Mỹ muốn cô lập Triều Tiên ở Olympic nhưng bất thành

Em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đứng ngay sau Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong lễ khai mạc Olympic Mùa đông hôm 9/2. Ảnh: Time.
Em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đứng ngay sau Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong lễ khai mạc Olympic Mùa đông hôm 9/2. Ảnh: Time.
TP - Hình ảnh vận động viên hai miền Triều Tiên sánh bước cùng nhau, quan chức hai bên bắt tay thân thiện cho thấy tất cả những nỗ lực của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nhằm không để Triều Tiên “cướp” thông điệp của Thế vận hội Mùa đông năm nay có vẻ không tác dụng.

Trước khi đến Hàn Quốc, Phó Tổng thống Pence cảnh báo Triều Tiên đang tìm cách “đánh cắp thông điệp và hình ảnh của Olympic Games” bằng chiến dịch tuyên truyền của họ. Nhưng Triều Tiên vẫn được chào đón bằng cánh tay rộng mở ở sự kiện thể thao mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gọi là “Olympic vì hòa bình” và Mỹ có vẻ đã bị rơi vào cảnh lạnh lẽo. 

Ông Pence ngồi im trên ghế với vẻ mặt lạnh lùng trong khi ông Moon và quan chức Triều Tiên đứng cạnh nhau cùng khán giả xem Thế vận hội cổ vũ đội vận động viên chung của hai nước. Giới chức Nhà Trắng nhấn mạnh rằng ông Pence chỉ cổ vũ cho đội Mỹ, nhưng các chuyên gia châu Á cho rằng việc Phó Tổng thống Mỹ từ chối đứng dậy có thể bị hiểu là không tôn trọng nước chủ nhà. 

Giới chức Mỹ luôn thúc giục Hàn Quốc thận trọng trong việc đến gần Triều Tiên, và ông Pence cũng nói lại điểm này trong cuộc gặp riêng với ông Moon hôm 8/2. Nhưng vấn đề nhân quyền và mối đe dọa từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên dường như không nằm trong tâm trí Tổng thống Moon khi ông chào đón nồng nhiệt bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, và ông Kim Jong-nam, vị nguyên thủ quốc gia 90 tuổi của Triều Tiên. 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dù có chung sự hoài nghi với Mỹ trước việc quan hệ hai miền Triều Tiên tốt lên nhưng cũng chào đón ông Kim Jong-nam. Tại một lễ đón khách VIP dành cho các trưởng đoàn trước đó, ông Pence đã đến muộn, chỉ dự 5 phút và không có trao đổi nào với đại diện Triều Tiên. 

“Người Triều Tiên sẽ nghĩ đó là cách khiến người ta mất hứng”, ông Frank Jannuzi, một chuyên gia về Đông Á tại Quỹ Mansfield ở Washington, nhận xét. Chuyên gia này phê bình chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thể hiện thái quá sự thù địch đối với Bình Nhưỡng. “Sự phàn nàn của thế giới với Triều Tiên là rất chính đáng. Nhưng trong khoảnh khắc Olympic mà Tổng thống Moon đang cố xây dựng thì việc thể hiện thái độ như vậy thật không đúng thời điểm. Đã đến lúc tập trung vào những thông điệp của hòa giải và hòa bình”, AP dẫn lời ông Jannuzi. 

Giới quan sát cho rằng, vào lúc hai miền Triều Tiên chào đón khoảnh khắc đoàn kết, Mỹ bị rơi vào thế lẻ loi và lạc bước với đồng minh của mình. Những chính quyền Mỹ trước đây luôn thận trọng trước những nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm chia rẽ Washington và Seoul, nhưng nhìn chung vẫn tỏ ra ủng hộ nỗ lực làm dịu căng thẳng giữa hai miền. 

