THẾ GIỚI 24H: Mỹ cáo buộc Iran chi 16 tỷ USD gây bất ổn Trung Đông

Mỹ cáo buộc Tehran đã chi khoảng 16 tỷ USD để hỗ trợ cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. (Nguồn: SANA)
Mỹ cáo buộc Tehran đã chi khoảng 16 tỷ USD để hỗ trợ cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. (Nguồn: SANA)
TPO - Ngày 10/10,  Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã công bố một báo cáo “chưa từng thấy”, trong đó đề cập chi tiết các nguồn tài chính mà Iran bị cáo buộc đầu tư để gây bất ổn ở Trung Đông. 

Theo báo cáo trên, trong 6 năm qua, Tehran đã chi khoảng 16 tỷ USD để hỗ trợ cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng như tài trợ cho các lực lượng dân quân được Iran “chống lưng” trên khắp thế giới Arab. Ngoài ra, Iran bị cho là cũng hậu thuẫn các lực lượng dân quân ở Iraq và lực lượng Houthi ở Yemen. Theo bản báo cáo dài 48 trang này, các nhóm Hồi giáo vũ trang Hamas và thánh chiến Hồi giáo ở Dải Gaza cũng nhận được tới 100 triệu USD từ Tehran trong những năm gần đây.


Theo thống kê của tờ DW (Đức), trong 10 tháng đầu năm 2018, 73 nhà báo và nhân viên truyền thông đã bị sát hại. Điều đáng quan tâm là các vụ việc không chỉ xảy ra ở khu vực chiến tranh. Mối đe dọa với phóng viên điều tra gia tăng. Không ít người đã bị bắt giam trong năm qua.


Tổng thống Trump cho biết ông không muốn gặp người đồng cấp Triều Tiên cho đến khi bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 kết thúc. Hôm qua (10/10) Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết lịch trình chiến dịch vận động bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào ngày 6/11 tới đây không cho phép Mỹ và Triều Tiên thực hiện chương trình thượng đỉnh song phương lần thứ hai cho đến khi bầu cử kết thúc. “Tôi không thể rời bỏ công việc bây giờ được” - ông Trump nói với các phóng viên khi đang trên Air Force One để đến Council Bluffs, một điểm tổ chức vận động bầu cử thuộc bang Iowa.


Ngày 10/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hiện 3 hoặc 4 địa điểm đang được cân nhắc tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Theo ông Donald Trump, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên sắp tới “có thể” sẽ không diễn ra ở Singapore, nơi tổ chức hội nghị đầu tiên vào tháng 6 vừa qua và không loại trừ khả năng sẽ là tại Mỹ hoặc Triều Tiên. Hội nghị sẽ được tổ chức sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ (ngày 6/11 tới).


Sau 13 giờ tranh luận, Bộ trưởng Môi trường của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý mức cắt giảm khí thải áp dụng với các hãng sản xuất ô tô trong khu vực. Theo đó, các bộ trưởng nhất trí mục tiêu giảm 35% lượng khí thải CO2 đối với xe ô tô mới vào năm 2030 và 30% đối với loại xe tải van. Mục tiêu này cao hơn mục tiêu 30% do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất. Thỏa thuận cấp bộ trưởng này dự kiến sẽ được đưa ra đàm phán với Nghị viện châu Âu và EC vào ngày 11/10.


Truyền thông Phần Lan ngày 10/10 đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump có thể gặp lại nhau tại Phần Lan ở hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Bắc Cực. Phần Lan, nước hiện đang là Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực, hy vọng sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh của hội đồng này vào giữa năm 2019. Cả hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ đều được mời tham dự.


Lần đầu tiên một sĩ quan tình báo lớn của Trung Quốc bị bắt giữ và dẫn độ sang Mỹ để xét xử tội làm gián điệp, trong bối cảnh quan hệ hai nước đang liên tiếp leo thang căng thẳng.  Ngày 10/10  Bộ Tư pháp Mỹ đưa tin sĩ quan tình báo cấp cao của Trung Quốc Yanjun Xu đã bị bắt tại Bỉ ngày 1/4 và được dẫn độ tới Mỹ hôm 9/10 vừa qua để xét xử với các cáo buộc hoạt động gián điệp. Bản cáo trạng đã được đưa ra khi Yanjun Xu xuất hiện trước một tòa án liên bang tại thành phố Cincinnati (tiểu bang Ohio) ngày 10/10.


Nhà lãnh đạo tổ chức khủng bố IS Abu Bakr Al-Baghdadi đã kêu gọi xử tử hàng trăm thành viên do đã không trung thành với tổ chức. Theo nguồn tin, thủ lĩnh IS Baghdadi "đã ra lệnh giết chết 320 tín đồ của mình vì đã phản bội tổ chức và sự liều lĩnh của họ, gây thiệt hại nặng nề cho cả tổ chức ở Iraq và Syria". Đặc biệt, trong danh sách này có cả những chỉ huy cấp cao của Baghdadi.


Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Philippines, được cho là diễn ra trùng với thời điểm chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Philippines vào tháng 11/2018. Chính phủ Philippines đảm bảo rằng sẽ không có gì làm tổn hại đến chuyến thăm đầu tiên của ông Tập Cận Bình tới nước này, khi hai bên nhất trí sẽ “củng cố thêm” mối quan hệ song phương, ông Roque nói. Trong khi đó, giới chức quân đội Philippines nói rằng họ không biết bất kỳ cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ với các lực lượng Philippines vào tháng tới.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG