Lo ngại Biển Đông trôi vào vòng xoáy vô trật tự

Ảnh: Huy Thịnh
Ảnh: Huy Thịnh
TPO - Theo PGS TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, tuy có nhiều tín hiệu tích cực nhưng Biển Đông vẫn là “một trong những bài toán khó hiểu, khó lường đối với giới nghiên cứu và học giả quốc tế” .

Sáng 27/11, phát biểu tại phiên khai mạc hội thảo khoa học Biển Đông với chủ đề "Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển khu vực" lần thứ 9, PGS TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết từ Phán quyết của Toà Trọng tài tháng 7/2016, tình hình Biển Đông đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tín hiệu lạc quan nhất đối với các nhà quan sát là, tin tức về những sự vụ, va chạm nghiêm trọng xảy ra trên biển trong năm vừa qua đã giảm so với các năm trước. Trong khi đó, vấn đề Biển Đông tiếp tục được đề cập tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, trong thảo luận song phương giữa nhiều nước.

Các thành tố liên quan đến Biển Đông như hòa bình giải quyết tranh chấp, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, thượng tôn pháp luật, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, các quan ngại về các hoạt động cải tạo, quân sự hóa các cấu trúc tại biển Đông . . . vẫn tiếp tục được nêu lên.

Tuy nhiên, ông Tùng cũng chỉ ra nhìn trong tổng thể và dài hạn hơn, bất an và lo ngại vẫn đè nặng bởi viễn cảnh Biển Đông dần trôi vào vòng xoáy vô trật tự và xung đột.

Đó là trật tự trên biển bị xói mòn do luật pháp quốc tế vẫn chưa được tôn trọng đầy đủ. Việc phán quyết của Toà trọng tài ngày 12/7 vừa qua không được tôn trọng đe doạ tính toàn vẹn của Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển.

“Ở góc độ khu vực, những nỗ lực nhằm quản lý tranh chấp vẫn mang tính 'đối phó' và 'chắp vá'. Mặc dù 'nhiệt độ' có thể 'hạ' trong chốc lát nhưng cơn sốt vẫn còn âm ỉ vì gốc bệnh vẫn chưa được xử lý. Nói cách khác, vẫn còn rất ít nỗ lực hướng đến giải quyết triệt để các yêu sách đối lập nhau, từ đó triệt tiêu các động lực chính dẫn đến sự phát triển phức tạp của tình hình”, ông Tùng cho hay.

Chuyên gia này cũng chỉ ra một nghịch lý là mặc dù có nhiều sáng kiến hợp tác, nhưng kết quả thực chất lại hết sức hạn chế. Các bên, trước hết là các bên tranh chấp, bằng cách này hay cách khác đều bày tỏ mong muốn đối thoại và hợp tác nhằm tạo bầu không khí thuận lợi cho quản lý và giải quyết tranh chấp. Nhưng sự thiếu hụt lòng tin đã cản trở việc thực thi hiệu quả các sáng kiến này.

Khi "lòng tin chiến lược" tiếp tục sa sút, nguy cơ "quân sự hoá Biển Đông" vẫn là điều đáng quan ngại nhất bởi hạ tầng trên các đảo nhân tạo trong trạng thái sẵn sàng để triển khai một lực lượng quân sự lớn có khả năng thay đổi cơ bản cán cân sức mạnh ở Trường Sa và trên các vùng biển lân cận cũng như tạo ra khả năng va chạm, thậm chí xung đột xuất phát từ các sự cố không mong muốn nhưng nằm ngoài tầm kiểm soát và nằm trong tính toán nhầm và trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc dâng cao.

“Trong khi Bộ quy tắc về các vụ đụng độ không báo trước trên biển (CUES) được áp dụng cho hải quân, vẫn chưa có cơ chế nào để điều chỉnh, quản lý hoạt động của các lực lượng chấp pháp và dân sự. Đây là nguồn gốc chính của nhiều va chạm nghiêm trọng trên biển trong suốt một thập kỷ qua. Nếu không có cơ chế để quản lý, kiểm soát các lực lượng này, rủi ro bùng nổ xung đột, leo thang tranh chấp là rất cao”, PGS TS Nguyễn Vũ Tùng nhận xét.

Diễn ra trong hai ngày 27 và 28/11,  Hội thảo quốc tế lần thứ 9 về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”, do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS), và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) tổ chức, có sự tham dự của khoảng 200 đại biểu, trong đó có gần 90 học giả quốc tế, 70 học giả và đại biểu Việt Nam, 20 đại diện đến từ 17 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam và 60 phóng viên thuộc 35 hãng tin trong và ngoài nước tham dự hội thảo.

MỚI - NÓNG