Tôi cũng từng đến bảo tàng Louvre ở Paris thủ đô nước Pháp không chỉ một lần để ngắm tượng thần vệ nữ và bức tranh nổi tiếng nàng Mona Lisa...
Ai cũng biết, nghệ thuật là sáng tạo chứ không phải là thứ sao chép đơn thuần. Thế giới người đẹp trong tranh cũng vậy. Người họa sỹ tạo ra các tác phẩm nghệ thuật y như thật nhưng lại không có trong đời thực! Từ nhiều năm nay tôi đã say mê những bức tranh kỹ thuật số của họa sỹ (HS) Phạm Văn Tư về các người đẹp. Những người đẹp “Mỗi người mỗi vẻ, mười phân vẹn mười” (Nguyễn Du).Những người đẹp tưởng như tôi đã gặp trong đời, đã say mê trong đời, đã tôn vinh trong đời...Đó chính là “ Thế giới người đẹp của HS Phạm Văn Tư”.
HS Phạm Văn Tư cộng tác với báo Tiền Phong nhiều năm qua, ở trang câu lạc bộ với nhiều bức tranh biếm họa được bạn đọc ưa thích.
Chân dung Thế giới người đẹp |
Một lần, tình cờ tôi lướt qua một trang báo mạng về thế giới biếm họa của nước Nga và bắt gặp một bức tranh của HS Phạm Văn Tư. Bức tranh biếm họa làm tôi thích thú. Tôi liền nẩy ra một bài thơ từ bức tranh, bài thơ về rượu : “ Rượu xin rót vào cốc. Tình yêu rót vào môi. Men nồng trong đôi mắt. Say, ta say suốt đời”.
Sau này tôi mới biết họa sỹ Phạm Văn Tư đã có 158 tác phẩm Tranh hài và Poster được công bố trên trang web nổi tiếng này.
Tôi quen biết họa sỹ Phạm Văn Tư đã từ lâu, nhưng cũng không ngờ Phạm Văn Tư có được nhiều giải thưởng trong nước và được yêu mến ở nước ngoài như vậy.
Giải nhì tranh cổ động quốc tế vì hòa bình ; Hai lần đoạt giải nhất tranh cổ động toàn quốc về đề tài bảo vệ môi trường; Giải nhì logo hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 7; Giải nhì cuộc thi tem bưu chính toàn quốc; Giải nhất Logo Hà Nội Optic ...
Nghệ thuật, trong đó có hội họa muôn đời vẫn là cái đẹp, hướng về cái đẹp ở muôn vàn cung bậc, muôn vàn cách thể hiện khác nhau. Nhưng, phương tiện đến với nghệ thuật, sáng tác và thưởng thức nghệ thuật rõ là mỗi thời mỗi khác. Từ bút tre, bút lông, bút sắt...nay không cần bút gì cả. Từ tranh dân gian, tranh khắc gỗ, tranh lụa, tranh khắc lửa, tranh cát ...đến nay là tranh kỹ thuật số. HS Phạm Văn Tư sáng tác chủ yếu là dòng tranh: Sơn dầu kỹ thuật số; ký họa kỹ thuật số; khắc gỗ kỹ thuật số. Những bức tranh của họa sỹ Phạm Văn Tư mà tôi thích không chỉ hiện đại trong cách thể hiện mà còn hiện đại trong cách cảm, cách nghĩ, cách đến với công chúng, với những người yêu thích hội họa hiện đại.
Sự hài hước thâm thúy và nhân văn thể hiện rõ nét trong những bức tranh biếm họa của Phạm Văn Tư. Những bức tranh như “Nàng tiên cá lột xác về với đời”; "Thân hình em như là con người anh”; “Hai anh đánh nhau trong mắt em”; “ Thân hình anh là vòng ba của em”... cuốn hút người xem không chỉ ở nét vẽ tinh tế, hài hước, mà còn gợi mở cho người thưởng thức hội họa những ẩn dụ về con người của thế kỷ, về thế thái nhân tình của thời hiện đại.
Một trong những điều mà tôi thích nhất ấy là vẻ đẹp của con người, nhất là những thiếu nữ đẹp trong những bức tranh chân dung kỹ thuật số của Phạm Văn Tư thể hiện rất có hồn, sống động và đa dạng về tính cách.
