Đề cập đến những khó khăn trong vấn đề bồi thường, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết không chỉ lĩnh vực hành chính dân sự chưa có kinh nghiệm, ngay cả lĩnh vực hình sự, dù đã làm nhiều năm nay, đã có kinh nghiệm rồi nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn khi thực hiện.
“Tôi theo dõi mấy vụ án oan sai, thực sự mình bồi thường theo kiểu nào cũng bị lên án. Nếu bồi thường theo đúng quy định của luật, Bộ Tài chính hướng dẫn thì phải có chứng cứ, giấy tờ xác nhận chi tiêu việc nọ việc kia. Nếu kẻ theo quy định Bộ Tài chính thì tiền bồi thường không có bao nhiêu cả. Ví dụ vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, nếu kẻ ra theo đúng quy định Bộ Tài chính thì số tiền không đáng bao nhiêu. Dư luận lúc đó sẽ đặt ra câu hỏi: tại sao mười mấy năm lại chỉ có bấy nhiêu? Còn nếu vận dụng số tiền quá nhiều, cũng có luồng dư luận khác lên án, tại sao tiền Nhà nhà nước mất nhiều thế như ví dụ vụ ông Nguyễn Thanh Chấn”, ông Bình nêu.
Theo Chánh án, khi vận dụng luật có hướng dẫn bao nhiêu cũng không đủ, vì có những khoản không thể nào chứng cứ hóa được, ví dụ thiệt hại về danh dự, sức khỏe, tinh thần là vấn đề không có định lượng. Mà không có định lượng thì sẽ tùy theo sự vận dụng, người nói vận dụng nhiều, người ít, tạo ra sự tùy nghi. Nên các cơ quan thi hành đặt vào tình thế cực kỳ khó khăn.
“Chúng tôi đang phải giải quyết câu chuyện của ông Chấn, ông Nén, ông Thêm, các căn cứ rất khó khăn, làm theo kiểu nào, kể cả thương lượng không được, đưa nhau ra tòa, tòa cũng rất khó trong việc xác định căn cứ”, theo ông Bình, phải có nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn chuyện này.
Về vấn đề thu hồi tiền bồi thường, ông Bình đề nghị khi xử lý ở giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra phải xin lỗi và ông điều tra viên phải xử lý, phạt tiền; nếu ở giai đoạn truy tố, VKS phải xin lỗi và bồi thường, nhưng xử lý kỷ luật phải cả điều tra viên và KSV; Đến giai đoạn xét xử ông tòa phải xin lỗi, bồi thường nhưng xử lý kỷ luật là phải cả ba ông và cả ba phải bồi thường, không vô can.
Tiền đâu bồi thường?
Ông Bình cũng nêu ra thực trạng dư luận đặt ra câu chuyện, thậm chí cả trên diễn đàn Quốc hội cũng nêu ra, rằng tiền của dân đóng không phải để chi trả cho việc sai của các ông, đây là câu chuyện nhức nhối. Song thế giới người ta giải được bài toán này.
“Thế giới lập ra quỹ, nguồn tiền lấy từ tất cả các khoản tiền thu được do phạm tội mà có từ buôn lậu, hối lộ…vào quỹ này, lấy để trả, không phải tiền thuế của dân. Họ không lấy tiền thuế của dân làm việc này”, ông Bình nói, và ví dụ thêm với các vụ rửa tiền, buôn lậu, ma túy tịch thu sung công quỹ đây để làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm, giải quyết bồi thường.