Im lặng bất thường trước khi lãnh đạo Trung - Ấn sắp gặp nhau

Ông Modi và ông Tập gặp nhau ở Ahmedabad vào tháng 9/2014. (Ảnh: AP)
Ông Modi và ông Tập gặp nhau ở Ahmedabad vào tháng 9/2014. (Ảnh: AP)
TPO - Công việc chuẩn bị vẫn đang diễn ra ở thị trấn ven biển Mamallapuram ở miền nam Ấn Độ để đón cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức trong 2 ngày giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Giấy mời đã được gửi đi, biện pháp hạn chế người dân đã được thông báo, cả thị trấn đang tấp nập, và 8 người Tây tạng đã bị bắt để ngăn họ không biểu tình khi ông Tập đến.

Nhưng nhiều sự cố đang đe dọa cuộc họp. Tuần trước, hai nước xảy ra hàng loạt trục trặc ngoại giao. Và khi chỉ còn 4 ngày nữa là đến cuộc gặp, cả hai nước cho đến tối 7/10 vẫn chưa sẵn sàng phát đi thông báo chính thức hai lãnh đạo sẽ gặp nhau.

Khi ông Tập và ông Modi gặp nhau lần gần đây nhất vào tháng 4 ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, Ngoại trưởng Ấn Độ khi đó là bà Sushma Swaraj và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tổ chức họp báo chung vài ngày trước khi diễn ra sự kiện, và bà Swaraj gặp ông Tập trong ngày hôm sau.

Sự trì hoãn lần này gây đồn đoán rằng đã có những vấn đề mới nảy sinh, khiến các quan chức Trung Quốc và Ấn Độ phải nhăn trán. Đã có những dấu hiệu như vậy. Ấn Độ có kế hoạch triển khai một đợt tập trận trên bộ và trên không ở bang Arunachal Pradesh, vùng biên giới phía đông bắc mà Trung Quốc đòi chủ quyền như một phần thuộc vùng nam Tây Tạng.

Không quân Ấn Độ vừa mở lại một đường băng có tầm quan trọng chiến lược ở khu vực này nhằm phục vụ các hoạt động quân sự. Báo chí Ấn Độ nói rằng Bắc Kinh đã bày tỏ phản đối mạnh mẽ đối với cuộc tập trận và thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Luo Zhaohui nêu vấn đề này với Ngoại trưởng Ấn Độ Vijay Gokhale trong cuộc gặp tuần trước.

Các nguồn tin nói rằng Trung Quốc đang nhìn sự kiện bằng sự hoài nghi, không chỉ với cuộc tập trận mà cả thời điểm diễn ra chiến dịch này.

Cũng trong tuần trước, quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ gặp thêm một trục trặc nữa khi có tin rằng Đại sứ quán Ấn Độ bị từ chối cho tổ chức ngày lễ truyền thống vào hôm 2/10 tại Bắc Kinh để kỷ niệm ngày sinh của nhà lãnh đạo chính trị và tinh thần Mahatma Gandhi. Đại sứ quán Trung Quốc ở Ấn Độ nhanh chóng phát đi một tuyên bố nói rằng chuyện từ chối là do các vấn đề kỹ thuật liên quan đến dịp kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc.

Cái bóng Pakistan

Cũng trong tuần trước, Đại sứ Ấn Độ tại Pakistan Yao Jing khẳng định Bắc Kinh sẽ ủng hộ Pakistan trong tranh chấp với New Delhi về tương lai vùng đất Kashmir. Tháng 8 năm nay, Ấn Độ tước quyền tự trị mà vùng đất này được hưởng trong 7 thập kỷ qua. Delhi được cho là đã yêu cầu Trung Quốc giải thích và bày tỏ phản đối mạnh mẽ trước phát biểu của ông Yao. Ấn Độ cho rằng phát biểu này đi ngược lại những tuyên bố công khai của Bắc Kinh trước đây rằng Kashmir là vấn đề của quan hệ song phương Ấn Độ - Pakistan.

Quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc thêm bất hòa sau khi Delhi quyết định đặt Kashmir vào tầm kiểm soát trực tiếp. Bất mãn với bước đi này, Pakistan từ đó dựa vào đồng minh Trung Quốc để khơi gợi sự chú ý của quốc tế và gia tăng áp lực lên Delhi.

Trung Quốc, bất chấp sự khó chịu của Ấn Độ, đã thúc đẩy tổ chức một cuộc họp không chính thức của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc về vấn đề này. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng nhắc đến tranh chấp trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp quốc.

Các nhà làm chính sách đối ngoại của Ấn Độ giờ đang lo về chuyến thăm 3 ngày đến Trung Quốc của Thủ tướng Pakistan Imram Khan bắt đầu từ tối 7/10. Đây là chuyến thăm lần thứ ba đến Trung Quốc của ông Khan trong năm nay và diễn ra trong bối cảnh nhà lãnh đạo này đã cố gắng tập hợp ủng hộ quốc tế để gây áp lực lến Ấn Độ đối với vấn đề Kashmir.
Tất cả những điều đó, cộng thêm thực tế là ông Tập dự kiến sẽ chỉ tham dự cuộc gặp thượng đỉnh với ông Modi trong vòng 24 giờ đồng hồ vào cuối tuần này, khiến nhiều người hoài nghi khả năng hai nước có thể đạt được đột phá.

TS Geeta Kochhar, trợ lý giáo sư về nghiên cứu Trung Quốc tại ĐH Jawaharlal Nehru ở Delhi, nói rằng “những thứ gây ngứa ngáy” sẽ không phá hủy cuộc gặp thượng đỉnh , nhưng sẽ ảnh hưởng đến kết quả.

“Đó là bởi vì những thứ gây ngứa ngáy đó luôn là một phần trong quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc. Tuy nhiên, trước đây có một số kỳ vọng rằng cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức lần này có thể dẫn đến đột phá trong một số vấn đề. Đến giờ thì khả năng điều đó xảy ra vẫn xa lắm”, bà Kochhar nói.

Nhưng chỉ riêng áp lực địa chính trị cũng có thể đẩy hai nước phải xích lại gần nhau, bà Kochhar nhận định. Theo bà, Trung Quốc đang trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế chậm lại một phần vì cuộc chiến thuế quan với Mỹ. Còn Ấn Độ nhận ra rằng quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump rất thất thường, nên việc xích lại với Trung Quốc có thể là điều cần thiết.

“Vì thế, những lý do địa chính trị và địa kinh tế khiến Ấn Độ và Trung Quốc phải hợp tác. Thậm chí ngay trước thượng đỉnh Vũ Hán, có cảm giác rằng hai nước cần hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu tốt hơn”, bà Kochhar nói.

Quan hệ thân thiết hơn giữa ông Modi và ông Tập toát lên từ cuộc gặp năm ngoái khiến nhiều người ca ngợi cái gọi là “tinh thần Vũ Hán” mang giá trị biểu tượng cho hướng đi mới của quan hệ song phương.

Nhưng sự im lặng bí hiểm trong chuyện thông báo sự kiện năm nay cho thấy “tinh thần Vũ Hán” có thể không đủ đến làm nên tiến triển.

Theo theo AP
MỚI - NÓNG