Đó là cụm từ mà các tổng thống, chính trị gia Mỹ tránh một cách thận trọng kể từ khi Tổng thống George W. Bush đứng trên tàu sân bay và tuyên bố hoàn tất sứ mệnh cuộc chiến ở Iraq. Nhưng bên cạnh sự lựa chọn từ ngữ gợi liên tưởng của ông Trump, một câu hỏi cơ bản được nêu ra sau cuộc tấn công chớp nhoáng: Chính xác thì sứ mệnh của nó là gì?
Một nhiệm vụ lớn trong nhiệm kỳ của ông Trump là đánh bại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) rồi rút quân về. Nhưng điều mà ông vạch ra trong bài phát biểu trên truyền hình tối thứ Sáu tuần qua phức tạp hơn nhiều. Ông hứa thực hiện một chiến dịch bền vững để ngăn chính phủ Syria tái sử dụng vũ khí hóa học chống lại chính người dân của mình, nhưng cũng nhấn mạnh Mỹ giới hạn về khả năng và sẵn sàng làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn tình trạng đổ máu đã diễn ra ở Syria suốt 7 năm qua.
Theo giới quan sát, ông Trump đang ở vào vị trí không khác mấy so với người tiền nhiệm Barack Obama, và cũng không tìm ra câu trả lời dễ dàng. Cuộc tấn công có vẻ mang lại cho ông Trump một số kết quả. Một mặt, ông có thể chứng tỏ mình là một trong những người cứng rắn nhất trong các vấn đề quốc tế. Mặt khác, đó là sự thừa nhận rằng sự can dự của Mỹ vào Trung Đông kể từ đợt khủng bố 11/9/2001 chỉ là lãng phí tiền và máu. Nhưng Tổng thống Mỹ cũng không giải quyết được mâu thuẫn giữa việc phải tấn công để trừng phạt chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad vì cáo buộc nghi ngờ sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường với sự mâu thuẫn trong lòng dân chúng Mỹ khi họ đã mệt mỏi với việc đi giải quyết vấn đề của người khác ở Trung Đông nhưng lại không thể làm ngơ trước hình ảnh ám ảnh về những đứa trẻ đáng thương hít phải khí độc.
Một số nhà cựu hoạch định chính sách Mỹ về Trung Đông đưa ra lời khen ngợi về cách tiếp cận kiềm chế của ông Trump trong đợt tấn công lần này. Với cuộc tấn công hạn chế và phối hợp vào 3 địa điểm liên quan đến khả năng sử dụng vũ khí hóa học của ông Assad, Mỹ cùng hai đồng minh Anh và Pháp nói rằng họ đã gửi đi một thông điệp cứng rắn nhưng vẫn tránh được việc can dự sâu và giảm thiểu rủi ro kích động hai nước ủng hộ Syria là Nga và Iran.
“Tuy nhiên, tôi không nghĩ cuộc tấn công làm sáng tỏ chính sách của Mỹ”, báo New York Times dẫn lời bà Meghan O’Sullivan, người giám sát cuộc chiến tranh Iraq với vai trò phó cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Bush. “Về lý thuyết, đó không hẳn là sự thiếu nhất quán giữa một cuộc tấn công đa phương nhằm vào các địa điểm chứa vũ khí hóa học với việc rút quân khỏi Syria. Nhưng cuộc tấn công thực sự gây nghi ngờ về sự khôn ngoan trong việc rút quân Mỹ và mục tiêu thực sự của Mỹ hiện nay ở Syria là gì”, bà O’Sullivan nói.
Có thực sự vì lý do nhân đạo?
Một số ý kiến khác cho rằng cuộc tấn công lần này là một sự lãng phí, không đạt được gì nhiều và là sự vượt quyền của ông Trump vì không xin phép Quốc hội Mỹ trước. Những người chỉ trích cho rằng nếu ông Trump thực sự ra lệnh tấn công vì quan tâm đến số phận dân thường trong vụ cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học vừa qua ở Syria thì ông nên đảo ngược chính sách cấm gần như tất cả người tị nạn Syria vào Mỹ.
