THẾ GIỚI 24H: Mỹ công bố ‘Báo cáo Kremlin’

Ảnh: AFP
Ảnh: AFP
TPO - Ngày 30/1, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố “Báo cáo Kremlin” bao gồm 210 cá nhân, trong đó có 114 chính trị gia và 96 doanh nhân.

Đáng nói là báo cáo gồm tất cả thành viên Chính phủ Nga, đứng đầu là Thủ tướng Medvedev, chín Phó Thủ tướng, 22 Bộ trưởng và 96 doanh nhân bị đưa vào danh sách là những người có tài sản từ 1 tỷ USD trở lên. “Báo cáo Kremlin” còn có phụ lục mật, trong đó có thể bao gồm các cá nhân có tài sản trị giá ít hơn và các cá nhân không phải là quan chức cấp cao. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng việc Mỹ công bố "Báo cáo Kremlin" là một “hành động không thân thiện”, song nhấn mạnh rằng Moscow hiện không lên kế hoạch trả đũa.


Mỹ thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm người tị nạn từ 11 quốc gia có nguy cơ cao, song khẳng định những người nộp đơn xin tị nạn đến từ những nước này sẽ được đánh giá khắt khe hơn. Tuy nhiên, danh sách 11 quốc gia chưa được công bố. Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ nhấn mạnh, sự thay đổi nêu trên sẽ “gây khó” cho những đối tượng xấu lợi dụng chương trình người tị nạn của Mỹ. Sáng nay (theo giờ Hà Nội) Tổng thống Donald Trump đọc Thông điệp liên bang trước Quốc hội với chủ đề "Xây dựng một nước Mỹ an toàn, mạnh mẽ và tự hào". Người nhập cư dự kiến là vấn đề nổi bật trong Thông điệp liên bang.


Trong khi chưa có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc sẵn sàng đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) công bằng với ASEAN, Việt Nam và các nước khu vực nên triển khai ngay kế hoạch quản lý nghề cá và bảo tồn môi trường ở vùng biển tranh chấp để cứu vãn tài nguyên sắp cạn kiệt. Đó là ý kiến được ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, nghiên cứu sinh Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đưa ra trong cuộc thảo luận bàn tròn với một số phóng viên Việt Nam tại Hà Nội ngày 30/1. (XEM CHI TIẾT) 


Trung Quốc và Liên minh châu Phi (AU) ngày 29/1 phủ nhận thông tin Bắc Kinh cài máy nghe lén và ăn cắp dữ liệu từ máy tính của trụ sở AU trong 5 năm qua. Theo các nguồn tin, dữ liệu trong các máy tính trong trụ sở AU được sao chép rồi chuyển về các máy chủ đặt tại Thượng Hải (Trung Quốc) vào mỗi tối. Hoạt động này kéo dài từ tháng 1/2012 (thời điểm tòa nhà chính thức mở cửa hoạt động) đến tháng 1/2017.


Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tổng lực vào Nga cả về chính trị, kinh tế lẫn thể thao, biện pháp duy nhất nước này chưa động đến là quân sự vì Mỹ cũng không dám làm như vậy. Do đó Nga cần phải đáp trả mạnh mẽ và rất có thể Nga sẽ tấn công trước nếu Mỹ và phương Tây vượt qua “lằn ranh đỏ”, giới phân tích Phương Tây hôm 30/1 đưa ra cảnh báo. Từ chỗ là một đất nước phải vật lộn để thoát khỏi khủng hoảng hậu Chiến tranh lạnh, Nga giờ đây đã là một đối thủ cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc trên toàn cầu, là đối thủ và là mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với Mỹ.


Triều Tiên đã hủy bỏ chương trình biểu diễn văn hoá chung với Hàn Quốc, dự kiến tổ chức vào ngày 4/2, đồng thời cáo buộc truyền thông Hàn Quốc khuyến khích những quan điểm "xúc phạm" Triều Tiên. Theo chia sẻ của bộ Thống nhất Hàn Quốc, Triều Tiên cho biết không còn cách nào khác ngoài việc hủy bỏ chương trình biểu diễn, quyết định hủy bỏ chương trình biểu diễn chung là "rất đáng tiếc" và nhấn mạnh, Bình Nhưỡng nên giữ nguyên mọi thỏa thuận mà hai bên đã đạt được.


Chính phủ Anh Quốc vừa có động thái mạnh mẽ với cuộc chiến chống doping trong thể thao. Theo đó, quốc gia này sẽ tăng ngân sách thêm 50% ca xét nghiệm lên mỗi năm. Các bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh công bố sẽ chi khoảng 6,1 triệu bảng (tương đương 200 tỉ đồng) cho cuộc chiến chống doping trong  hai năm tới, tức gần 60% ngân sách chính phủ Anh dành riêng cho cuộc chiến chống doping. Bộ trưởng Thể thao Anh Tracy Crouch tuyên chiến: “Chúng ta phải làm tất cả để thể thao không còn doping, để người hâm mộ lẫn các VĐV tin rằng đó là một sân chơi bình đẳng. Khoản tài trợ bổ sung của chính phủ sẽ giúp chúng tôi đấu tranh trong cuộc chiến đối với những kẻ cố tình gian lận…”.


Trong phiên họp ngày thứ Ba, 30/1, Nghị viện vùng Catalonia đã quyết định hoãn vô thời hạn lễ bổ nhiệm người đứng đầu chính quyền hành pháp của vùng, vốn dự định được tiến hành trong ngày 30/1 và dành cho ông Carles Puigdemont. Nguyên nhân là do ông Carles Puigdemont vẫn không trực tiếp xuất hiện trước Nghị viện Catalonia, trong khi mọi kịch bản về việc bổ nhiệm và nhậm chức từ xa đã bị Toà Hiến pháp Tây Ban Nha bác bỏ và phán quyết là không có hiệu lực. Ngay sau khi quyết định này được đưa ra, các đảng phái theo xu hướng ly khai tại Catalonia đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Chủ tịch Nghị viện Catalonia rút lại quyết định.


Ngày 30/1, EU lên tiếng chỉ trích 3 hãng sản xuất ô tô của Đức gồm Volkswagen, BMW và Daimler tiến hành các cuộc thí nghiệm thử phản ứng hô hấp của khỉ và người khi tiếp xúc với khí thải từ ô tô. Phát biểu họp báo, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas cho biết cơ quan này "chấn động" trước thông tin trên, nhấn mạnh các cuộc thử nghiệm kiểu như vậy là "vô đạo đức và không thể chấp nhận được". Ông Schinas đồng thời hối thúc Đức sớm điều tra rõ vụ việc.


Phó Giám đốc FBI Andrew McCabe, nhân vật quyền lực thứ 2 của tổ chức này, đột ngột tuyên bố từ chức. Theo báo chí Mỹ, ông McCabe vốn không được ông Trump ưa vì vợ của ông có liên quan tới việc gây quỹ ủng hộ hơn 500.000 USD cho nghị sỹ Terry McAuliffe ở bang Virginia, một đồng minh thân cận của bà Hillary Clinton. Dù ông McCabe không liên quan các hoạt động của vợ, nhưng vẫn luôn bị ông Trump chỉ trích. (XEM CHI TIẾT)

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.