THẾ GIỚI 24H: Ít nhất 6 bệnh nhân COVID-19 tử vong tại Jordan vì thiếu oxy

0:00 / 0:00
0:00
Người thân của bệnh nhân tụ tập ở bên ngoài bệnh viện sau khi sự việc xảy ra. Ảnh: AP.
Người thân của bệnh nhân tụ tập ở bên ngoài bệnh viện sau khi sự việc xảy ra. Ảnh: AP.
TPO - Bộ trưởng Y tế Jordan phải từ chức sau khi 6 trường hợp mắc COVID-19 tử vong do bị hết oxy tại bệnh viện. 
Theo Reuters, các nguồn tin y tế cho biết sự việc xảy ra vào sáng sớm 13/3 tại bệnh viện công tại thị trấn Salt, phía tây thủ đô Amman (Jordan). Ít nhất 6 bệnh nhân COVID-19 đã tử vong do thiếu oxy trong phòng chăm sóc đặc biệt, đơn vị phụ sản và khoa Phòng chống virus SARS-CoV-2 tại bệnh viện này. Hiện nhà chức trách vẫn chưa đưa ra nguyên nhân gây ra tình trạng này. Ngay sau khi sự việc xảy ra, ông Nathir Obeidatp, Bộ trưởng Y tế Jordan, đã đến bệnh viện để tìm hiểu và giải quyết sự việc. Thủ tướng Jordan Bisher al-Khasawneh yêu cầu điều tra vụ việc và buộc ông Obeidat từ chức, theo AP. Báo Al-Rai, cơ quan ngôn luận của chính phủ Jordan, xác nhận Bộ trưởng Bộ Y tế đã từ chức. Khoảng 150 thân nhân của bệnh nhân tập trung bên ngoài bệnh viện. Tuy nhiên, một lực lượng lớn cảnh sát và nhân viên an ninh bao vây bệnh viện, không cho các thân nhân vào.

Người biểu tình đã tụ tập ở khu vực gần tòa nhà quốc hội và xuống đường để phản đối việc đồng lira của Lebanon tiếp tục mất giá, phản đối các chính sách tài chính và tiền tệ khiến đất nước rơi vào tình trạng lạm phát lớn cũng như tình trạng bế tắc chính trị. Những người biểu tình đã chặn một số con đường ở phía Bắc đất nước. Người biểu tình còn kêu gọi bầu cử quốc hội sớm và đề nghị quân đội thành lập một chính phủ chuyển tiếp. Đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh đã xảy ra khi nhiều người biểu tình quá khích tấn công lực lượng an ninh. Lực lượng an ninh đã bắn đạn hơi cay để giải tán những người biểu tình ở thủ đô Beirut.

Chính phủ Sri Lanka ngày 13/3 đã ký thông qua các biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ cực đoan hóa tại nước ngày. Theo đó, việc mang khăn choàng burqa của người Hồi giáo bị cấm ở Sri Lanka. Quan chức chính phủ Sri Lanka còn nói, khăn choàng burqa là mối đe dọa tới an ninh quốc gia. Bộ trưởng An ninh Sri Lanka cho biết hiện đang có khoảng hơn 2.000 trường Hồi giáo đang hoạt động ở nước này. Ông khẳng định sẽ không ai có thể mở trường học ở Sri Lanka và muốn dạy bất cứ thứ gì mà họ muốn. Tất cả các trường học phải tuân theo chính sách giáo dục chung của quốc gia. Vì thế, theo Bộ trưởng Sarath Weerasekara, hơn một 1.000 trường Hồi giáo tại Sri Lanka sẽ phải đóng cửa.

