Đang có lo ngại thành phố New York với mật độ dân số cao có thể trở thành điểm nóng nhất thế giới về dịch Covid-19. Thị trưởng thành phố cho biết các bệnh viện ở đây chỉ còn 10 ngày nữa là rơi vào tình trạng thiếu “những đồ dùng thực sự cơ bản”, gây nguy hiểm cho cả nhân viên y tế và bệnh nhân.
“Nếu chúng tôi không nhận được trang thiết bị, chúng tôi sẽ mất đi nhiều mạng sống theo đúng nghĩa đen”, Thị trưởng Bill de Blasio nói với CNN.
Số lượng ca nhiễm tăng vọt gây ra tình trạng thiếu đồ dùng và trang thiết bị y tế nghiêm trọng ở nhiều nơi. Ý đã có 18 bác sĩ thiệt mạng vì Covid-19 và Tây Ban Nha cho biết 12% trong tổng số 29.000 ca nhiễm ở nước này là nhân viên y tế.
Để đối phó, Tây Ban Nha dựng bệnh viện dã chiến trong một trung tâm hội nghị. Các y bác sĩ ở Anh cũng lên tiếng xin hỗ trợ đồ dùng, nói rằng họ cảm thấy như đang trở thành “bia đỡ đạn”. Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu triển khai thêm bệnh viện di động đến Washington, California và New York. Tại Pháp, các bác sĩ tìm khẩu trang ở những nơi khó hình dung nhất: công trường và nhà máy.
“Đang có một cuộc đua điên cuồng để tìm khẩu trang y tế”, nhà sinh vật học Francois Blanchecott nói với đài phát thanh quốc tế của Pháp. “Chúng tôi đang đề nghị các văn phòng thị trưởng, các ngành công nghiệp hay bất kỳ doanh nghiệp nào có dự trữ khẩu trang hãy cung cấp cho chúng tôi”, ông Blanchecott cho biết.
Nhiều nhân viên y tế cho biết họ đang được yêu cầu phải tái sử dụng khẩu trang và găng tay dùng một lần. Tình trạng thiếu máy thở - thiết bị cần thiết để điều trị cho các ca nặng - đã trở nên cấp thiết. Một cuộc chiến chính trị về máy thở đã nổ ra, nhất là sau khi ông Trump chỉ đạo các thống đốc tự tìm nguồn cung thiết bị y tế cho bang mình, nhưng một số người cho rằng đó không phải giải pháp tốt nhất, trong bối cảnh số ca nhiễm ở nước này đã lên hơn 34.000 và 414 người tử vong.
Trung Quốc hiện là nước duy nhất có thể đảo ngược xu thế đó. Họ gửi các máy bay chở khẩu trang, găng tay và đồ bảo hộ cùng bác sĩ đến nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có Ý, Pháp và Tây Ban Nha, cũng như các nước có hệ thống y tế yếu hơn như Bulgaria, Hy Lạp và Serbia.
TS Anthony Fauci, giám đốc Viện Các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia của Mỹ, cuối tuần qua nói rằng các nguồn cung cấp thiết bị y tế sắp bắt đầu đổ vào và sẽ được phân phối cho những điểm nóng nhất. Nhưng những nỗ lực để sớm có gói hỗ trợ nhanh chóng từ quốc hội Mỹ đã thất bại. Thượng viện Mỹ vừa bỏ phiếu bác đề xuất triển khai gói giải cứu kinh tế gần 2 nghìn tỷ đô la Mỹ. Phe Dân chủ cho rằng gói này nghiêng về các tập đoàn hơn là các nhân viên và nhà cung cấp dịch vụ y tế.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà Rand Paul trở thành thượng nghị sĩ Mỹ đầu tiên nhiễm Covid-19. Danh ca nhạc thính phòng Plácido Domingo cũng xác nhận mắc bệnh. Thủ tướng Đức Angela Merkel đang phải cách ly sau khi tiếp xúc với một bác sĩ mắc bệnh, trong bối cảnh nước này đã có 86 ca tử vong và 22.672 ca nhiễm tính đến ngày 23/3.
Tình hình ở Ý tiếp tục tồi tệ. Số liệu mới nhất cho thấy nước này đã có 59.000 ca nhiễm và 5.476 ca tử vong. Thủ tướng Ấn Độ kêu gọi dân số 1,3 tỷ người của nước này hãy ở nhà. Rất nhiều đám tang diễn ra trên thế giới mà chỉ có một linh mục, một nhân viên nhà tang lễ và một người thân tham dự.
Mỹ đang cân nhắc khả năng nhập khẩu một số vật tư và trang thiết bị y tế từ Việt Nam để phục vụ phòng chống dịch tại Mỹ. Đây là những sản phẩm mà Việt Nam có đủ năng lực sản xuất để phục vụ trong nước và xuất khẩu, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc cho biết ngày 22/3.