Trên sân khấu hài, hay tranh hài thường rất dễ sa vào những biểu hiện dung tục. Phạm Văn Tư khi thể hiện những bức tranh hài về tình cảm nam nữ, về quan hệ giới tính, rất gợi, người xem thật bất ngờ và lý thú trước những hình tượng người phụ nữ “ Rõ ràng trong ngọc trắng ngà. Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” (Truyện Kiều - Nguyễn Du), nhưng lại không sa vào dung tục mà nâng tâm hồn con người lên ở lĩnh vực cái đẹp, vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ gần như thuần khiết. Ấy là khi tôi xem những bức biếm họa như “ Nguyên nhân mọc sừng” hay “Thần vệ nữ”...của Phạm Văn Tư.
Phạm Văn Tư tâm sự : “ Tôi sáng tác như đi chơi ấy...tích lũy mấy chục năm làm nghề rồi nên bây giờ không còn đi tìm phương hướng nữa mà đi vào thực chất. Tôi gạt ra những đau đớn trong cuộc đời, đơn giản, tôi là một nghệ sỹ...”.
Để có được “ sáng tác như đi chơi ấy” Phạm Văn Tư đã trải qua biết bao “ đau đớn trong cuộc đời”, những đau đớn trong cuộc sống hàng ngày và cả trong sự sáng tạo nghệ thuật. Hai người anh trai của Phạm Văn Tư đã hy sinh ở chiến trường, là liệt sỹ trong chiến tranh chống Mỹ, trong đó có một người anh từng là giảng viên âm nhạc. Mẹ của họa sỹ Phạm Văn Tư là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bản thân họa sỹ cũng đã từng lăn lộn nhiều năm trong những tháng ngày cực nhọc và đầy khó khăn.
Tâm sự trên Facebook, anh cho rằng : Điều duy nhất mà tranh hài mang lại đó là giá trị đích thực của sự sáng tạo văn hóa giữa con người và con người, mang lại niềm vui và sự tự tin trong cuộc sống ...Tôi không thích sự sao chép, đánh mất bản sắc của dân tộc mình khi hội nhập, hòa nhập với thế giới đương đại...
Chính suy nghĩ này đã xuyên suốt quá trính sáng tạo của Phạm Văn Tư, tạo nên một dòng tranh kỹ thuật số mang đậm bản sắc của dân tộc Việt và nét riêng của Phạm Văn Tư.
Trước đây, tôi cứ nghĩ Phạm Văn Tư học ở Nga. Khi trò chuyện mới biết họa sỹ gần như không thông thạo ngoại ngữ nào cả, cũng chưa một lần xuất ngoại, ấy vậy mà tranh của Phạm Văn Tư lại được giới thiệu nhiều ở Nga, được nhiều nơi trên thế giới biết đến. Đúng là nghệ thuật hội họa không có biên giới, Phạm Văn Tư đã là một họa sỹ của thế giới đương đại.
Khi có người hỏi họa sỹ có mở phòng tranh để trưng bày và bán tranh, có sống được bằng thu nhập từ tranh không? Phạm Văn Tư nói rằng : “Tôi chỉ thiết kế đồ họa, vẽ và xử lý thể hiện trên máy tính. Tôi thích công nghệ và sáng tác, thiết kế phục vụ in ấn, quà tặng, làm lịch tết ... Làm theo đơn đặt hàng của khách, thiết kế logo theo yêu cầu của nhiều lĩnh vực khác nhau...Tôi không vẽ trực tiếp bằng tay độc bản để bán tranh. Nếu tôi thích, tôi có thể làm triển lãm và trưng bày phòng tranh chọn lọc của mình”.
Họa sỹ Phạm Văn Tư sinh năm 1960, quê ở Hà Nam đã có hai cháu ngoại và đã lên chức ông nội. Nhiều năm làm việc tại trường Đại học Y khoa Hà Nội, trong phòng thiết kế đồ họa. Tôi thường xuyên gặp Phạm Văn Tư trên facebook. Điều tôi thích nhất ở anh là tranh kỹ thuật số về “Thế giới người đẹp”, nó thực sự cuốn hút tôi...