THẾ GIỚI 24H: Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley. (Nguồn: THX/TTXVN)
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley. (Nguồn: THX/TTXVN)
TPO - Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley ngày 19/6 tuyên bố Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với lý do cơ quan này phân biệt đối xử đối với Israel. 

Tại cuộc họp báo với Ngoại trưởng Mike Pompeo ở Washington, bà Haley nói: "Chúng tôi đưa ra quyết định này vì cam kết của chúng tôi không cho phép mình tiếp tục là một phần của một tổ chức đạo đức giả và tự mãn, vốn giễu cợt nhân quyền." Trước đó cùng ngày, khi được hỏi về quyết định trên của Mỹ trước khi có công bố chính thức, người phát ngôn Liên hợp quốc ông Stephane nói: "Rõ ràng rằng Tổng thư ký rất tin tưởng vào kết cấu nhân quyền của Liên hợp quốc và sự tham gia tích cực của tất cả các thành viên vào kết cấu này." Tổ chức Giám sát Nhân quyền đã chỉ trích quyết định trên của Mỹ, cảnh báo rằng việc Washington vắng mặt tại cơ quan này sẽ đẩy trách nhiệm lên các chính phủ khác giải quyết những vấn đề nhân quyền nghiêm trọng nhất của thế giới.


Tổng thống Philippines Rodrogo Duterte muốn Trung Quốc rút khỏi các khu vực Manila tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, song nhấn mạnh sẽ không tuyên chiến với Bắc Kinh. Báo Philstar dẫn phát biểu ngày 18/6 của Tổng thống Duterte tại lễ kỷ niệm 120 năm ngày thành lập Bộ Ngoại giao (DFA) tổ chức ở thành phố Pasay nói rằng Trung Quốc "không phải là đối thủ dễ đánh bại". Luôn bị chỉ trích chưa làm hết sức mình để bảo vệ chủ quyền biển của Philippines ở Biển Đông, Tổng thống Duterte giải thích ông không sẵn sàng hy sinh tính mạng của binh sĩ và nhân viên thực thi pháp luật cho một cuộc chiến mà ông biết chắc mình không thể thắng.


Bắc Kinh nói sẽ trả đũa bằng các biện pháp “định tính và định lượng” nếu Washington tiếp tục giữ ý định đánh thêm thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Bộ Thương mại Trung Quốc nói những đe dọa  mới  của Tổng thống Mỹ Donald Trump, áp thuế đối với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc, là một hành vi “tống tiền”, đi ngược lại những thỏa thuận đạt được trước đây, theo SCMP. “Nếu phía Mỹ mất đi sự tỉnh táo mà ban hành danh sách (hàng hóa chịu thuế), Trung Quốc sẽ buộc phải có các biện pháp toàn diện, cả định lượng, cả định tính để trả đũa mạnh mẽ”, Bộ Thương mại Trung Quốc nói trong một tuyên cáo phát đi hôm qua.


Phần lớn doanh nghiệp Pháp không thể trụ lại Iran sau khi Mỹ đưa ra các đe dọa trừng phạt nếu tiếp tục làm ăn với Iran. Ngày 19/6, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire thừa nhận, phần lớn doanh nghiệp Pháp sẽ không thể trụ lại Iran trong bối cảnh Mỹ đe dọa sẽ trừng phạt các doanh nghiệp châu Âu tiếp tục trao đổi thương mại với quốc gia Hồi giáo. Ông Bruno Le Maire cho biết: “Chúng ta cần phải thú thật là phần lớn các doanh nghiệp không thể trụ lại Iran. Các doanh nghiệp này cần phải được thanh toán cho các sản phẩm phân phối cho Iran hoặc sản xuất tại Iran. Nhưng họ không thể được thanh toán do không có một thể chế tài chính độc lập và thuộc chủ quyền của châu Âu.”


Đội trưởng ĐT Mexico Rafael Marquez sẽ không thể làm gì ngoài ra sân thi đấu tại World Cup. Anh không thể trả lời phỏng vấn hay xuất hiện trước các ống kính máy quay. Marquez bị chính phủ Mỹ phong tỏa tài sản vì nghi ngờ có những dính líu tới tổ chức buôn ma túy. Bộ tài chính Mỹ xác nhận Marquez là một trong 21 công dân Mexico bị nghi ngờ có quan hệ làm ăn với trùm ma túy Raul Flores Fernandez. Chính phủ Mỹ đã đưa Marquez vào “danh sách đen”. Điều này kéo theo hệ lụy là Marquez gần như biến mất tại World Cup 2018. Một trong số những luật sư của Marquez, Jose Luis Nassar tiết lộ rằng mình “đang làm tất cả” để có thể cải thiện tình hình với chính phủ Mỹ. Song điều này vẫn cần thời gian, ít nhất là chưa thể kết thúc trong thời gian diễn ra World Cup.


Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhất trí đưa ra một loạt các chính sách quan trọng liên quan đến EU. Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Đức-Pháp tại lâu đài Meseberg ở phía Bắc thủ đô Berlin của Đức chiều 19/6, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, hai bên đã tìm được tiếng nói chung trong một loạt các vấn đề quan trọng của Liên minh châu Âu. Hai nhà lãnh đạo Pháp-Đức cũng cho biết, những chủ đề nóng sẽ chính thức được bàn thảo trong Thượng đỉnh Liên minh châu Âu diễn ra trong hai ngày 28 và 29/6 tới tại Brussels và lộ trình đặt ra là đến năm 2021, 19 nền kinh tế trong khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ chính thức có một ngân sách chung.


Thủ tướng Séc Andrej Babis cho biết, nhập cư bất hợp pháp đang trở thành vấn đề lớn nhất của Liên minh châu Âu. Để giải quyết vấn đề này, ông nhấn mạnh EU nhất thiết phải bảo vệ biên giới của khối, với trọng tâm là các nước phía Nam nơi người di cư cập bến, và sự ủng hộ của các nước còn lại đối với các nước tuyến đầu. Ông cũng kêu gọi Liên minh châu Âu nhanh chóng tìm giải pháp cho các cuộc xung đột ở khu vực giáp ranh, trong đó có Syria, nhằm ngăn người dân nơi đây rời bỏ nhà cửa ra đi tìm nơi lánh nạn tại châu Âu.


Ít nhất 128 hành khách đang mất tích sau thảm họa chìm phà tối thứ Hai 18-6 (giờ địa phương) ở hồ Toba (Indonesia). Hồ Toba là địa điểm du lịch nổi tiếng ở phía Bắc Sumatra và cũng là một trong những hồ nước sâu nhất thế giới. Nguyên nhân vụ chìm phà được cho là do quá tải và gặp thời tiết xấu. Chiếc phà bị nạn là phà gỗ với sức chứa 60 người. Đã có một người chết và 18 người khác vừa được giải cứu. Thứ Ba 19-6, hàng trăm nhân viên cứu hộ đã được huy động để tìm kiếm người bị nạn. Số người mất tích vẫn chưa xác định được.


Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18-6 đã ký sắc lệnh thành lập binh chủng mới mang tên Lực lượng quân sự không gian. Lực lượng này sẽ theo dõi vấn đề di chuyển trong không gian, bao gồm các cơ quan giám sát tàu vũ trụ và vệ tinh trong quỹ đạo cũng như theo dõi và giảm thiểu các mảnh vỡ không gian lao vào Trái đất. Người phát ngôn Lầu năm góc Dana White cho biết quân đội Mỹ sẽ làm việc với Quốc hội và các bên liên quan khác để triển khai sắc lệnh này. Giám đốc Điều hành NASA Jim Bridenstine cho hay cơ quan này ủng hộ mạnh mẽ sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump nhằm tạo ra một chính sách không gian bền vững và tập trung để “tăng cường sự lãnh đạo của Mỹ”.


Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng xác nhận lãnh đạo Kim thăm Trung Quốc từ ngày 19 - 20.6, nhấn mạnh chuyến thăm sẽ giúp thắt chặt quan hệ song phương, thúc đẩy liên lạc chiến lược cũng như tạo điều kiện cho hòa bình và ổn định khu vực. Theo giới phân tích, việc ông Kim thăm Trung Quốc 3 lần chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng cho thấy nhà lãnh đạo này muốn Mỹ biết Bắc Kinh vẫn đang là chỗ dựa chắc chắn của Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, Triều Tiên nhiều khả năng sẽ tham vấn Trung Quốc đối sách trước khi các cuộc đàm phán về giải giới hạt nhân diễn ra.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
TPO - Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 19/12 đến 22/12/2024 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Nhiều loại vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại, trong đó có những sản phẩm mới sản xuất gần đây sẽ được trưng bày.