Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesushe hôm qua, 11/3, tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, vì virus SARS-CoV-2 trong vòng 3 tháng đã lây nhiễm hơn 121.000 khắp các châu lục, trừ Nam Cực.
Tuyên bố này có ý nghĩa gì?
Việc WHO xác định Covid-19 là “đại dịch toàn cầu” sẽ buộc chính phủ các quốc gia phải có biện pháp bảo vệ người dân quyết liệt hơn, như gia tăng hạn chế đi lại và thương mại.
Trước đó, WHO đã gọi Covid-19 là “tình trạng y tế khẩn cấp”. Và khi virus chưa lây lan rộng rãi, các bệnh viện và phóng khám trên khắp thế giới đã chuẩn bị cho việc tiếp nhận một số lượng lớn bệnh nhân.
Bác sĩ Michael Ryan, người đứng đầu bộ phận cấp cứu của WHO, nhấn mạnh rằng việc sử dụng khái niệm đại dịch không nhằm bất cứ mục đích nào khác ngoài việc buộc các quốc gia phải hành động dứt khoát hơn.
Điều gì khiến WHO quyết định công bố đại dịch?
Trên thực tế, WHO không có quy định cụ thể về các trường hợp đủ điều kiện để được coi là đại dịch.
Nhưng thông thường, một bệnh dịch có thể được coi là đại dịch khi người dân bắt đầu nhiễm bệnh dù không có liên kết rõ ràng với nguồn bệnh.
Điều này báo hiệu sự lây lay rộng rãi trong cộng đồng, và được coi là “chìa khoá” cho việc tuyên bố đại dịch.
Đối với bệnh cúm, WHO sẽ coi bệnh này là đại dịch khi xuất hiện một loại virus mới, lây lan ở 2 khu vực trên thế giới.
Đại dịch gần đây nhất là gì?
Dịch bệnh gần đây nhất buộc WHO phải tuyên bố đại dịch là dịch “cúm lợn” H1N1 năm 2009.
Quyết định công bố đại dịch được đưa ra sau khi dịch cúm H1N1 chủng mới lan rộng ở nhiều quốc gia trong khoảng 6 tuần.
Đợt dịch Covid-19 là lần đầu tiên một dịch bệnh bắt nguồn từ virus corona được coi là đại dịch.
“Nhưng đồng thời, chúng tôi tin rằng đây cũng là đại dịch đầu tiên mà chúng ta có thể kiểm soát”, ông Tedros nói.
Ổ dịch? Đại dịch? Có gì khác biệt?
Ổ dịch là cụm từ chỉ sự gia tăng đột biến số ca bệnh ở một khu vực cụ thể.
Dịch bệnh là một ổ dịch lớn. Còn đại dịch có nghĩa là dịch bệnh toàn cầu.
Các chuyên gia cho rằng cụm từ “đại dịch” có sức ảnh hưởng lớn, dù không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của khái niệm này.
Ian Mackay, chuyên gì nghiên cứu về virus tại Đại học Queensland (Úc) cho biết: “Cụm từ đại dịch chưa được giải thích một cách rõ ràng. Nó như một đồ vật bị cất giấu trong ngăn kéo, và chỉ được mang ra vào thời điểm tồi tệ nhất. Vì vậy, mọi người tất nhiên sẽ sợ khái niệm này.”
Trên thực tế, “đại dịch” có thể là một cụm từ đáng sợ, nhưng nó không liên quan đến mức độ nghiêm trọng của bệnh. Cụm từ này chỉ có nghĩa là một dịch bệnh đang lây lan trên quy mô rộng.
Một căn bệnh nhẹ cũng có thể được gọi là “đại dịch”, ví dụ bệnh cúm H1N1 năm 2009.
Cúm mùa thông thường có tỉ lệ tử vong là 0,1%. Trong khi đó, tỉ lệ tử vong của Covid-19 chưa được xác định rõ ràng, và có thể thay đổi tuỳ theo khu vực.
Tuy nhiên, Covid-19 dường như ít nguy hiểm hơn so với “người anh em” SARS và MERS, dù có tỉ lệ lây nhiễm cao hơn.
Đối với hầu hết các bệnh nhân, virus SARS-CoV-2 mới chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ hoặc trung bình, như sốt, ho. Người bệnh thường sẽ hồi phục trong vài tuần.
Đối với một số ít, đặc biệt là những người lớn tuổi và có bệnh nền, thì SARS-CoV-2 có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng hơn, bao gồm viêm phổi.
Tính đến ngày 12/3, trên toàn thế giới đã ghi nhận 124.979 ca mắc Covid-19, với 4.625 ca tử vong.