Ngay từ khi mới lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu ca về cách làm thương mại của Trung Quốc. Năm 2017, Mỹ mở cuộc điều tra các chính sách thương mại của Trung Quốc. Năm 2018, Mỹ tăng thuế lên hàng tỷ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, và Bắc Kinh đáp trả bằng biện pháp tương tự.
Sau nhiều tháng thù địch, hai bên đồng ý “đình chiến” từ tháng 12/2018 để tạo điều kiện cho đối thoại.
Tâm lý lạc quan tăng lên trước triển vọng hai bên sắp đạt được thỏa thuận, nhưng hy vọng đó đã tiêu tan vào đầu tháng 5 này, sau khi tiến trình đàm phán giữa hai bên đột ngột đổ bể. Giờ đây, Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với lượng hàng Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. 3 ngày sau đó, Trung Quốc đáp trả bằng việc tăng thuế lên 60 tỷ USD hàng Mỹ.
Về lý thuyết, biện pháp tăng thuế sẽ giúp hàng hóa do Mỹ sản xuất rẻ hơn hàng nhập khẩu, do đó khuyến khích khách hàng mua hàng Mỹ. Tăng thuế cũng được coi là một chiến thuật đàm phán trong chiến tranh thương mại.
Khi Mỹ và Trung Quốc lao vào cuộc chiến thương mại kéo dài hơn 1 năm, Huawei cũng sa vào đó.
Hoài nghi bủa vây
Cho đến mãi gần đây Huawei vẫn chỉ được giới đầu tư biết đến như một doanh nghiệp trong ngành cung cấp dịch vụ và thiết bị viễn thông toàn cầu đang phát triển nhanh chóng. Điều đó đã thay đổi hoàn toàn trong năm qua. Huawei ngày nay là trung tâm của cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Bức tường mà Huawei đang phải đối mặt ở Mỹ là một phần trên chiến trường rộng lớn hơn mà ở đó gã khổng lồ này đang phải đương đầu với sự phản đối ngày càng tăng từ nhiều chính phủ và khách hàng nước ngoài do lo ngại về mối liên kết giữa Huawei với chính phủ Trung Quốc.
Những lo ngại đó gia tăng cùng với tầm vươn toàn cầu của Huawei. Năm 2018, Huawei trở thành hãng bán điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, lần đầu tiên vượt mặt Apple.
Huawei là một doanh nghiệp tư nhân, ra đời năm 1987 ở Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc. Nhà sáng lập và tổng giám đốc điều hành của hãng là ông Nhậm Chính Phi, một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc.
Công ty này khởi nghiệp từ lĩnh vực chế tạo thiết bị chuyển mạch điện thoại, đến những năm 1990 thì mở rộng hoạt động sang xây dựng các mạng lưới viễn thông cả ở trong và ngoài nước. Kể từ đó, Huawei phát triển nhanh chóng, trở thành “nhà cung cấp công nghệ thông tin và viễn thông dẫn đầu toàn cầu” như thông tin trên website của hãng.
Quy mô của Huawei đã lớn đến mức họ đang bán ra nhiều triệu chiếc điện thoại thông minh mỗi năm, khiến nhiều nước ngày càng lo ngại Huawei có thể sử dụng công nghệ của mình để theo dõi khách hàng. Việc lãnh đạo của hãng xuất thân từ quân đội càng khiến các chính phủ nước ngoài lo lắng. Còn Huawei luôn khẳng định họ không có quan hệ với chính phủ Trung Quốc và đang hoạt động độc lập.
Cáo buộc do thám bắt đầu nổi lên từ năm 2012. Một ban của quốc hội Mỹ kết luận cả Huawei và ZTE (một công ty viễn thông khác của Trung Quốc) có thể gây ra đe dọa an ninh quốc gia. Đầu năm 2018, cuộc điều trần của Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ cảnh báo nguy cơ an ninh quốc gia và khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ không làm ăn với Huawei và ZTE. Các cơ quan tình báo Mỹ cáo buộc Huawei có thể tạo “cửa hậu” để giúp chính phủ Trung Quốc theo dõi khách hàng trên toàn thế giới.
Từ năm 2012, một số nước bắt đầu nghi ngờ chính phủ Trung Quốc theo dõi công dân của họ qua các sản phẩm của Huawei. Tháng 7/2018, chính phủ Anh đưa ra báo cáo nói rằng chỉ có “một sự bảo đảm hạn chế” rằng thiết bị viễn thông của Huawei không gây đe dọa cho an ninh của Anh. Úc và New Zealand nối gót với việc loại Huawei và ZTE khỏi kế hoạch phát triển mạng 5G.
