Ông Long (thứ 2, từ trái sang) tiếp đoàn làm phim Discovery. |
“Hãng phim Cổ lỗ sĩ xin giới thiệu bộ phim...”. Đó là câu thuyết minh mở đầu cho tất cả buổi chiếu phim của ông “giám đốc hãng” Nguyễn Văn Long. Bằng những “mẹo” và “trò” của mình, với công cụ toàn là đồ cũ kỹ, thô sơ, 16 năm chiếm cứ một góc công viên Thủ Lệ (và bây giờ là ở Bảo tàng dân tộc học Việt Nam), ông đã đưa khán giả của mình lạc vào một thế giới kỳ ảo.
Phim của ông liên tục được sản xuất, cải tiến và thậm chí để chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long vừa qua, ông còn làm tới... 4 phim.
Vào rạp xem phim nếm - ngửi - sờ
Rạp của ông chỉ tối đa chứa được 3-4 khán giả nếu dùng chiếc máy chiếu liên hoàn - một trong những sáng tạo “tân tiến” nhất của ông, còn thường thì chỉ một mình một rạp, xem phim và nghe ông giám đốc hãng kiêm nhà sản xuất, kiêm chủ rạp, kiêm... soát vé, thuyết minh phim.
Rạp nằm chơ lơ trên bãi đất trống ven đường, không quây, không che, mưa thì chạy vào gốc cây, hàng hiên vẫn xem tiếp được. Phim của ông thô sơ nhưng giúp người xem được thưởng thức bằng cả 5 giác quan: nghe, nhìn, ngửi, nếm, sờ và còn thêm đối thoại với người trong phim.
Công cụ chỉ là một cái ống chiếu lắp phim, một chiếc ghế cho khách ngồi đối diện và hai chiếc ống nhựa được nối với nhau bằng dây dù làm tai nghe tiếng thuyết minh, mỗi bộ phim kéo dài từ 2 phút đến 10 phút được chia theo tập, cao điểm 5 phút/1 tập.
Khách xem phim được trang bị một chiếc dây băng che mắt trái, mắt phải được chỉ định nhìn vào lỗ ngắm trên chiếc máy chiếu ông cầm trên tay, tai nghe được nối từ miệng ông tới tai khách để nghe tiếng thuyết minh.
Dụng cụ chiếu phim cổ lỗ của ông Long. |
Ông thẳng thừng với người viết bài: “Tôi không lấy tiền phỏng vấn, tiền chụp ảnh nhưng anh phải xem phim cho tôi và giả tiền đầy đủ. Anh muốn viết gì thì cũng phải xem hết mới viết được chứ”.
Rạp bắt đầu với lời giới thiệu “Hãng phim Cổ lỗ sĩ xin giới thiệu bộ phim Lớp học của Gấu. Biên kịch và đạo diễn Nguyễn Văn Long, sản xuất năm...”. Điệp khúc “tèn tén ten” quen thuộc của phim hoạt hình được lặp đi lặp lại trong tiếng thuyết minh rất có duyên.
Đến đoạn Gấu hỏi Thỏ: “10 trừ 6 bằng mấy?”, thấy tôi chần chừ, ông giục, tôi buột miệng: “bằng 4” và ông tiếp lời: “Giỏi lắm, thế là bạn và thỏ có chung một đáp số chính xác rồi đấy. Tèn tén ten… hết phim!”.
