RT đưa tin, tại hội nghị khu vực ở Barcelona vào hôm thứ Ba (10/10), lãnh đạo xứ Catalan Carles Puigdemont tuyên bố, Catalan đã giành được quyền trở thành một quốc gia độc lập trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 1/10.
Ông nói thêm, đây không phải là quyết định cá nhân, mà là kết quả của cuộc bỏ phiếu, mà tại đó người dân trong khu vực đã chọn “Có”.
“Đây là khoảnh khắc đặc biệt và mang tính lịch sử đánh dấu cho một quá trình lâu dài”, ông Puigdemont phát biểu, đồng thời nhấn mạnh, đây không chỉ là vấn đề trong nước mà của toàn Liên minh châu Âu (EU).
Người đứng đầu Catalan cũng đề cập đến cuộc trưng cầu dân ý Brexit về việc Anh rút khỏi EU vào năm ngoái. “Nếu có thể ở châu Âu, tại sao không thể áp dụng các tiêu chuẩn tương tự đối với Catalan và Tây Ban Nha?”, ông hỏi.
Ông Puigdemont cho biết, tuyên bố độc lập sẽ không có hiệu lực ngay lập tức mà bị hoãn để chờ đợi đề nghị đàm phán từ chính quyền Madrid, theo Reuters.
Lãnh đạo Catalan vẫn hy vọng vào một cuộc đối thoại hòa bình, nhưng đã ngừng tìm kiếm sự hỗ trợ từ Tây Ban Nha cho “nhà nước mới”.
Theo ông, Catalan luôn cố gắng để “chuyển mình và phát triển”, đưa ra đề nghị độc lập trong nhiều năm, nhưng đáp lại là “sự sỉ nhục chính trị” từ Tây Ban Nha.
Trước đó, khi cuộc trưng cầu dân ý kết thúc, ông Puigdemont đã yêu cầu đàm phán trung gian với Madrid.
Tuy nhiên, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã bác bỏ tất cả đề nghị hội đàm với các quan chức Catalan, còn khẳng định, Madrid sẽ sử dụng tất cả các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn sự ly khai của Catalan.
Hôm 1/10 thực sự trở thành ngày kinh hoàng tại quốc gia châu Âu này do vụ đụng độ đẫm máu giữa cảnh sát và người dân Catalan đi bỏ phiếu đòi độc lập, khiến gần 900 người bị thương.
Sự kiện khiến châu Âu “dậy sóng” vì hai luồng ý kiến trái ngược.
Phe ủng hộ cuộc bỏ phiếu, gồm lãnh đạo Catalan, các quan chức trong khu vực và một số người ở châu Âu, lên án hành vi bạo lực “phi lý, không cân xứng và vô trách nhiệm”.
Một số chính trị gia ở châu Âu còn chỉ trích gay gắt EU về lập trường, trong đó, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cáo buộc liên minh “đạo đức giả” và “nước đôi”.
“EU nói đối với trường hợp Catalan, việc trưng cầu dân ý đòi độc lập không hợp lệ, trong khi ở trường hợp Kosovo ly khai lại chấp thuận mà không cần bỏ phiếu”, ông Vucic lập luận.
Ngược lại, Tây Ban Nha và EU cho rằng, cuộc trưng cầu dân ý “vi hiến”, “bất hợp pháp” và không được chấp nhận. Thậm chí một số quan chức cho rằng đáp trả bằng vũ lực là có thể chấp nhận trong trường hợp đó.