Lối thoát nào cho quan hệ Canada – Trung Quốc?

Lối thoát nào cho quan hệ Canada – Trung Quốc?
TPO - Không dễ gì để có thể giải quyết mối quan hệ ngoại giao đang ngày càng u tối giữa Canada và Trung Quốc sau vụ bắt giữ giám đốc của Huawei, kể cả khi tính mạng một con người đang như “chỉ mành treo chuông”.

Trong vòng 2 năm qua, Trung Quốc đã liên tục chứng minh họ sẵn sàng chơi “tất tay” với các đối tác quốc tế mà nước này tin rằng đang coi thường các lợi ích quốc gia của mình.

Nhưng việc tái xét xử và tuyên án tử hình đối với một công dân Canada vì tội buôn lậu ma túy là một bước leo thang có thể hạ thấp vị thế của Chính phủ Trung Quốc trên trường quốc tế.

“Quyết định này đang làm sứt mẻ vị thế quốc tế của Trung Quốc trong thời gian dài. Vậy nên, kể cả khi nước này vẫn tỏ ra khỏe mạnh và cứng cáp trong thời gian trước mắt, tôi cho rằng về lâu dài, Trung Quốc sẽ phải trả giá.” Bà Lynette Ong, giáo sư Khoa học Chính trị từ Đại học Toronto, cho biết với CNN.

Chính phủ Trung Quốc, cùng các phương tiện truyền thông do chính quyền nước này kiểm soát, đang trở nên giận dữ trước việc Giám đốc phụ trách tài chính của Huawei, bà Mạnh Văn Chu, bị chính quyền Canada bắt giữ vào ngày 1 tháng 12 năm ngoái, để đối mặt với lệnh dẫn độ từ Mỹ do các cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt với Iran của bà.

Ngay sau thời điểm bà Mạnh bị bắt, 2 công dân Canada đã bị Trung Quốc giam giữ trước khi được hưởng sự trợ giúp từ lãnh sự của nước họ. Và rồi đến thứ 2 vừa qua (14/1), đến lượt công dân Canada Robert Lloyd Schellenberg lĩnh án tử sau phiên tòa chỉ kéo dài 1 ngày ở Đại Liên.

Bắc Kinh dù đã công khai bác bỏ mối liên hệ giữa tình hình của bà Mạnh và những hành động pháp lý với những công dân Canada tại Trung Quốc, nhưng đội ngũ pháp lý của Schellenberg cho rằng chỉ sau vụ bắt giữ giám đốc của Huawei thì họ mới nhận ra những hành vi chống lại thân chủ của mình.

Với việc Chính phủ Trung Quốc liên tục phủ nhận việc đứng đằng sau những hành vi bắt bớ trên, và Chính phủ Canada thì bất lực trong việc can thiệp vào hệ thống pháp lý độc lập của nước này, các lựa chọn để xoa dịu tình trạng căng thẳng giữa 2 nước hiện còn rất ít.

Bắc Kinh có cần phải đóng vai “dạy dỗ”?

Bắc Kinh có thể sẽ không liên hệ những hành vi của họ với việc bắt giữ bà Mạnh một cách công khai, song những biểu hiện hung hăng của truyền thông nhà nước và giới chức ngoại giao Trung Quốc đang khiến mối liên kết này trở nên rõ ràng.

Trong một bài xã luận được đăng tải tối thứ 3 vừa qua (15/1), tờ Hoàn Cầu Thời Báo cho biết nếu các quốc gia bỏ quên việc tôn trọng luật pháp Trung Quốc và lợi ích của nước này, “Bắc Kinh cần phải dạy dỗ họ.”

Ông Hồ Tích Tiến, tác giả bài xã luận trên, cho biết trên một video được đăng tải trên trang web của Hoàn Cầu Thời Báo vào tháng 12 năm ngoái, rằng nếu Canada dẫn giải bà Mạnh qua Mỹ, “Trung Quốc sẽ có đòn trả thù còn tồi tệ hơn cả việc chỉ bắt giữ một công dân Canada.”

Quyết liệt nhất, ông Lư Sa Dã, Đại sứ Trung Quốc tại Canada, trong bài viết nêu quan điểm cá nhân của mình được đăng tải vào đầu tháng 1 năm nay, cho rằng việc bắt giữ 2 công dân Canada, gồm nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor – là một động thái “tự vệ.”

Theo giáo sư Lynette Ong, đây không chỉ là tín hiệu giận dữ, mà Trung Quốc còn muốn tỏ ra cứng rắn trong thời điểm đang phải đối mặt với những vấn đề ngày càng lớn ở trong và ngoài nước, bao gồm sự ỳ ạch trong việc phát triển kinh tế và cuộc chiến thương mại với Mỹ.