“Cảnh đổ máu và tội ác chiến tranh đang tiếp diễn ở Syria là sự nhắc nhở đầy mâu thuẫn rằng dân thường Syria cần sự hỗ trợ của chúng ta hơn bao giờ hết. Nhưng chính quyền Trump vẫn thiếu một chiến lược nhất quán để thực sự chấm dứt cuộc chiến mà thay vào đó là tìm cách cắt viện trợ nhân đạo và đóng cánh cửa đối với người tị nạn Syria”, ông Noah Gottschalk, công tác tại tổ chức Oxfam Mỹ, nói. Nhìn chung, cuộc tấn công của Mỹ và các đồng minh vừa qua vẫn không thay đổi được hiện trạng ở Syria, không làm gì mấy để làm suy yếu ông Assad. Nó cũng không làm được gì để cho thấy Nga và Iran phải trả giá vì đã hậu thuẫn ông Assad làm điều mà Mỹ cáo buộc là sử dụng vũ khí hóa học như ông Trump tuyên bố.
Trả lời câu hỏi về chiến lược của Mỹ với Syria, trước khi tên lửa Mỹ được phóng đi, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói: “Tôi sẽ không nói trước tổng thống”. Ngay cả bài phát biểu của ông Trump trên truyền hình tối thứ Sáu tuần qua cũng bị coi là mơ hồ khi nói đến chiến lược của mình. Ông nói “đã chuẩn bị để duy trì phản ứng của mình cho đến khi chính quyền Syria ngừng sử dụng các chất hóa học bị cấm”, nhưng không giải thích rõ ý mình và ông sẵn sàng đi xa đến đâu ngoài việc nói rằng sẽ sử dụng các công cụ kinh tế và ngoại giao.
Ông Colin Kahl, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ của cựu Phó Tổng thống Joseph Biden, nói rằng Tổng thống Trump “khôn ngoan khi tránh tấn công các mục tiêu ở Syria mà có nguy cơ gây tổn thất về người cho Nga”, nhưng vì thế cũng không làm được gì mấy đối với ông Assad. Những điều này không khác mấy nhiều với thời ông Obama, nhưng ông Trump được cho là không nắm rõ lịch sử. Ví dụ, việc ông sử dụng cụm từ “sứ mệnh hoàn tất” khiến nhiều người so sánh với những gì ông Bush đã trải qua.
Ông Bush xuất hiện trên tàu sân bay Abraham Lincoln vào một ngày tháng 5/2003 sau khi quân Mỹ lật đổ Tổng thống Iraq Saddam Hussein và tuyên bố chấm dứt các chiến dịch quân sự lớn. Đằng sau ông khi đó là biểu ngữ cỡ lớn: “Sứ mệnh hoàn tất”. Các trợ lý ở Nhà Trắng sau đó giải thích đó là lời chúc mừng các thủy thủ tàu sân bay trở về nhà, nhưng cụm từ đó đã trở thành ẩn dụ cho sự tính toán sai lầm dẫn đến cuộc bạo loạn bao trùm Iraq. Và hình ảnh ông Bush trước biểu ngữ đó đã trở thành biểu tượng cho sự lệch hướng.
Việt Nam phản đối dùng vũ lực với Syria
“Việt Nam quan ngại trước tình hình hiện nay tại Syria và phản đối việc sử dụng vũ lực đe dọa cuộc sống của người dân vô tội cũng như hòa bình, ổn định tại khu vực”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tuyên bố ngày 15/4. “Chúng tôi cho rằng mọi xung đột và bất đồng phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hợp Quốc, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia. Công ước của Liên Hợp Quốc về cấm vũ khí hóa học phải được triệt để tuân thủ”, bà Hằng nói.