Bộ tứ an ninh châu Á-Thái Bình Dương gặp khó

Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ tập trận chung hải quân Malabar 2016 gần đảo Okinawa của Nhật Bản. Ảnh: India Today.
Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ tập trận chung hải quân Malabar 2016 gần đảo Okinawa của Nhật Bản. Ảnh: India Today.
TP - Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy quan hệ an ninh giữa Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc, nhưng việc làm sống lại “Bộ tứ” châu Á-Thái Bình Dương vấp phải tình trạng thiếu niềm tin của New Delhi, khiến quá trình phối hợp tương tác bị cản trở trên thực tế.

Các cuộc tập trận hải quân chung đang là trọng tâm của mối quan hệ mà giới phân tích cho là bước đi nhằm đối phó sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc bằng cách gắn kết các quốc gia hàng đầu khu vực gần nhau hơn. Nhưng trong khi hải quân Mỹ, Nhật và Úc có thể dễ dàng hợp tác với nhau dựa trên những hệ thống chiến đấu giống nhau do Mỹ thiết kế cũng như sự kết nối về dữ liệu, Ấn Độ là ngoại lệ. Không chỉ vì hầu hết tàu và máy bay quân sự của Ấn Độ đều do Nga sản xuất mà chính phủ và quân đội Ấn Độ cực kỳ miễn cưỡng trong việc chia sẻ dữ liệu và tiết lộ các hệ thống thông tin liên lạc quân sự nhạy cảm, giới quan sát nhận định.

Mỹ đã triển khai các chiến dịch tập trận trên biển với Ấn Độ nhiều hơn với bất kỳ quốc gia nào. Nhưng Reuters dẫn các chuyên gia và nguồn tin hải quân nói rằng điều này là để “làm quen về văn hóa” hơn là luyện tập để chiến đấu. Vì Ấn Độ không ký thỏa thuận về chia sẻ dữ liệu, các cuộc tập trận trên biển được thực hiện thông qua lệnh thoại và văn bản với hệ thống trao đổi dữ liệu kiểu SMS thô sơ, các nguồn tin quân sự từ Nhật Bản và Ấn Độ cho biết. “Cứ tưởng tượng điều này giống như hướng dẫn bạn tìm đến nhà mình trong những năm 1980. Bên trái của bạn có thể là bên phải của người ta, cả hai người đều không hiểu rõ tình huống hiện tại”, ông Abhijit Iyer-Mitra, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu hòa bình và xung đột tại New Delhi, so sánh. Ông Abhijit Iyer-Mitra là người đang theo dõi các cuộc tập trận. “Điều người Mỹ muốn trong năm 2017 là thả ghim lên bản đồ Google rồi chia sẻ. Bạn biết nhà của bạn mình ở đâu, nhà của mình ở đâu và đến đó bằng cách nào”, ông nói. Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Ấn Độ không phản hồi đề nghị bình luận về các thông tin này.

Sáng kiến về cái gọi là Bộ tứ để thảo luận và hợp tác an ninh nổi lên cách đây khoảng một thập kỷ, chủ yếu vì Trung Quốc, rồi lại được làm sống lại gần đây. Một cuộc gặp diễn ra trong tháng này bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN tại Manila, Philippines. Chính quyền Trump đã thảo luận chuyện hợp tác với Ấn Độ nhằm thúc đẩy chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương mở, tự do và thịnh vượng”. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gọi Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương là “một vùng chiến lược”, còn Mỹ và Ấn Độ là “giá chặn sách” ở khu vực. “Trong điều kiện cụ thể, điều này sẽ dẫn đến sự phối hợp lớn giữa quân đội Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, bao gồm vấn đề nhận thức vùng biển, chống tàu ngầm, chống đổ bộ, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, tìm kiếm và cứu hộ”, ông Tillerson nói.

Ấn Độ và Mỹ đã điều động nhiều tàu chiến mạnh tham gia các cuộc tập trận Malabar thường niên. Chương trình này được mở rộng trong những năm gần đây để kết nạp Nhật Bản.