“Trung Quốc không muốn tỏ ra yếu đuối…đặc biệt với những vấn đề nội bộ thì nước này càng phải đảm bảo sự tính đạo mạnh mẽ của mình. Nhiều người Trung Quốc không hài lòng với quyết định bắt giữ bà Mạnh Văn Chu, nên đó là lý do tại sao chính phủ nước này đang trở nên rất, rất cứng rắn với Canada.” bà Ong cho biết.

Giáo sư Ong cũng cho rằng trong tiến trình này, Bắc Kinh sẽ thổi phồng sự việc của bà Mạnh tới mức không chỉ dừng ở mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Canada nữa, mà là giữa Trung Quốc với cả thế giới phương Tây.

Trong bài viết trên CNN vào hôm thứ Tư vừa qua, Giáo sư John Lee từ Học viện As Hudson đã gọi Trung Quốc là “một cường quốc mới nổi đang phát triển nhưng đơn độc”, và chưa thể sẵn sàng để “phớt lờ” những nước khác.

“Trung Quốc không đáng tin. Nước này có quá ít đồng minh và những nước ủng hộ lâu dài. Đó có thể là do lòng tin xấu hay do thời điểm xấu. Việc xử tử một công dân Canada chỉ làm dấy lên những hoài nghi tập thể và càng khoét sâu thế cô lập của nước này.”

Australia, một trong những bạn hàng lớn của Trung Quốc, cũng đã lên tiếng quan ngại về án tử trên.

“Chúng tôi kỳ vọng vào một bộ quy tắc mà trong đó không chỉ cấm áp dụng án tử hình, mà còn là nơi những ai gặp rắc rối với pháp luật sẽ được phán xử một cách công bằng.” Bộ trưởng Ngoại giao lâm thời Simon Birmingham cho biết trên Đài phát thanh Quốc gia Australia ABC, vào hôm thứ Tư (16/1) vừa qua. Còn vào hôm thứ Ba (15/1), Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã đưa vấn đề này ra thảo luận với các lãnh đạo từ Argentina và New Zealand.

Trong tháng 12 năm ngoái, Bộ ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ quan ngại với việc bắt giữ 2 công dân Canada. “Chúng tôi có chung cam kết với Canada rằng luật pháp là nền tảng của các xã hội tự do, và chúng tôi sẽ bảo vệ và duy trì nguyên tắc trên.” Thông báo của Bộ ngoại giao Mỹ cho biết.

Tuy nhiên vào thứ Tư vừa qua, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh cho biết sẽ không có một thái độ nhún nhường nào từ phía Trung Quốc: “Những nước được gọi là đồng minh của Canada, với số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay, không thể đại diện cho cộng đồng quốc tế.”

Mỹ sẽ đóng vai giải cứu?

Một trong những giải pháp khả thi nhất để hòa giải mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Canada có thể bao gồm sự tham gia của Mỹ.

Giáo sư Ong cho biết nếu Washington bãi bỏ yêu cầu dẫn độ và các tội danh của bà Mạnh Văn Chu, Canada sẽ trả tự do cho bà và Trung Quốc có thể nương tay với những công dân Canada bên trong nước này.

“Đây không phải là điều mà Canada có thể làm vì yêu cầu này đến từ phía Mỹ. Cho nên chính phủ Canada không thể can thiệp vào các quá trình tư pháp do điều này còn phụ thuộc vào Mỹ.” Bà Ong cho biết.

Bắc Kinh cũng không thể gây áp lực, ít nhất là không đến mức lộ liễu như với Canada, để Mỹ bãi bỏ các cáo trạng đối với bà Mạnh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và chính phủ của ông đang phải hoang mang trong việc đảm bảo các cuộc đối thoại với Mỹ thành công tốt đẹp, với hi vọng một thỏa thuận mới sẽ phần nào thức đẩy nền kinh tế đang èo uột của nước này, đồng thời giảm tâm lý e ngại của người dân trong nước.

Kỳ vọng về một thỏa thuận nhanh chóng với Washington nhằm loại bỏ các khoản áp thuế thương mại là một phần lý do tại sao Trung Quốc đang “chơi rắn” với Chính phủ Ottawa về vấn đề của bà Mạnh, bất chấp việc ngay từ đầu, yêu cầu bắt giữ này là do Mỹ đề ra.

Tuy nhiên đến lúc này, Trung Quốc có vẻ chỉ muốn gây áp lực lên phía Canada trước thời điểm bà Mạnh bị đưa ra xét xử vào tháng 2 tới. Và nếu mọi sự không theo đúng hướng của nước này, thì đây có thể là thảm họa đối với Schellenberg và gia đình của anh ta.

Theo Theo CNN
MỚI - NÓNG