Gìn giữ bia mộ 14 phi công Triều Tiên hy sinh ở Việt Nam

Gìn giữ bia mộ 14 phi công Triều Tiên hy sinh ở Việt Nam
TPO - Trên một cánh đồng ở tỉnh Bắc Giang có 14 tấm bia đá tưởng niệm những chiến sĩ Triều Tiên đã hy sinh khi giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Việt Nam và Triều Tiên vốn có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu dài. Đặc biệt trong thời gian Việt Nam đang tiến hành kháng chiến chống Mỹ, Triều Tiên đã ủng hộ Việt Nam rất tích cực. Chính quan hệ truyền thống đó đã góp phần khiến Việt Nam được chọn làm địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào cuối tháng 2 này tại Hà Nội.

Trong những ngày này, câu chuyện về 14 phi công Triều Tiên hy sinh ở Việt Nam lại được nhắc đến.

“Khi họ hy sinh, người Việt Nam coi họ như các liệt sĩ Việt Nam đã hy sinh cho đất nước”, AP dẫn lời ông Duong Van Dau, người trông coi khu bia mộ.  

Trên nền đất cao, những ngôi mộ hướng về tổ quốc họ ở phía đông bắc.

Trong khi Việt Nam tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ, khoảng 200-400 lính Triều Tiên, bao gồm khoảng 90 phi công, được cử chiến đấu gần Hà Nội trong hơn 2 năm, theo thông tin từ các tài liệu sau chiến tranh của Việt Nam.

Tháng 9/1966, theo các tài liệu lịch sử về Việt Nam mà học giả Mỹ Merle Pribbenow, cựu nhân viên tình báo Mỹ, Hà Nội tiếp nhận 3 đại đội phi công, tạo thành một trung đoàn với 30 máy bay. Họ mặc quân phục của Việt Nam và sử dụng máy bay, hạ tầng và trang thiết bị của Việt Nam.

Đây là sự hỗ trợ kịp thời. Đội máy bay chiến đấu MiG-17 do Nga sản xuất của Việt Nam khi đó đang hứng chịu thiệt hại nặng sau khi chống trả lực lượng máy bay ném bom Mỹ quần thảo miền bắc Việt Nam. Trung Quốc và Nga hỗ trợ về vật chất, nhưng số lượng phi công qua đào tạo của Việt Nam khi đó không nhiều.

Đại đội Triều Tiên đầu tiên được cử đến căn cứ không quân Kép ở tỉnh Bắc Giang vào cuối năm 1966 để hỗ trợ huấn luyện và thực hiện các nhiệm vụ trên chiến trường.

“Thỏa thuận được ký giữa 2 chính phủ, nhưng chúng tôi không biết thông tin gì. Tôi biết rằng Triều Tiên muốn cử phi công sang Việt Nam để họ có thể thực hành và học tập kinh nghiệm để xây dựng lực lượng không quân của họ”, ông Vu Ngoc Dinh, một trong những phi công Việt Nam từng làm việc với các phi công Triều Tiên, nhớ lại cuộc trả lời phỏng vấn nhà lịch sử học Hungary István Toperczer.

“Đó là những phi công giỏi nhất, có bố mẹ hoặc người thân làm việc trong Bộ chính trị của Trung ương đảng Lao động Triều Tiên. Họ cử các phi công và chỉ huy đến Việt Nam, còn chúng tôi cung cấp phương tiện cần thiết để họ hoạt động”, ông Dinh được dẫn lời trong cuốn sách của Toperczer.

“Họ giữ bí mật mọi thứ, nên chúng tôi không biết tỷ lệ thiệt hại như thế nào, nhưng các phi công Triều Tiên nói rằng họ đã bắn hạ được 26 máy bay Mỹ”, ông Dinh kể.

Ông Dau, người trông coi khu mộ, cũng là một cựu chiến binh. Ông nhập ngũ và hành quân vào miền nam để chiến đấu vào năm 1966. Ba năm sau đó, ông xuất ngũ vì bị thương ở đầu gối, trong trận chiến gần Sài Gòn.

“Đối với các phi công Triều Tiên đã giúp bảo vệ và hy sinh cho đất nước tôi, tôi kính trọng họ. Cũng là một người lính, tôi rất thương họ. Tôi coi họ là đồng đội, dù quốc tịch khác nhau”, ông nói.

Năm 2002, hài cốt những phi công hy sinh được chuyển về Triều Tiên trong một buổi lễ do quân đội hai nước tổ chức. Nhưng hai hàng bia đá với dòng chữ tiếng Việt “Nơi an nghỉ của 14 đồng chí Triều Tiên” vẫn được gìn giữ.

Kể từ khi các hài cốt được chuyển về nước, lượng khách đến thăm nơi này đã giảm. Nhưng Dau nói rằng ông sẽ tiếp tục coi sóc bia đá tưởng nhớ những người đã ngã xuống.

Đến năm 2000-2001, Việt Nam và Triều Tiên chính thức xác nhận sự tham gia của các phi công Triều Tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam.

Theo theo AP
MỚI - NÓNG