Bắt giữ sếp tài chính Huawei
Tháng 12/2018, giới chức Canada bắt giám đốc tài chính kiêm phó chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Châu. Bà Mạnh bị cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran khi lập ra một công ty con rồi khai man đó là công ty độc lập, nhằm tránh các biện pháp trừng phạt. Tháng 1 năm nay, bà Mạnh bị các công tố viên Mỹ buộc tội gian lận, cản trở công lý và chiếm đoạt các bí mật thương mại.
Bà Mạnh bị bắt vào thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang hồi gay cấn. Vụ việc này cũng khiến quan hệ giữa lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xấu đi.
Trong tháng này, sau khi vòng đàm phán thương mại thứ 11 không dẫn đến một thỏa thuận thương mại như kỳ vọng, chính quyền Trump gia tăng tấn công vào Huawei. Hôm 15/5, Tổng thống Trump ban hành sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp để cấm tất cả các công ty Mỹ sử dụng công nghệ thông tin và viễn thông bị coi là mối đe dọa với an ninh quốc gia.
Dù sắc lệnh không nhắc trực tiếp đến Huawei nhưng được cho là nhắm vào tập đoàn này. Bộ Thương mại Mỹ cũng đưa Huawei và 70 chi nhánh của hãng này vào danh sách đen, nhằm cấm họ mua thiết bị từ các công ty Mỹ nếu không được chính phủ đồng ý trước.
Hôm 20/5, chính phủ Mỹ nới lỏng hạn chế với Huawei để cho phép hãng này cung cấp dịch vụ và hỗ trợ các thiết bị của họ đã bán ra từ ngày 16/5 trở về trước. Điều này có nghĩa là Google sẽ có thể cập nhật phần mềm và biện pháp bảo mật quan trọng của họ cho các thiết bị của Huawei cho đến ngày 19/8 năm nay.
Tất cả diễn biến này khiến tương lai của bà Mạnh Vãn Châu và Huawei vẫn mù mịt. Nhưng giới quan sát cho rằng điều chắc chắn là tương lai đó sẽ được quyết định bởi kết quả của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 23/5 nói rằng ông có thể cân nhắc nới lỏng giới hạn với Huawei như một phần của quá trình đàm phán thương mại với Trung Quốc.
Cuộc chiến công nghệ 5G
Công nghệ của Huawei được đánh giá là đóng vai trò quan trọng cho tương lai của mạng không dây 5G. Đây cũng chính là công nghệ mà Mỹ khao khát thống trị trên toàn thế giới. Hiện nay, Huawei là tập đoàn đứng đầu thế giới về 5G, vượt lên các đối thủ Nokia và Ericsson do tốc độ nhanh hơn và giá thành rẻ hơn.
Các chuyên gia nhận định, Mỹ đánh vào Huawei tức là đã chuyển cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung sang cuộc chiến về công nghệ. Trong khi các nhà mạng toàn cầu đang rục rịch triển khai mạng 5G, công nghệ nền tảng cho xe ô tô tự lái, thành phố thông minh... việc nhà cung ứng thiết bị mạng lớn nhất thế giới kiêm hãng sản xuất điện thoại thông mình lớn nhất nhì thế giới bị Mỹ cấm đoán sẽ có thể tác động đến mạng 5G toàn cầu.
5G toàn cầu sẽ bị chậm lại
Tính đến nay, Huawei đã ký kết được hơn 40 hợp đồng thương 5G với các quốc gia châu Âu, Á, Phi và Trung Đông. Hiện các nhà mạng đang tính toán xem họ có nên tiếp tục hợp tác với Huawei trong tình thế khó khăn này hay chuyển sang mạng khác. Bởi lẽ, từ bỏ Huawei cũng có nghĩa họ phải loại bỏ nền tảng 4G của Huawei mà họ dự tính nâng cấp lên 5G. Điều này sẽ khiến họ phải tốn thêm hàng tỷ USD và tác động mạnh tới sự cạnh tranh toàn cầu.
Theo tập đoàn viễn thông Đức Deutsche Telekom, nếu bỏ tất cả các cơ sở hạ tầng của Huawei sẽ khiến họ thiệt hại hàng tỷ USD cho ngành viễn thông và quá trình triển khai 5G sẽ bị chậm lại ít nhất 18 tháng.
Hiện nay, một số nhà sản xuất điện thoại thông minh bắt đầu đưa ra đòng điện thoại 5G. Nếu không sử dụng mạng 5G của Huawei, việc tung ra sản phẩm mới sẽ phải tạm dừng lại. Trong khi đó, Huawei vẫn là một trong các nhà sản xuất hiếm hoi có điện thoại thông minh sẵn sàng kết nối 5G, dù mẫu điện thoại mới này dựa vào Android của Google và còn chưa mở bán.
