Thế giới lo lắng vì Triều Tiên phóng tên lửa thành công

Thế giới lo lắng vì Triều Tiên phóng tên lửa thành công
TP - CHDCND Triều Tiên phóng thành công tên lửa tầm xa hôm 12-12, bất chấp những lời cảnh báo của cộng đồng quốc tế. Nhiều nhà phân tích cho rằng, nước này muốn đạt được bước tiến lớn tiến tới phát triển tên lửa hạt nhân.

> Chi phí phóng tên lửa đủ nuôi cả nước trong 5 năm
> Triều Tiên tuyên bố phóng tên lửa thành công

Tên lửa Unha-3 được phóng vào lúc gần 10 giờ sáng (giờ địa phương), qua vùng phía nam của bán đảo Triều Tiên.

Các quan chức Nhật Bản nói rằng, tầng đầu của tên lửa rơi xuống Hoàng Hải, khu vực phía tây bán đảo Triều Tiên, còn tầng thứ hai rơi xuống biển Philippines, cách bờ biển phía nam hàng trăm dặm.

Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ sau đó tuyên bố Triều Tiên có vẻ đã đưa một vật thể lên quỹ đạo. Khoảng 2 giờ sau, truyền hình nhà nước Triều Tiên thông báo vụ phóng tên lửa mang vệ tinh quan sát Trái đất đã thành công, khiến dân chúng đổ ra đường phố thủ đô ăn mừng.

Truyền hình nhà nước Triều Tiên thông báo: “Việc phóng phiên bản hai của vệ tinh Kwangmyongsong-3 từ trung tâm vũ trụ Sohae hôm 12-12 đã thành công. Vệ tinh đã đi vào quỹ đạo theo đúng kế hoạch”.

Truyền hình nhà nước gọi đây là sự kiện quan trọng trong quá trình phát triển khoa học của đất nước và Triều Tiên sẽ tiếp tục chương trình chinh phục vũ trụ của mình.

Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên được coi là bước tiến bộ lớn về công nghệ tên lửa. Tên lửa đẩy lần này được cải tiến từ tên lửa Teapodong-2 mà Triều Tiên phóng hồi tháng 4-2009 với ba tầng nhiên liệu dài 30m có thể đạt tầm bắn 6.000km.

Các vụ thử tên lửa được coi là yếu tố quan trọng trong việc đạt được các tham vọng vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Triều Tiên được cho là đang nắm giữ một ít bom nguyên tử sơ đẳng, nhưng các chuyên gia cho rằng, nước này thiếu khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân tới mức gắn được vào tên lửa, nhằm đe dọa Mỹ.

Sự thành công của vụ phóng tên lửa hôm qua “cho phép Triều Tiên xác định loại phương tiện vận chuyển mà họ có thể sử dụng để phóng đầu đạn hạt nhân tiềm năng”, Đại tá không quân Mỹ đã nghỉ hưu Cedric Leighton và cũng là chuyên gia vũ khí, nhà phân tích tình báo, nhận định”.

Ông Chae Yeon-seok, chuyên gia tên lửa tại Viện Nghiên cứu Vũ trụ Hàn Quốc, nói: “Triều Tiên từ giờ sẽ tập trung phát triển tên lửa kích thước lớn hơn, tải trọng cao hơn. Mục đích cuối cùng sẽ gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa

Có thể bị trừng phạt thêm

Theo các nhà phân tích, vụ phóng tên lửa thành công giúp nâng tầm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - người lên cầm quyền sau khi cha ông qua đời cách đây một năm.

Tuy nhiên, sự việc này rất có thể sẽ khiến Triều Tiên phải chịu thêm nhiều biện pháp cấm vận và làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa nước này với quốc gia láng giềng và phương Tây.

Ấn Độ thử tên lửa đạn đạo

Ngày 12-12, Ấn Độ thử thành công tên lửa đạn đạo Agni-I tầm bắn 700 km có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Agni-I dài 15m, nặng 12 tấn, có thể mang đầu đạn 1 tấn. Sau khi Triều Tiên phóng tên lửa Unha-3 thành công, Bộ Ngoại giao Ấn Độ ra thông báo nói rằng, Ấn Độ bày tỏ lo ngại về vụ phóng tên lửa vi phạm Nghị quyết 1874 của Hội đồng Bảo an, ảnh hưởng hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản chỉ trích vụ phóng tên lửa sáng qua, vì họ coi đây là sự thử nghiệm cho công nghệ cần thiết để chế tạo tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể đe dọa Mỹ vào một ngày nào đó. Liên minh châu Âu đe dọa sẽ có lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên.

Ngay cả Trung Quốc, đồng minh thân cận của Triều Tiên, cũng bày tỏ “lấy làm tiếc” về việc Triều Tiên vẫn phóng tên lửa “bất chấp mối quan ngại lớn của cộng đồng quốc tế”, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết.

Nga cũng bày tỏ “hết sức lấy làm tiếc” về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, đồng thời cảnh báo điều này sẽ không giúp cải thiện ổn định trong khu vực.

Nhà Trắng gọi đây là “hành động cực kỳ khiêu khích, đe dọa an ninh khu vực”.

Trong những ngày tới, Mỹ sẽ làm việc với các đối tác tham gia đàm phán sáu bên, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các nước thành viên khác của Liên Hợp Quốc để có hành động phù hợp đối với Triều Tiên.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng lên án việc Triều Tiên phóng tên lửa, coi đây là sự vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, là hành động khiêu khích đối với hòa bình và ổn định.

Ông nói rằng, hành động của Triều Tiên đã thách đố sự hợp nhất cũng như lời kêu gọi mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.

Theo các chuyên gia, tên lửa đạn đạo và tên lửa phóng vệ tinh có nhiều điểm giống nhau về cấu tạo, động cơ và nhiều công nghệ khác. Đây là lần thứ năm Triều Tiên nỗ lực phóng tên lửa tầm xa kể từ lần đầu tiên vào năm 1998, khi nước này phóng một tên lửa bay qua Nhật Bản.

Những vụ phóng tên lửa ba khoang trước đều thất bại, dù rằng Bình Nhưỡng vẫn nói vụ phóng năm 1998 và 2009 đã thành công.

Vụ phóng tương tự hồi tháng 4 năm nay thất bại, vì vừa rời bệ phóng, tên lửa nổ rồi rơi xuống biển.

Các chuyên gia cho rằng, Triều Tiên phải mất vài năm nữa mới tiến tới giai đoạn phát triển thành công đầu đạn hạt nhân, dù nước này có thể đã đủ plutonium để chế tạo nửa tá bom hạt nhân.

Triều Tiên đang trong quá trình làm giàu uranium với nguyên liệu từ trữ lượng tự nhiên giàu có của mình. Theo nghị quyết của Liên Hợp Quốc, Triều Tiên không được phát triển công nghệ hạt nhân và các công nghệ liên quan tên lửa.

Theo nhiều nhà phân tích, một trong những cách Bình Nhưỡng có thể khiến thế giới chú ý là khẳng định khả năng quân sự.

Họ muốn Mỹ nối lại viện trợ và thừa nhận về mặt ngoại giao, dù rằng vụ phóng hồi tháng 4 phá hỏng thoả thuận viện trợ lương thực.

Gia Tùng
Theo KCNA, Yonhap, Xinhua, AP, Kyodo, PTI

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.