 Lợi ích khác nhau

Năm nay, nhóm tàu sân bay USS Nimitz được điều đến tập luyện ngoài khơi bờ biển phía đông Ấn Độ cùng với một tàu sân bay của Ấn Độ và tàu sân bay trực thăng của Nhật Bản. Nhưng một quan chức của Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản nói rằng, khi Nhật Bản tập luyện với hải quân Ấn Độ, việc trao đổi thông tin chủ yếu bằng truyền thoại. Không có kết nối vệ tinh nào để hải quân hai bên có thể tiếp cận thông tin và chia sẻ hình ảnh màn hình hiển thị trong các trung tâm chỉ huy trên tàu. Liên lạc thường là khía cạnh khó nhất của bất kỳ cuộc tập trận chung nào, vị quan chức giấu tên nói.

Những cuộc tập trận như vậy là nhằm chuẩn bị cho hoạt động tuần tra chung mà Mỹ muốn thực hiện với Ấn Độ cùng các đồng minh trên khắp vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đại tá thủy quân Mỹ Christopher Logan, một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, nói rằng, một mục tiêu của các đợt tập trận chung là đạt được khả năng tương tác tốt hơn và vai trò cao hơn của Ấn Độ với tư cách một đối tác quốc phòng lớn của Mỹ sẽ giúp thúc đẩy quan hệ này.

Năm ngoái, Ấn Độ ký thỏa thuận hậu cần quân sự với Mỹ sau cả thập kỷ tranh cãi, nhưng hai thỏa thuận khác vẫn bế tắc. Mỹ nói rằng Biên bản ghi nhớ về Hiệp định bảo mật thông tin liên lạc (CISMOA) sẽ cho phép Mỹ cung cấp cho Ấn Độ các thiết bị liên lạc mã hóa. Thỏa thuận Hợp tác và trao đổi cơ bản sẽ tạo nền tảng để Mỹ có thể chia sẻ dữ liệu nhạy cảm nhằm cùng Ấn Độ xác định mục tiêu và điều hướng tốt hơn. Còn Ấn Độ lo ngại, nếu họ đồng ý với CISMOA sẽ để lộ các hệ thống liên lạc quân sự với Mỹ, và thậm chí để Mỹ biết được các hoạt động mà trong đó lợi ích của Mỹ và Ấn Độ không gặp nhau, ví dụ với đối thủ của Ấn Độ là Pakistan, các quan chức quân sự ở New Delhi cho biết.

Đại úy Gurpreet Khurana, giám đốc điều hành tại Quỹ Hàng hải quốc gia (hoạt động bằng ngân sách từ chính phủ Ấn Độ), nói rằng, lo ngại của Ấn Độ là mất quyền tự chủ khi bị ràng buộc bởi những quy tắc và quy trình vận hành của Mỹ. Có lần Mỹ đề xuất hệ thống liên lạc “va li” di động mang tên CENTRIXS, có khả năng truyền dữ liệu đánh giá tình hình đầy đủ cho các tàu Ấn Độ trong khi hai hải quân tập luyện cùng nhau. Nhưng Ấn Độ từ chối kết nối với hệ thống này trong thời gian tập luyện vì lý do bảo đảm an ninh vận hành, một nguồn tin Ấn Độ tiết lộ. Ngay cả những cuộc tập luyện trên không giữa hai quốc gia cũng bị hạn chế, nguồn tin cho biết. Ấn Độ cử các máy bay Sukhoi mua của Nga tham gia tập trận nhưng tắt hệ thống radar và thiết bị làm nhiễu.

Máy bay hải quân Mỹ rơi xuống biển, 3 người mất tích

Hôm qua, một máy bay vận tải của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ đâm xuống Thái Bình Dương ở khu vực ngoài khơi Nhật Bản. Tám người đã được cứu, còn 3 người mất tích. Máy bay vận tải C2-A Greyhound đang thực hiện chuyến bay thông thường từ căn cứ Iwakuni ở miền nam Nhật Bản đến tàu sân bay USS Ronald Reagan đang ở vùng biển gần Philippines để tập luyện với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, Washington Post đưa tin. Hạm đội 7 gặp nhiều sự cố nghiêm trọng trong năm nay, bao gồm hai vụ va chạm của 2 tàu khu trục tên lửa dẫn đường khiến 17 thủy thủ thiệt mạng.

MỚI - NÓNG