Ông lại giới thiệu tiếp một bộ phim thứ hai: Thăm cảnh đền Hùng, theo ông, đây là phim “3 trong 1”: Nổi, sờ và đối thoại với người trong phim. Hai chiếc ảnh được lồng vào máy chiếu, đôi mắt người xem phải tập trung nhìn vào một điểm như xem ảnh không gian ba chiều. Khuôn hình hiện lên cảnh đền Hùng với cây đại, chiếc cột đá…
Nghệ thuật đắt tiền là nghệ thuật tốt, nghệ thuật rẻ tiền là nghệ thuật lá cải. Tôi không bán rẻ nghệ thuật, xem hết 30 ngàn thì phải giả đúng, không được thiếu. - Ông Nguyễn Văn Long |
Qua lời hướng dẫn và thuyết minh bằng “giọng địa phương” của ông, khán giả được sờ tay vào chiếc cột đá, cành cây đại cong cong… hay “cao tay” hơn nữa là tiếng lợn kêu, chó sủa. Khi khán giả hỏi người trong phim: “Trời có mưa không?” thì còn được thấy sấm chớp loang loáng và những giọt mưa rơi vào tay mát lạnh.
Mãi sau mới biết những “đạo cụ tạo cảm giác” đó là viên sỏi tròn (giả làm cột đá), khúc cây (giả làm cành cây đại), là đèn pin, quạt giấy và bình xịt nước tạo mưa, sấm, chớp.
Rồi một loạt các phim khác. Phim giấy Tôn Ngộ Không đánh yêu quái được xem trong một chiếc túi. Phim “ngửi” được xem trong chiếc ống, khi có cảnh lạc vào rừng mơ thì ông kẹp một miếng bông tẩm cồn với rượu mơ vào tấm phim để hình ảnh và mùi vị trùng khớp. Phim “nếm” là khán giả sẽ được ăn kẹo nếu trong phim có cảnh đó.
Phim “thơ” thì được thuyết minh bằng… thơ. Kiểu như Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn thì mở đầu là: “Nhà vua hoàng hậu sinh con/Da trắng như tuyết môi son mỉm cười” và cuối cùng kết thúc: “Mối tình thắm đẹp như hoa/Hoàng tử Bạch Tuyết mặn mà thủy chung/7 chú lùn vui hát cùng/Chuyện nàng Bạch Tuyết xin ngừng… hết phim!”.
Ông Long khoe, trong đợt đại lễ 1.000 Thăng Long vừa qua, “hãng” phim của ông cũng sản xuất tới 4 bộ phim để kỷ niệm như phim “thơ” Lý Công Uẩn dời đô (2 tập), hai bộ phim tài liệu “nổi” Thăm phố cổ Hà Nội và Thăm Hoàng thành Thăng Long cùng hai tập phim giấy Thánh Gióng.
Hai bộ phim tài liệu kia đơn giản là dùng kính lúp kích các hình ảnh “nổi” lên thật như chạm tay vào được, còn bộ phim Lý Công Uẩn dời đô là khiến ông mất nhiều công sức nhất. Ngoài việc vẽ lại hình ảnh vua Lý Công Uẩn thật đẹp, oai nghiêm thì việc dựng lại cốt truyện bằng thơ khiến ông phải dụng công nhiều.
Bên cạnh đó, còn phải luyện đọc chiếu dời đô để có tiếng sang sảng của một vị vua. Phim này, người xem trực tiếp nhìn hình ảnh… qua tranh và nghe lời thuyết minh của ông. Chính vì vậy, ông yêu cầu người xem phải quay mặt ra ngoài để “giữ bí mật với người khác, không thì họ không xem nữa”.
Phim có những cảnh được diễn giải: “Thần trượng múa lên nhẹ nhàng/ Dạy cho Công Uẩn võ tràng thần môn/ (…) Hai sư bàn bạc thì thầm/ Vua Đinh bị hại, Lê Hoàn xưng vương/ Phải đưa Công Uẩn lên đường/ Lai kinh lập nghiệp quân vương đang cần...”.
Khi tới cảnh đọc Chiếu, ông lên giọng sang sảng, kèm theo tiếng mồm giả làm tiếng chiêng xen kẽ: “Ở chỗ khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước (tùng boong!!!). Vùng này, (…) đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời. (tùng boong, tùng boong!!!)”
Và sau đó kết thúc bằng mấy câu thơ “Trong tiếng chiêng trống rung trời/ Vua thấy sáng ngời cuồn cuộn rồng bay/ Thăng Long đặt tên từ đây/ Hồn thiêng tụ lại tràn đầy niềm tin/ Thăng Long năm thứ 1.000/ Thủ đô yêu dấu giữ gìn bền lâu”. Kết phim là tiếng nhạc mồm được giả như tiếng nhã nhạc mừng vui: “Tùng tung túng tung tung tùng, túng tung tùng tùng tùng tùng túng”.
Các cháu thiếu nhi rất thích thú. |
Nếu có thời gian, cũng khó có thể xem hết các phim của ông. Nhiều thể loại, có thể loại mang một cái tên rất lạ như phim “lập lờ” – tức là nửa chìm nửa nổi. Hiện nay, ông có khoảng 365 phim đủ các thể loại, các tên hấp dẫn như Tèo và Ten, Đại bàng và rắn, Con Mèo đi hia, Tây du ký, Tarzan, Người nhện, Đất tổ đền Hùng, Kinh đô Hoa Lư, Xem xiếc thú....
Nhưng nhớ nhất là bộ phim nhựa Việt Nam Đến hẹn lại lên với đầy đủ tên đạo diễn, biên kịch, quay phim cũng như đơn vị sản xuất nhưng chỉ kéo dài có…10 phút.
Ngoài ra, ông còn có 2 bộ phim kinh điển của Việt Nam nữa là Đường về quê mẹ và Tội lỗi cuối cùng. Giá xem cũng không hề rẻ, thấp nhất là 5.000đ cho một lượt xem trên 1 tập, cao nhất là 15.000đ/1 tập. Điều ngạc nhiên và cũng hơi hài hước là giá xem phim đắt nhất đó áp dụng cho 3 bộ phim Việt Nam (toàn 2 tập).
Chuyện của người “cải lùi” điện ảnh
Năm 2010, 5 dự án phim về Việt Nam được Discovery Châu Á tài trợ sản xuất và phát sóng, trong đó có một kịch bản về ông Nguyễn Văn Long - người chiếu phim dạo - với tên gọi Người mơ giải Oscar do đạo diễn Hoàng Mạnh Cường thực hiện.
Bộ phim quay tại nhà ông, làng lụa Vạn Phúc. Phim tài liệu chân thực, có cảnh ông chủ tịch Hội liên hiệp điện ảnh Mỹ (nhân đợt ông ấy đến Việt Nam) đến xem phim của ông Long chiếu. Chính điều này khiến ông Long suy nghĩ nhiều. Mình đem cái gì ra chiếu cho họ xem bây giờ? Suy nghĩ mãi, ông quyết định vẽ 2 tập phim giấy Thánh Gióng - “dự án” mà ông ấp ủ cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long.
Chiếu phim cho khách nước ngoài. |
Khi chiếu xong, vị khách nước ngoài chỉ thốt lên đúng một câu: “Tôi chưa từng thấy ai làm phim ngắn như của ông. Tuyệt vời!”. Ông Long hào hứng cười: “Điều tôi thích nhất là ông ta thừa nhận phim của tôi ngắn nhất, đó là điểm mấu chốt cho mánh khóe của tôi.
Làm bộ phim này, tôi vẽ bằng tay 100%, rất thô sơ. Đứng trước người khổng lồ, tôi phải là người tý hon. Ông to nhất thì tôi bé nhất, ông hiện đại nhất, tôi thô sơ nhất, ông cồng kềnh, cần điện mới vận hành được, tôi tiện lợi chỉ để trong túi, lôi ra một phát chiếu luôn. So sánh thế mới địch nổi”.
Tuổi thơ ông Long là một cậu bé bị điện ảnh mê hoặc từ thời đi xem Cinema thùng chạy bằng ắc-quy ở Bờ Hồ. Năm 1959, đang học lớp 5, thấy các bạn thí nghiệm làm phim, ông cũng bắt chước làm theo. Lấy giấy mờ vẽ hình ảnh lên rồi bôi dầu hỏa cho nổi. Lấy bóng đèn điện, bỏ dây tóc, đổ nước vào làm thành lăng kính tròn rồi dùng đèn dầu chiếu lên miếng vải thành phim. Rạp chiếu của ông cũng lưu động khắp xóm, trường.