Ngoài thiết bị mạng, điện thoại thông minh, Huawei còn sản xuất máy tính xách tay, máy tính bảng, phần cứng máy tính doanh nghiệp, bộ định tuyến gia đình và đồng hồ thông minh. Tất cả các dòng sản phẩm đều bị đe dọa bởi lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ vì Huawei phụ thuộc nhiều vào linh kiện Mỹ như ổ cứng của Seagate, kính cường lực của Corning. Các nhà sản xuất gồm Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom đã nói với nhân viên rằng họ không cung ứng hàng cho Huawei cho đến khi có thông báo mới.
Trong bối cảnh này, tập đoàn Apple của Mỹ cũng đang hết sức lo lắng nếu Trung Quốc trã đũa Mỹ bằng việc áp lệnh trừng phạt với các công ty Mỹ, bởi lẻ điện thoại iPhone được lắp ráp chủ yếu ở Trung Quốc và người tiêu dùng Trung Quốc chiếm tới 1/5 doanh thu của Apple.
Huawei vẫn không có đối thủ trong 2-3 năm tới
Theo một số chuyên gia, tập đoàn Huawei có thể sẽ không bị ảnh hưởng lớn bởi lệnh cấm mới của Trung Quốc bời vì họ đã “ đi tắt đón đầu” và chuẩn bị cho mình phương án B.
Công ty con chuyên cung cấp chip HiSilicon của Trung Quốc cho biết, họ sẽ cung cấp cho Huawei các loại chip (vi mạch) dự phòng đang phát triển độc lập.
Ông Nhậm Chính Phi ngày 21/5 cho biết, lệnh cấm của Mỹ sẽ không tác động tới việc sản xuất các sản phẩm cao cấp như công nghệ 5G. Ông tự tin khẳng định: ‘”Các thành tựu tiên phong của Huawei trong lĩnh vực 5G sẽ không có đối thủ trong vòng hai hoặc ba năm nữa”.
Ông Nhậm Chính Phi không có ý định loại bỏ siêu chip của Mỹ, nhưng nhấn mạnh rằng, công ty đã có các linh kiện dự phòng trong trường hợp thiếu nguồn cung ứng và chỉ ra rằng, Trung Quốc đã tăng cường các nỗ lực trong việc tự sản xuất chip của riêng mình.
Kế hoạch đối phó với lệnh cấm
Trong kế hoạch 5 năm của Trung Quốc từ 2013- 2017, tổng tỉ lệ tăng trưởng của ngành công nghiệp chip của Trung Quốc đã tăng 21%, nhanh gấp 5 lần so với mức tăng trưởng trung bình toàn cầu.
Điều này đã khiến cho Trung Quốc có thể đảm bảo một thị phần quan trọng trong thị phần vi mạch toàn cầu. Các chip thiết bị đầu cuối cho các điện thoại thông minh của Trung Quốc chiếm hơn 20% doanh thu của thế giới, trong khi đó chip lõi TV của Trung Quốc chiếm tới 30%.
Một số nhà phân tích cho rằng, lệnh cấm của Mỹ trên thực tế còn khiến Huawei trở nên vững mạnh hơn bởi tập đoàn này đang nhận được sự ủng hộ rất lớn từ người dân Trung Quốc.
Theo giới quan sát, hầu hết người dùng điện thoại thông minh của Huawei đều hiểu rằng họ sẽ gặp nhiều trục trặc khi sử dụng thiết bị di động sản xuất tại Trung Quốc trong thời điểm cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang, chẳng hạn như Google sẽ tự động xóa bỏ các chương trình của nó trên điện thoại Huawei. Nhưng nhiều khả năng họ sẽ không quay lưng với Huawei để chuyển sang dùng thiết bị của Samsung hoặc Apple trong thời gian tới.
Huawei đã hợp tác với các công ty khác của Trung Quốc xây dựng hệ điều hành di động của riêng họ nhằm chống lại sự độc quyền của hệ điều hành iOS-Android. Trong những năm gần đây, Huawei đã rót hơn 15 tỷ USD để nghiên cứu và phát triển mạng 5G, đồng thời ký kết nhiều hợp đồng xây dựng thành phố thông minh với các công ty trong và ngoài Trung Quốc
Huawei cũng đang dự trữ chíp xử lý Kirin 980 để thay thế chip điện tử nhập khẩu từ Mỹ. Giao diện người dùng EMUI 9 được cài đặt cho các thiết bị cũ như Huawei Mate 9 và Huawei P10 có thể được dùng để thay thế cho các ứng dụng dựa trên hệ thống Android.
Nhà sáng lập tập đoàn Huawei, ông Nhậm Chính Phi đang tập trung vào mục tiêu đưa tập đoàn này tiếp tục tăng trưởng và phát triển để trở thành một một “gã khổng lồ” về công nghệ trên thế giới.