Cố dội nước lạnh 

Hôm 10/2, bà Kim Yo-jong và các đại biểu Triều Tiên khác đến dinh tổng thống ở Seoul để dự cuộc gặp trong bữa trưa với Tổng thống Moon. Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin bà Kim đã trao lá thư tay của anh trai cho Tổng thống Moon và cũng thông báo với nhà lãnh đạo Hàn Quốc về dự định của lãnh đạo Triều Tiên. KCNA không nói bà Kim có chuyển lời mời ông Moon thăm Triều Tiên hay không nhưng thông tin này đã được một số báo dẫn lời người trong cuộc đưa tin trước đó. Thông tin về việc mời thăm có thể không chính xác, nhưng Mỹ có vẻ không chia sẻ tâm trạng nhẹ nhõm khắp thế giới rằng đã có một tia hy vọng cho ngoại giao sau một năm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên dâng lên cao độ và nhiều lúc tưởng chừng chiến tranh hạt nhân sắp nổ ra đến nơi. 

Dù Hàn Quốc ủng hộ biện pháp gây áp lực tối đa với Triều Tiên mà ông Trump áp dụng nhưng Tổng thống Moon muốn dùng Olympics lần này để mở cánh cửa cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng và Triều Tiên đã nắm lấy cơ hội. 

Bất lợi cho Washington là điều này có thể làm gia tăng khác biệt giữa họ với Seoul trong cách tốt nhất để đối phó với Triều Tiên và đạt được mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa. 

Giới chức Mỹ vẫn gọi buổi lễ hôm 9/2 là sự thể hiện tình đoàn kết giữa các đồng minh. Họ nhấn mạnh rằng đại diện Triều Tiên trong khu ghế VIP đã chứng kiến ông Pence, ông Moon và ông Abe thảo luận với nhau trên hàng ghế trước suốt lễ khai mạc kéo dài 2 giờ. Các quan chức Mỹ giấu tên cũng phủ nhận rằng ông Pence đã bị khuất tầm nhìn vì cách bố trí chỗ ngồi khi đoàn Triều Tiên ngồi ở hàng ghế ngay sau lưng ông, khiến bà Kim Yo-jong dễ dàng lọt vào những bức ảnh cùng Phó Tổng thống Mỹ. Dù một số trợ lý Nhà Trắng rất tinh trong chuyện chỗ ngồi có tầm nhìn không lý tưởng dành cho ông Pence, nhưng họ không nỗ lực phối hợp với phía Hàn Quốc để thay đổi, một phần lo ngại sẽ làm nước chủ nhà thất vọng, một quan chức trong chính quyền Mỹ tiết lộ. 

“Điều này không hẳn là thảm họa”, ông James Schoff, một cựu cố vấn cấp cao về chính sách Đông Á của Lầu Năm góc, đánh giá. Ông Schoff ủng hộ việc ông Pence gặp những người Triều Tiên đào tẩu, tưởng niệm 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng trong vụ tàu ngầm Hàn Quốc trúng ngư lôi được cho là của Triều Tiên năm 2010. Ông Pence cũng mời cha của Otto Warmbier, sinh viên Mỹ qua đời sau thời gian ngồi tù ở Triều Tiên, tham gia đoàn dự Olympic lần này. Nhưng ông Schoff nói rằng việc dội nước lạnh vào hy vọng cải thiện quan hệ liên Triều khiến ông Pence có thể bị coi là đang phản đối Tổng thống Moon xích lại gần Triều Tiên. Trong khi ông Moon không ngần ngại bắt tay và cười tươi với đoàn Triều Tiên, ông Pence thậm chí còn không nhìn về phía đoàn Triều Tiên trong buổi lễ hôm 9/2.

MỚI - NÓNG
Đi vớt rác, ngư dân Quảng Ngãi phát hiện động vật quý hiếm trong Sách đỏ thế giới
Đi vớt rác, ngư dân Quảng Ngãi phát hiện động vật quý hiếm trong Sách đỏ thế giới
TPO - Trong lúc đang vớt rác vướng ngoài lồng nuôi cá, một ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) vô tình phát hiện một con rùa biển đang vùng vẫy trong vợt. Con rùa biển này là một cá thể đồi mồi (một loài rùa biển, động vật biển quý hiếm), có tên trong Sách đỏ thế giới và Việt Nam.