Ban đầu chung “vốn” với bạn, vé vào cửa là một viên gạch, cũng kha khá đủ để bạn ông xây được hẳn một… chuồng ngan. Sau này khi “mở riêng”, ông thu vé bằng giấy nháp đến nỗi dùng mãi không hết. Lớn lên, “rạp” cũng hiện đại dần lên, từ kính lúp thay bóng đèn đến máy chiếu của Nga đi thuê.
Năm 1973, ông Long làm trưởng ban VHTT xã Vạn Phúc (Hà Đông – Hà Tây cũ) thì ngay năm 1974 đã mua được máy đi chiếu bóng phục vụ mọi người, sau đó mua phim, mua thêm máy.... Từ năm 1990, khi nhà nước xóa bỏ bao cấp thì ông đem máy đi chiếu lưu động tại các trường, các lớp mẫu giáo. Không chỉ chiếu bóng bằng màn ảnh mà ông bắt đầu sử dụng lại những ống chiếu và những thiết bị lạc hậu cũ kỹ, lúc đó mới chỉ có một chiếc và phim đó là Mối tình đầu.
Gia đình, tập thể phản đối, không cho đi. Họ cho đó là một nghề nhếch nhác, thấp hèn. Thậm chí, vợ ông đã chẻ cả ghế để ngăn cản. Ông phải tìm cách trốn đi buổi tối, rồi mãi vợ cũng đồng ý khi thấy cũng… có đồng ra đồng vào.
Năm 1994, ông bắt đầu ra công viên Thủ Lệ ngồi. Vừa làm vừa sưu tập đến giờ ông có tất cả 2 máy chiếu của Mỹ, một máy đèn chiếu, một máy chiếu 6 ly cùng 10 cái máy nhòm phim. Có cái dùng, cái không dùng nhưng lúc nào ông giữ bên mình. Tất cả từ những tháng ngày nhịn ăn, còm cõi đạp xe ban đêm đi lùng khắp nơi nếu có ai mách. Có chiếc ông mua vào thời điểm năm 1993 là 60.000đ, ông bảo không có vàng nên không biết tính thế nào, nếu so sánh giá gạo thì mua được 1 tạ.
Hơn 60 tuổi, ông vẫn cần mẫn sáng đi, chiều về với chiếc xe đạp, thùng đồ nghề đã theo ông mấy chục năm nay từ Vạn Phúc – Hà Đông đến chỗ làm và ngược lại. Từ tháng 3-2010, ông đã chuyển sang Bảo tàng Dân tộc học nhưng vẫn xin một góc địa điểm quen ở Thủ Lệ để đề phòng lúc lễ Tết ở đây đóng hay lúc nào nhớ thì về.
Ông Long tâm sự, ở chỗ mới này an ninh tốt, người lịch sự khác hẳn ở Thủ Lệ phải “sống chung với lũ”. Trộm cắp, móc túi loanh quanh suốt như một nghề, có lần, chúng nó còn hỏi thăm: “Bố có làm ăn được không? Hôm nay con chả ‘làm ăn’ được gì...”.
Giờ sức khỏe ông cũng yếu hơn, kinh tế thì không thúc bách, khách khứa túc tắc như đi câu nên ông cũng chỉ đi khoảng 4 buổi/ một tuần cho đỡ nhớ nghề. Đó là còn đi được, chứ sau này phải ở nhà thì chắc nhớ nghề đến chết mất – ông tâm sự.
Trong xã hội hiện đại đang chạy theo 3D, 4D hay MaxD thì “rạp chiếu phim” của ông Long là của hiếm không chỉ ở Việt Nam mà còn của thế giới - đó chính là nhận xét của ông Michael Digregorio, cựu chuyên viên của Quỹ Ford tại Việt Nam. |