Anh khó chọn thế đối đầu trên biển Đông

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của hải quân Anh (ukdefencejournal.org.uk)
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của hải quân Anh (ukdefencejournal.org.uk)
TP - Trong lúc chuẩn bị rời EU, Anh có vẻ đang cần Trung Quốc hơn ngược lại. Vì thế, việc Bộ trưởng Quốc phòng Anh tuyên bố nước này sẽ đưa tàu sân bay mới nhất đến biển Đông để đối phó với những đòi hỏi chủ quyền thái quá có thể khó trở thành hiện thực. 

Trước đó, trong một bài phát biểu được lan truyền rộng rãi, ông Gavin Williamson nói rằng một phần tham vọng toàn cầu của nước Anh thời hậu Brexit là kế hoạch triển khai tàu sân bay mới HMS Queen Elizabeth đến Ấn Độ - Thái Bình Dương. 

Con tàu sẽ mang theo các máy bay chiến đấu F-35 để “tăng cường khả năng tiếp cận và sát thương của các lực lượng của chúng ta, nhằm củng cố thực tế là Mỹ vẫn là một trong những đồng minh gần gũi nhất”, ông nói. 

Tướng Richard Dannatt, cựu tư lệnh lục quân Anh, cho rằng ông Williamson đã “nói quá” về điều này, vì tàu sân bay nói trên vẫn chưa sẵn sàng hoạt động, và vị bộ trưởng quốc phòng đã “có động thái ngoại giao tồi” khi thông báo Anh sẽ đưa  tàu chiến  đến biển Đông.

“Tàu sân bay Queen Elizabeth nhìn rất đẹp nhưng vẫn chưa được cung cấp đầy đủ máy bay, nên hãy để nó được trang bị đủ, được sắp xếp xong xuôi và sử dụng nó một cách có trách nhiệm”, ông Dannatt nói với Sky News vào cuối tuần qua. Vị tướng này còn cho là ông Williamson muốn “dùng quốc phòng làm cơ sở để phát triển sự nghiệp riêng của mình”.

Trung Quốc đáp trả bằng cáo buộc Anh giữ “tư tưởng Chiến tranh lạnh”, và chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond đến Bắc Kinh vào tuần này đã bị hoãn. Hai bên dự kiến thảo luận về những thỏa thuận gia cầm và mỹ phẩm trị giá hàng tỷ bảng Anh với Trung Quốc, kết nối hai thị trường chứng khoán London và Thượng Hải.

Với thời hạn Anh ra khỏi EU chỉ còn hơn 1 tháng mà chưa có thỏa thuận thương mại nào được nhất trí giữa hai bên, chính phủ của Thủ tướng Theresa May đang hy vọng đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Thời điểm này, Anh đang thua xa Đức trong quan hệ thương mại với Trung Quốc.Đức đang có thặng dư thương mại 15 tỷ euro với Trung Quốc.

Anh xếp thứ 2 từ dưới lên trong 28 quốc gia EU, với mức thâm hụt 33 tỷ euro.Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Anh trong năm 2017. Sau tuyên bố năm 2015 của Thủ tướng Anh hồi đó là ông David Cameron về “kỷ nguyên vàng” của quan hệ Anh - Trung, London đã rất nỗ lực để thuyết phục Trung Quốc chọn Anh làm trụ sở chính ở EU. 

Trung Quốc mới trả lời một phần, trong đó có việc mua tòa nhà cũ của Royal Mint để làm trụ sở cho phái đoàn ngoại giao lớn nhất của họ ở phương Tây.

Khi Anh chọn cách rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, rõ ràng là Anh cần Trung Quốc hơn chiều ngược lại.

“Brexit khiến tình hình khó khăn hơn khi Anh có tham vọng rõ ràng trong việc đạt được những thỏa thuận ngoài EU”, báo South China Morning Post dẫn lời ông Andrew Cainey, nhà nghiên cứu tại chương trình châu Á - Thái Bình Dương (tổ chức tư vấn chính sách Chatham House tại London). 

Mới thứ 5 tuần trước, công ty dịch vụ tài chính Ant Financial của Trung Quốc đồng ý mua hãng thanh toán WorldFirst của Anh với giá 700 triệu USD và đây cũng là bước đi lớn nhất của công ty này vào thị trường tài chính Anh. Mỹ chặn thỏa thuận tương tự của Ant Financial vì lý do an ninh. Nhưng Anh cần đầu tư của Trung Quốc để duy trì địa vị trung tâm tài chính của London thời hậu Brexit.

Quan hệ Anh - Trung vốn đã phức tạp. Ngoài áp lực từ Brexit, Anh cũng đang chịu sức ép phải thực hiện những đòi hỏi từ liên minh an ninh “Ngũ nhãn”, trong đó Mỹ là thành viên. 

Ngày 17/2 vừa qua, Financial Times đưa tin chính phủ Anh có thể sẽ kết luận rằng rủi ro mà tập đoàn thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei tạo ra có thể quản lý được. 

Bắt đầu hợp tác với Huawei từ năm 2005, tập đoàn BT của Anh gần đây giành được một hợp đồng cung cấp dịch vụ internet ở Trung Quốc, được ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng và thu phí dịch vụ bằng đồng tiền địa phương. 

Trước áp lực của Mỹ, Anh vẫn đưa ra kết luận về 5G có lợi cho Huawei. Ngay cả ông Alex Younger, giám đốc cơ quan tình báo nước ngoài MI6 của Anh, đã nói rằng vấn đề Huawei quá phức tạp nên không thể lệnh cấm công ty này một cách giản đơn. 

MỚI - NÓNG