Ngày 13/3, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã ra chỉ thị yêu cầu điều tra nguyên nhân vụ rơi máy bay An-26 tại sân bay ở thành phố Almaty, làm 4 người thiệt mạng. Trước đó, máy bay hai động cơ An-26 đã gặp nạn khi hạ cánh xuống sân bay Almaty. Theo báo cáo, 4 thành viên trong phi hành đoàn đã thiệt mạng, trong khi 2 người khác bị thương. Cùng ngày, thông báo của Bộ Tình trạng khẩn cấp của Kazakhstan cho biết máy bay đã biến mất khỏi radar khi đang trên đường bay từ thủ đô Nur-Sultan tới Almaty. Trong khi đó, văn phòng báo chí của sân bay Almaty cho biết máy bay gặp nạn và bốc cháy khi đang hạ cánh xuống đường băng.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 13/3 đã lên án tình trạng gia tăng “đáng báo động” những vụ tấn công ở Afghanistan nhằm vào dân thường. Tuyên bố được đưa ra sau khi xảy ra vụ đánh bom xe khiến ít nhất 8 người thiệt mạng, trên 50 người bị thương và phá hủy 14 ngôi nhà ở tỉnh Herat, phía Tây Afghanistan. Vụ tấn công xảy ra vào khoảng 22h00 ngày 12/3 theo giờ địa phương (khoảng 00h30 ngày 13/3 theo giờ Hà Nội). Tỉnh trưởng tỉnh Herat Sayed Abdul Wahid Qatali cho biết trong số những người thiệt mạng có cả phụ nữ và trẻ em. Các nạn nhân bị thương bao gồm dân thường và các nhân viên an ninh.

Cảnh sát Nga đã bắt giữ khoảng 150 người tại một cuộc họp của các chính trị gia độc lập và đối lập ở Moscow hôm thứ Bảy (13/3). Theo Reuters, vụ bắt giữ các nhà hoạt động đối lập của giới chức Moscow với cáo buộc những người này có liên hệ với một “tổ chức không được mong đợi”. Một tổ chức theo dõi nhân quyền cho biết, vụ bắt giữ diễn ra trong bối cảnh các cuộc trấn áp người biểu tình chống lại Điện Kremlin vẫn tiếp tục, sau khi vụ bắt giữ và bỏ tù chính trị gia đối lập Alexei Navalny, người đã trở về Nga từ nước ngoài vào tháng Giêng sau vụ đầu độc bằng chất độc thần kinh ở Siberia.

Mới đây, lực lượng cảnh sát quốc gia Philippines (PNP) chính thức tuyên bố chiến dịch hạn chế các hành vi thân mật chốn công cộng, theo VICE. Cụ thể, người dân có hành vi thể hiện tình cảm như ôm hôn, nắm tay... trên đường phố và nơi công cộng sẽ bị cảnh sát nhắc nhở. Chiến dịch này được lực lượng PNP đề ra nhằm ngăn chặn sự lây lan Covid-19 khi chính phủ Philippines bắt đầu dỡ bỏ phong tỏa, cho phép người dân đi du lịch, xem phim và tham gia các sự kiện quy mô nhỏ.

Bộ trưởng Chính phủ Bolivia Carlos Eduardo del Castillo cho biết cựu Tổng thống lâm thời nước này Jeanine Anez đã bị bắt vào sáng 13/3 do liên quan tới cuộc khủng hoảng chính trị năm 2019 mà sau đó bà đã thay thế người tiền nhiệm Evo Morales. Báo chí đưa tin các cựu bộ trưởng trong chính phủ dưới sự lãnh đạo của bà Anez cũng đã bị bắt giữ. Truyền hình Bolivia đã phát sóng hình ảnh cựu Bộ trưởng Năng lượng Rodrigo Guzman và cựu Bộ trưởng Tư pháp Alvaro Coimbra đã bị bắt giam. Trước đó, bà Anez đã phải đối mặt với một lệnh bắt giữ với cáo buộc khủng bố, xúi giục nổi loạn và âm mưu gây ra cuộc khủng hoảng chính trị sau khi bà thay thế ông Morales vào tháng 11/2019.

MỚI - NÓNG
Nữ thủ khoa tốt nghiệp sớm loại xuất sắc
Nữ thủ khoa tốt nghiệp sớm loại xuất sắc
TPO - Cùng với điểm GPA 3.79/4.00, xếp loại tốt nghiệp Xuất sắc và nhiều thành tích nổi bật, Lê Thị Bích Đào, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại đã trở thành tân thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn. Nữ thủ khoa còn gây ấn tượng khi hoàn thành chương trình học chỉ trong 3,5 năm, tốt nghiệp sớm hơn so với các bạn sinh viên cùng khóa.