THẾ GIỚI 24H: Quân đội Pakistan xả súng vô cớ, 3 binh sỹ Ấn Độ thiệt mạng

Binh sỹ Ấn Độ tuần tra gần đường Ranh giới Kiểm soát (LoC) phân chia khu vực Kashmir với nước láng giềng Pakistan. (Ảnh: AP/TTXVN)
Binh sỹ Ấn Độ tuần tra gần đường Ranh giới Kiểm soát (LoC) phân chia khu vực Kashmir với nước láng giềng Pakistan. (Ảnh: AP/TTXVN)
TPO - Người phát ngôn quân đội Ấn Độ, Rajesh Kalia cho biết quân đội Pakistan đã nổ súng vô cớ tại khu vực Nowgam vào sáng 1/10, khiến hai binh sỹ Ấn Độ thiệt mạng và bốn binh sỹ khác bị thương.

Giới chức Ấn Độ ngày 1/10 cho biết ba binh sỹ của nước này đã thiệt mạng trong một cuộc đấu súng với quân đội Pakistan dọc đường Ranh giới Kiểm soát (LoC) phân chia khu vực Kashmir giữa hai nước. Người phát ngôn quân đội Ấn Độ, Rajesh Kalia cho biết quân đội Pakistan đã nổ súng vô cớ tại khu vực Nowgam vào sáng 1/10, khiến hai binh sỹ Ấn Độ thiệt mạng và bốn binh sỹ khác bị thương. Trong khi đó, vụ nổ súng của binh sỹ Pakistan vào đêm 30/9 tại khu vục Poonch đã làm một binh sỹ Ấn Độ thiệt mạng. Ông Kalia nói rằng quân đội Ấn Độ đã "đáp trả mạnh mẽ." Cho đến nay, phía Pakistan chưa đưa ra bất cứ bình luận nào.


Tối 30/9, một đối tượng tấn công liều chết đã lái xe tải chở thuốc nổ đâm vào một chốt kiểm soát ở tỉnh Helmand, miền Nam Afghanistan, khiến 11 người thiệt mạng. Người phát ngôn chính quyền địa phương Omar Zwak cho biết đối tượng đã lái xe tải đâm vào một chốt an ninh của lực lượng thân Chính phủ Afghanistan. Trong số các nạn nhân có 7 binh lính và 4 dân thường. Hiện chưa có tổ chức nào nhận gây ra vụ tấn công, song giới chức địa phương cho rằng Taliban, lực lượng thường xuyên hiện diện tại khu vực, là chủ mưu.

Truyền thông Ai Cập ngày 1/10 đưa tin hải quân nước này và Pháp đã tiến hành tập trận chung ở Địa Trung Hải. Cuộc tập trận sự tham gia của tàu chiến FREMM Tahya Misr của Ai Cập cùng tàu ngầm lớp 209/1400 mới và tàu chiến Latouche-Tréville của Pháp. Quân đội Ai Cập cho biết, cuộc tập trận hải quân nói trên nhằm mục đích nâng cao trình độ huấn luyện chiến đấu, tác chiến và trao đổi chuyên môn giữa lực lượng vũ trang Ai Cập và Pháp.


Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 289.000 ca bệnh COVID-19 và trên 5.200 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 34,4 triệu ca, trong đó trên 1,02 triệu ca tử vong. Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (81.693 ca), Mỹ (trên 42.000 ca) và Brazil (33.506 ca). Đây cũng là ba quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới trong 24 giờ qua: 1.096 ca ở Ấn Độ, 766 ca ở Mỹ và 718 ca ở Brazil. Nhiều nước châu Âu bắt đầu chứng kiến số ca mắc mới gia tăng nhanh đáng báo động, buộc chính phủ các nước phải siết chặt biện pháp phòng chống dịch.

Hãng thông tấn PAP của Ba Lan ngày 1/10 đưa tin cảnh sát nước này vừa bắt giữ đối tượng nam giới người Đức bị tình nghi là thành viên một nhóm khủng bố và tàng trữ 1,2kg chất nổ. PAP dẫn nguồn tin cơ quan an ninh cho biết, đối tượng Jurgen K bị bắt giữ tuần trước tại miền Bắc Ba Lan và phần tử này đã đăng tải nhiều quan điểm cá nhân mang tính cực đoan trên mạng xã hội.


Anh sẽ thắt chặt quy định về môn học mà sinh viên nước ngoài có thể học tại nhằm ngăn chặn hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của sinh viên Trung Quốc, theo Times.Theo Chương trình Phê duyệt Công nghệ Học thuật của Anh (ATAS), các ứng viên sau đại học từ nước ngoài được yêu cầu kiểm tra an ninh để nghiên cứu các môn học mà kiến thức có thể được sử dụng trong các chương trình vũ khí. Theo tờ Times, danh sách các môn học sẽ được mở rộng, bao gồm các lĩnh vực liên quan đến an ninh mạng và máy bay.

Ngày 1/10, Nga, Pháp và Mỹ đã yêu cầu các lực lượng của Azerbaijan và Armenia ngừng bắn ngay lập tức tại khu vực Nagorny-Karabakh, đồng thời kêu gọi trở lại đàm phán không trì hoãn. Trong một tuyên bố chung trên cương vị đồng Chủ tịch Nhóm Minsk của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Tổng thống ba nước trên "kêu gọi lập tức ngừng thù địch giữa các lực lượng quân sự liên quan." Tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi cũng kêu gọi các lãnh đạo Armenia và Azerbaijan cam kết ngay lập tức nối lại các cuộc đàm phán với thiện ý và vô điều kiện, dưới sự bảo trợ của các đồng Chủ tịch Nhóm Minsk."

Hãng hàng không Delta Airlines sẽ phải cho nghỉ phép 1.900 phi công trong tương lai nếu Quốc hội Mỹ không đạt được thỏa thuận kích thích kinh tế. Hai hãng hàng không American và United Airlines đang cắt giảm 32.000 việc làm sau khi Quốc hội Mỹ không đạt được thỏa thuận mới về kế hoạch viện trợ liên bang. Hiện tại, hãng hàng không Delta Airlines có thể trì hoãn cắt giảm việc làm, nhưng họ sẽ phải cho nghỉ phép 1.900 phi công trong tương lai nếu Quốc hội Mỹ không đạt được thỏa thuận kích thích kinh tế.
MỚI - NÓNG