trong chính phủ liên minh, nhằm tránh cho Chính phủ liên minh tan vỡ. Dự kiến, bà Merkel sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề tị nạn với Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, Donald Tusk vào sáng 28/6, trước khi lên đường tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh Châu Âu tại Brussels.


Trong bảng xếp hạng mới nhất về quốc gia có mức độ nguy hiểm với phụ nữ, Ấn Độ xếp thứ nhất trong khi Mỹ xếp thứ 10. Hôm qua, tổ chức Thomson Reuters Foundation vừa công bố kết quả một cuộc khảo sát 550 chuyên gia về các vấn đề phụ nữ. Theo đó, Ấn Độ được đánh giá là đất nước nguy hiểm nhất với phụ nữ liên quan đến thực trạng tấn công tình dục, bạo hành, bóc lột sức lao động, mua bán nô lệ lao động, nô lệ tình dục và cả cưỡng ép kết hôn với phụ nữ. Cũng theo bản khảo sát, Ấn Độ cũng là quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới vì các truyền thống văn hóa có ảnh hưởng đến phụ nữ. Trong đó nổi cộm là các cuộc tấn công bằng acid, hủy hoại bộ phận sinh dục phụ nữ, nạn tảo hôn và bạo hành thể chất phụ nữ.


Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 28/06 sẽ gặp lãnh đạo các nước trung Mỹ để thảo luận về vấn đề người nhập cư vào Mỹ. Ông Pence là người đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ và các nước Châu Mỹ Latin dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ông Mike Pence hiện đang ở Brazil và dự kiến sẽ tới thăm các nạn nhân núi lửa ở Guatemala cuối tuần này. Ngày 26/06, ông Pence đã gặp Tổng thống Brazil Michel Temer. Trong tuyên bố chung, hai bên cho biết đã thảo luận tình hình ở Venezuela, nơi khủng hoảng chính trị và kinh tế đã khiến hàng triệu người dân chạy sang các nước khác trong những năm qua.


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc (TQ) vào hôm qua (26-6), vài tuần sau khi ông nói rằng Mỹ sẽ sẵn sàng cạnh tranh quyết liệt với TQ và cáo buộc Bắc Kinh đe dọa và cưỡng ép tại biển Đông. Tại Bắc Kinh, ông Mattis sẽ gặp các quan chức quốc phòng cấp cao, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa. Theo ông Mattis, cuộc gặp mặt tại Bắc Kinh sẽ thảo luận những dự tính chiến lược dài hạn của TQ và xác định các lĩnh vực hợp tác quân sự khả dĩ hai bên. Chuyến thăm TQ diễn ra trong bối cảnh Trung-Mỹ đang đối đầu căng thẳng ở nhiều lĩnh vực, bao gồm thương mại và an ninh.


Một chiếc xe tải đã bất ngờ đâm thẳng vào trụ sở của tòa soạn báo De Telegraaf tại thành phố Amsterdam, Hà Lan vào 4h sáng 26-6 (giờ địa phương). Cảnh sát cho rằng đây là hành động tấn công có chủ đích. Nhà chức trách cho hay, chiếc xe tải đã phát nổ và bốc cháy sau khi đâm thẳng vào tòa nhà, rất may không có thiệt hại về người trong vụ việc. Được biết lái xe đã trốn khỏi hiện trường. Cảnh sát đã mở cuộc điều tra để tìm hiểu động cơ của thủ phạm. Họ nhận định rằng đây có thể là một người rối loạn tâm lý và thích gây sự chú ý.


Ngày 26/6, Thượng viện Hà Lan đã thông qua luật cấm sử dụng mạng che mặt, trong đó khăn che mặt của người Hồi giáo burqa, tại các nơi công cộng như trường học, cơ quan chính phủ và bệnh viện. Trước đó, hồi năm 2016, Hạ viện Hà Lan đã thông qua dự luật này. Luật mới cấm sử dụng tất cả trang phục che mặt, bao gồm cả việc kết hợp mạng che mặt với mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy hay kết hợp với mặt nạ trượt tuyết, tại các địa điểm công cộng. Tuy nhiên, người dân vẫn có thể sử dụng mạng che mặt ở trên đường.


Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 26/6 cho biết Washington hy vọng tất cả các nước sẽ ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Iran từ ngày 4/11 tới, nếu không sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt. Bước đi này cho thấy chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi chính sách cứng rắn hơn nhằm vào Iran khi Mỹ tìm cách cô lập kinh tế, chính trị đối với Iran. Trong khi đó, Chính phủ Mỹ đã hối thúc Nhật Bản xem xét ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Iran. Đề nghị này dường như được đưa ra trong một cuộc gặp song phương gần đây ở Tokyo, nơi các quan chức chính phủ cấp cao hai nước thảo luận về những lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.


Hơn 100 chính trị gia đã bị sát hại trước thềm cuộc bầu cử của Mexico gia này sẽ diễn ra vào chủ nhật tới. Những vụ sát hại cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng mà đất nước Mexico đã không kiểm soát được các vấn đề về tội phạm có tổ chức, tội phạm nắm chính quyền và thực thi luật pháp. Mexico đang đạt mức báo động về bạo lực, khi xảy ra hơn 30.000 vụ giết người vào hồi năm ngoái, đây là con số kỷ lục và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng.


Tòa án Tối cao Mỹ ngày 26/06 đã ủng hộ Tổng thống Donald Trump trong lệnh cấm đi lại đối với công dân từ một số quốc gia Hồi giáo. Phán quyết của Tòa án Tối cao giữ nguyên lệnh cấm đi lại đối với công dân của một số quốc gia Hồi giáo đồng thời bác bỏ cáo buộc rằng lệnh cấm mang ý nghĩa phân biệt tôn giáo và vi hiến. Phán quyết với sự ủng hộ của 5 thẩm phán theo chủ nghĩa bảo thủ và bị phản đối bởi 4 thẩm phán theo chủ nghĩa tự do đã chấm dứt cuộc chiến pháp lý liên quan tới thẩm quyền của Tổng thống trong chính sách di cư và an ninh quốc gia.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Đi vớt rác, ngư dân Quảng Ngãi phát hiện động vật quý hiếm trong Sách đỏ thế giới
Đi vớt rác, ngư dân Quảng Ngãi phát hiện động vật quý hiếm trong Sách đỏ thế giới
TPO - Trong lúc đang vớt rác vướng ngoài lồng nuôi cá, một ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) vô tình phát hiện một con rùa biển đang vùng vẫy trong vợt. Con rùa biển này là một cá thể đồi mồi (một loài rùa biển, động vật biển quý hiếm), có tên trong Sách đỏ thế giới và Việt Nam.