Loại virus được phát hiện lần đầu tiên cách đây 3 tháng ở Trung Quốc đã vượt qua biên giới và khiến nhiều khu vực tê liệt.
Mỗi ngày lại có thêm nhiều diễn biến mới dồn dập. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 11/3 chính thức gọi Covid-19 là đại dịch; Mỹ dừng hầu hết hoạt động đi lại giữa Mỹ và 26 quốc gia EU, ngôi sao Hollywood được nhiều người yêu mến đã nhiễm bệnh; ngôi sao bóng rổ và chính trị gia cũng bị virus tấn công. Tất cả diễn ra trên bối cảnh một nền kinh tế thế giới lao đao, không chỉ khiến giới đầu tư Phố Wall mà mọi người đều bị tổn thương.
“Chúng ta sẽ thấy nhiều ca bệnh nữa và mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn bây giờ nhiều”, TS Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, nhận định.
Sau nhiều ngày hạ thấp tính nghiêm trọng của dịch bệnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua bất ngờ đổi giọng, có một bài phát biểu ảm đạm tại Phòng Bầu dục để thông báo hạn chế nghiêm ngặt hoạt động đi lại từ châu Âu sang Mỹ bắt đầu từ cuối tuần này. Bộ Ngoại giao Mỹ theo sau với cảnh báo người dân nước này hãy cân nhắc lại kế hoạch ra nước ngoài. Lãnh đạo các bang của Mỹ cảnh báo mọi thứ sẽ chỉ tồi tệ hơn.
Trên khắp nước Mỹ, khi số ca nhiễm đã lên hơn 1.300, cảm giác cấp bách đã lấn át.
Các trại dưỡng lão từ chối đón khách, trường học vắng học sinh và văn phòng làm việc trống trải. Giải đấu bóng rổ mùa xuân của sinh viên March Madness dự kiến diễn ra mà không có người xem, còn giải đấu bóng rổ nhà nghề bị huỷ. Các chương trình truyền hình được ghi hình mà không có khán giả.
Trong khi châu Âu và Mỹ đang bị Covid-19 bao trùm, tình hình ở Trung Quốc tiếp tục khá lên. Nước này hôm qua báo cáo số ca nhiễm mới thấp kỷ lục, với 15 trường hợp, nhưng vẫn phải cẩn trọng rà soát người đến và về từ nước ngoài để phòng dịch lây ngược. Hơn 3/4 số bệnh nhân Covid-19 ở Trung Quốc đã bình phục và được ra viện.
Những người nổi tiếng nhiễm bệnh càng làm tăng cảm giác cấp bách. Diễn viên hai lần đoạt giải Oscar Tom Hanks và vợ Rita Wilson đều dương tính với Covid-19. Giới chức Úc cho biết vợ chồng ngôi sao này đang điều trị trong bệnh viện ở bang Queensland và những người tiếp xúc gần với họ đều đang phải tự cách ly.
Tại Ý, câu lạc bộ Juventus cho biết hậu vệ Daniele Rugani đã dương tính. Tại Iran, một phó tổng thống và hai bộ trưởng trong nội các cũng đã nhiễm bệnh.
Ðiều đã biết
Cho đến nay đã có hơn 126.000 ca nhiễm được ghi nhận ở hơn 110 quốc gia. Nhưng WHO nhấn mạnh phần lớn trong số đó tập trung tại 4 quốc gia: Trung Quốc và Hàn Quốc (giờ cũng đang giảm mạnh), Iran và Ý.
“Mỗi ngày chúng tôi đều kêu gọi các nước có hành động quyết liệt và khẩn cấp. Chúng tôi đã gióng chuông rất to và rõ”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói hôm 11/3.
Trước khi WHO công bố Covid-19 là đại dịch, nhiều nước đã nâng mức đối phó lên tương đương mức như vậy. “Chúng ta gọi đó là đại dịch từ 2 tuần trước, và giờ họ (WHO) gọi tên đó…Chúng ta đã chuẩn bị cho điều này từ 2 tuần nay”, Thủ tướng Úc Scott Morrison nói ngày 12/3. Chính phủ Úc thông báo triển khai gói kích thích 17,6 tỷ USD để vực dậy nền kinh tế.
Ông Roland Rajah, giám đốc Chương trình kinh tế quốc tế tại Viện Lowy (Úc), nói với đài ABC rằng WHO dùng từ đại dịch không hẳn là thời điểm bước ngoặt, nhưng tạo thêm “cảm giác cấp bách” cho tình hình hiện nay.
“Tôi không nghĩ nó gây hậu quả lớn. Nó chủ yếu mang tính biểu tượng. Hầu hết các nước đều chỉ xem công bố đại dịch là sự xác nhận điều họ đã biết rồi”, ông Rajah nói.
Theo WHO, việc tuyên bố đại dịch xuất phát từ quan ngại Covid-19 lây lan khắp thế giới chứ không phải do thay đổi đặc điểm của dịch. Khi công bố đại dịch, ông Ghebreyesus nói rằng số ca nhiễm ngoài Trung Quốc đã tăng 13 lần chỉ trong 2 tuần qua. WHO thúc giục các nước hãy “phát hiện, xét nghiệm, điều trị, cô lập, truy vết và huy động người dân” đối phó đại dịch.