THẾ GIỚI 24H: Ukraine tuyên bố sẵn sàng phản công, quyết ‘không mắc sai lầm’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đài BBC ngày 27/5 dẫn lời Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia và Quốc phòng Ukraine Oleksiy Danilov cho biết, các lực lượng của nước này đã sẵn sàng mở cuộc phản công lớn chống lại Nga.

Ông Oleksiy Danilov không nêu thời điểm cụ thể nhưng cho biết một cuộc tấn công nhằm giành lại các vùng lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát có thể bắt đầu "ngày mai, ngày mốt hoặc trong một tuần". Ông nhấn mạnh rằng Chính phủ Ukraine "không được phép mắc sai lầm" về quyết định này vì đây là "cơ hội lịch sử" mà "chúng tôi không thể đánh mất". Quan chức này cho biết thêm, các lực lượng vũ trang Ukraine sẽ tiến hành phản công khi các chỉ huy tính toán thời điểm thích hợp để có thể đạt được kết quả tốt nhất.


Hàng trăm người Đức buộc phải rời khỏi Nga trước tháng 6. Nga đã quyết định giới hạn số nhân viên trong các tổ chức của Đức tại Nga ở mức 350 người, qua đó buộc hàng trăm người Đức phải rời khỏi Nga trước tháng 6. Động thái này diễn ra sau quyết định của Chính phủ Nga buộc Berlin phải cắt giảm số nhân viên ngoại giao và sự hiện diện tại các tổ chức công như Viện Goethe và trường học Đức tại Moscow từ nay đến đầu tháng 6 tới, để đáp trả việc Berlin trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Danh sách công dân Đức sẽ phải rời khỏi Nga bao gồm nhân viên ngoại giao, giáo viên, nhân viên của Viện Goethe.


Ukraine muốn Đức cung cấp tên lửa có khả năng vươn tới Moscow. Ukraine đã yêu cầu Berlin cung cấp tên lửa tầm xa phóng từ trên không có khả năng vươn tới Moscow, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức xác nhận ngày 27/5. Báo Frankfurter Allgemeine Zeitung ngày 26/5 dẫn nguồn tin từ hai “người trong cuộc” giấu tên trong quân đội Đức cho hay, Ukraine đang rất muốn có tên lửa Taurus của Thụy Điển-Đức. Loại vũ khí này có thể trang bị trên máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất, hiện đang được một số nước phương Tây cân nhắc chuyển cho Kiev.


Tổng thống Serbia từ chức lãnh đạo đảng cầm quyền. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng Cấp tiến Serbia (SNS) cầm quyền. “Tôi đề nghị bầu Bộ trưởng Quốc phòng Milos Vucevic làm chủ tịch mới của đảng SNS”, RIA Novosti dẫn lời ông Vucic nói hôm 27/5. Ông Vucic cho biết, ông sẽ thành lập một tổ chức chính trị mới có tên gọi “Phong trào vì người dân và Nhà nước” vào cuối tháng 6. Mục đích của tổ chức này là củng cố sự thống nhất của đất nước và năng lực chính trị để vượt qua “2 hoặc 3 năm khủng hoảng tiếp theo, mà theo ông là sẽ mang tính quyết định đối với tương lai của Serbia”.


Serbia điều quân đội đến sát biên giới với Kosovo. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic hôm 26/5 đã ra lệnh đặt quân đội nước này trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất và huy động lực lượng đến gần biên giới với Kosovo. Theo Reuters, quyết định của Tổng thống Aleksandar Vucic được đưa ra sau khi người biểu tình đụng độ với cảnh sát tại thị trấn Zvecan ở phía Bắc Kosovo, nơi có phần lớn cư dân là người Serbia.


Pháp và Hà Lan ký thỏa thuận lịch sử về phân định biên giới. Pháp và Hà Lan đã ký kết thỏa thuận lịch sử phân định biên giới giữa hai nước trên đảo Saint Martin ở vùng Caribe. Thỏa thuận được ký ngày 26/5 giữa Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin và người đứng đầu cơ quan hành pháp vùng tự trị Sint Maarten (thuộc Hà Lan) Silveria E. Jacobs. Bộ Ngoại giao Pháp ra thông cáo xác nhận: "Thỏa thuận lịch sử này sẽ giúp tạo điều kiện cho tiến trình tái thiết hòn đảo, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão Irma năm 2017."


Nga nêu điều kiện cho tiến trình hòa bình với Ukraine. Việc Ukraine từ chối gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), trở lại trạng thái trung lập là một trong những điều kiện để đạt được hòa bình. Trên đây là khẳng định của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin TASS ngày 26/5. Thứ trưởng Galuzin nêu rõ Nga tin rằng chỉ có thể đạt được một giải pháp nếu Lực lượng Vũ trang Ukraine chấm dứt sự thù địch và phương Tây ngừng cung cấp vũ khí. Để đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài, Ukraine phải trở lại tình trạng trung lập không liên kết, được khẳng định trong Tuyên bố chủ quyền quốc gia năm 1990, và từ chối gia nhập hai cơ chế trên.


Đụng độ vũ trang giữa các lực lượng biên phòng Iran, Afghanistan. Hãng thông tấn Tasnim đưa tin đụng độ vũ trang đã nổ ra ngày 27/5 giữa các lực lượng biên phòng Iran và Afghanistan trên biên giới giữa hai nước. Theo hãng trên, giao tranh diễn ra ở khu vực biên giới giữa tỉnh Sistan và Baluchestan, Đông Nam Iran và tỉnh Nimruz miền Tây Nam Afghanistan. Hai bên đã sử dụng vũ khí hạng nhẹ và pháo binh. Hiện chưa có báo cáo về thương vong cũng như nguyên nhân dẫn đến cuộc giao tranh vốn đã kết thúc. Đại sứ quán Iran tại Kabul và Bộ Quốc phòng Afghanistan đã bắt đầu liên lạc để điều tra vụ việc.

MỚI - NÓNG