Các tay súng đi môtô tấn công nhóm dân thường đang trở về sau phiên chợ gia súc ở Niger khiến ít nhất 58 người chết. Nhiều kho thực thẩm giá trị lớn cũng bị đốt phá. Vụ tấn công chết chóc xảy ra ngày 15/3 khi các nạn nhân đang về nhà từ chợ gia súc ở Banibangou, gần khu vực biên giới nhiều biến động giáp với Mali, theo Guardian. Chưa có ai đứng ra tuyên bố trách nhiệm với vụ tấn công. Các phần tử cực đoan thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Đại Sahara đang hoạt động mạnh ở vùng Tillaberi - nơi có ngôi làng bị tấn công.
Ngày 16/3, Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas thông báo số người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ bị bắt giữ tại khu vực biên giới chung với Mexico có thể đạt mức cao kỷ lục trong vòng hai thập kỷ qua. Trong một tuyên bố, ông Alejandro Mayorkas thừa nhận Mỹ đang phải đối mặt với khó khăn khi số lượng người di cư tới khu vực biên giới Tây Nam nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong vòng 20 năm qua, tuy nhiên cho rằng những đợt tăng đột biến như vậy “không phải là mới” vì đã từng xảy ra vào năm 2019, 2014 và trước đó.
Lực lượng Houthi tại Yemen ngày 16/3 tuyên bố đóng cửa sân bay quốc tế Sanaa đối với các chuyến bay của Liên hợp quốc và tổ chức nhân đạo do thiếu nhiên liệu. Hãng tin Saba dẫn lời ông Raid Talib Jabal, một quan chức của Cơ quan Khí tượng và Hàng không dân dụng Yemen (CAMA) cho hay sân bay này sẽ không cung cấp dịch vụ cho máy bay của Liên hợp quốc và các tổ chức cứu trợ nhân đạo do thiếu hụt nhiên liệu cần thiết. Theo ông Jabal, tình trạng khủng hoảng nhiên liệu tại sân bay là vì liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu đã chặn nguồn cung dầu mỏ tới cảng al-Hudaydah trong 2 tháng qua.
Theo báo cáo do Stop Asian American Pacific Islander (AAPI), một tổ chức tổng hợp hàng đầu về các vụ việc chống lại người Mỹ gốc Á khi diễn ra đại dịch COVID-19, từ 19/3/2020 tới 28/2/2021, trung tâm đã nhận được báo cáo tổng cộng 3.795 vụ kỳ thị đối với người châu Á trên toàn nước Mỹ. Các hình thức kỳ thị bao gồm lăng nhục, né tránh, tấn công thân thể, quấy rối trực tuyến tới các vi phạm quyền công dân. Báo cáo cho thấy quấy rối bằng lời nói (68,1%), né tránh (20,5%) và hành hung thân thể (11,1%) chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số các vụ kỳ thị và phân biệt chủng tộc. Phụ nữ là nạn nhân của các vụ kỳ thị nhiều hơn gấp 2,3 lần so với nam giới, trong khi đó người Trung Quốc là nhóm dân tộc lớn nhất (42,2%) bị kỳ thị, tiếp theo là người Hàn Quốc (14,8%) và Việt Nam (8,5%).
Ngày 16/3, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ tổ chức cuộc họp báo chính thức đầu tiên vào ngày 25/3 sau khi có chỉ trích rằng ông đã không tổ chức sớm cuộc họp báo hỏi đáp kéo dài với phóng viên. Thông báo trên được phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki đưa ra tại Darby, thành phố Pennsylvani, nơi Tổng thống Biden đang thúc đẩy triển khai gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD. Nhà Trắng cho biết lý do khiến Tổng thống chưa thể tổ chức một cuộc họp báo chính thức là vì ông còn đang tập trung giải quyết đại dịch COVID-19.
Hội đồng Đạo đức Đan Mạch mới đây đã đề xuất cho trẻ 10 – 12 tuổi cơ hội thay đổi giới tính một cách hợp pháp. Theo Sputnik, các thành viên đảng Dân chủ Xã hội ở Đan Mạch đã có phản ứng tích cực với đề xuất này. Trong khi đó, đảng đối lập coi ý tưởng này là một “con dốc trơn trượt” và là “yếu tố của một hệ tư tưởng độc hại”. Theo đó, đề xuất thay đổi giới tính cho trẻ 10 -12 tuổi có thể giúp ngăn chặn những phiền muộn về giới, tình trạng mà nhiều người cảm thấy không thoải mái với giới tính khi sinh. Hơn nữa, giai đoạn đầu của quá trình xác định lại giới tính thường bắt đầu ở độ tuổi này.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 17/3 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 121.186.338 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.680.512 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 410.954 và 8.585 ca tử vong mới. Số bệnh nhân bình phục đã đạt 97.678.983 người, 20.826.843 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 88.603 ca nguy kịch. Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Brazil (68.727 ca), Mỹ (44.226 ca) và Ấn Độ (28.869 ca); Brazil cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2.024 ca), tiếp theo là Mỹ (900 ca) và Italy (502 ca) Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới.