Lãnh đạo Phong trào Hồi giáo Hamas, ông Ismail Haniyeh. Ảnh: Getty Images/TTXVN |
Theo hãng tin Reuters, cuộc họp được tiến hành tại thủ đô Tehran của Iran vào ngày 1/8, có sự tham dự của các quan chức cấp cao Iran và đại diện các nhóm vũ trang đến từ Liban, Iraq và Yemen. Nội dung họp bàn là thống nhất biện pháp đáp trả vụ ám sát do Israel tiến hành vào thủ đô Tehran. Các nhóm vũ trang này đều đã tuyên bố sẽ sát cánh và hỗ trợ Iran chống lại Israel trong kịch bản đối đầu quân sự nổ ra.
Iran đóng cửa không phận. Iran đã ban hành thông báo đóng cửa không phận trên lãnh thổ của mình. Lệnh hạn chế áp dụng cho bán kính 2 km phía trên Tehran, nơi Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei cũng sẽ chủ trì lễ tang cho ông Ismail Haniyeh - thủ lĩnh của Hamas
Israel chuẩn bị cho mọi kịch bản xung đột ngoài Dải Gaza. Ngày 1/8, Thủ tướng Benjamin Netanyahu khẳng định Israel đã chuẩn bị cho mọi kịch bản để đáp trả mạnh mẽ bất kỳ cuộc tấn công nhằm vào nước này. Trong thông báo của Văn phòng Thủ tướng Israel, nước này cũng đang trong tình trạng cảnh giác cao trong bối cảnh Iran và các lực lượng đồng minh ở Liban, Iraq và Yemen có thể sẽ đáp trả sau vụ thủ lĩnh chính trị của phong trào Hồi giáo Hamas, ông Ismail Haniyeh, thiệt mạng trong vụ oanh kích vừa qua tại Iran.
Nga, Belarus và 5 nước phương Tây thực hiện cuộc trao đổi tù nhân lịch sử. Theo nhiều nguồn tin chính thức khác nhau, ngày 1/8 (giờ Moscow và Washington) Nga và Belarus đã tiến hành trao đổi với Mỹ cùng 4 nước đồng minh phương Tây tổng cộng 24 tù nhân, trong cuộc trao đổi tù nhân được các bên mô tả là lớn nhất sau Chiến tranh Lạnh, qua quốc gia trung gian Thổ Nhĩ Kỳ. Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn nguồn tin từ cơ quan tình báo của quốc gia Á - Âu này cho biết số tù nhân được trao đổi nói trên, cùng 2 trẻ em đi kèm, được chuyển đến từ 7 quốc gia khác nhau.
Brazil, Mexico và Colombia kêu gọi Venezuela công bố toàn bộ số phiếu bầu. Các tổng thống Brazil, Mexico và Colombia hôm 1/8 đã cùng nhau kêu gọi Venezuela công bố số phiếu bầu chi tiết, trong bối cảnh tranh chấp về kết quả bầu cử tổng thống vẫn đang tiếp diễn. Các nước cho biết kết quả cần được xác minh một cách công bằng, mọi tác nhân chính trị cần tránh leo thang bạo lực và các tranh cãi bầu cử cần được giải quyết thông qua các thể chế. Trong khi đó cùng ngày, Tòa án tối cao Venezuela đã chấp nhận yêu cầu của Tổng thống Nicolas Maduro về việc tất cả các ứng cử viên tổng thống phải công bố số phiếu bầu của họ.
Liên minh châu Âu phớt lờ Hungary và Slovakia về lệnh trừng phạt dầu của Ukraine. Ngày 1/8, Ủy ban châu Âu đã từ chối mở các cuộc đàm phán chính thức với Kiev sau khi các nước láng giềng Trung Âu Hungary và Slovakia cáo buộc Kiev đã vi phạm thỏa thuận thương mại năm 2014. Giới chuyên gia cũng cho rằng trong bối cảnh hiện tại, Hungary và Slovakia vẫn có thể đưa ra các phương án thay thế khác để tăng nguồn cung, bao gồm tăng nhập khẩu dầu từ Croatia thông qua đường ống dẫn dầu Adria.
Anh bắt giữ hơn 100 người biểu tình. Làn sóng biểu tình phản đối vụ đâm dao ở thị trấn Southport, Tây Bắc vùng England khiến 3 bé gái thiệt mạng, đã lan ra nhiều khu vực khác trên khắp nước Anh vào tối 31/7 theo giờ địa phương. Đã có hơn 100 người bị bắt ngay trong đêm và dự kiến con số này có thể còn tăng.
Moldova trục xuất nhân viên ngoại giao Nga, Moscow nói sẽ đáp trả. Ngày 1/8, Bộ Ngoại giao Moldova ra tuyên bố cho biết, trợ lý tùy viên quân sự của đại sứ quán Nga là nhân vật không được hoan nghênh với cáo buộc người này dính líu tới những hoạt động “không phù hợp với thân phận ngoại giao”. Bộ Ngoại giao Moldova cho biết đã triệu Đại sứ Nga tại Chisinau Oleg Vasnetsov đến để trao công hàm phản đối chính thức về vụ việc trên, đồng thời yêu cầu nhân viên trên rời khỏi quốc gia Đông Âu trong một thời gian cụ thể. Sau buổi triệu tập, Đại sứ Vasnetsov đã cáo buộc Moldova có bước đi "không thân thiện" nhằm phá hoại quan hệ với Nga, đồng thời nhấn mạnh: "Trong mọi trường hợp, điều này không góp phần vào tinh thần hiểu biết và hợp tác bình thường giữa hai bên, điều mà chúng tôi luôn thúc giục giới lãnh đạo Moldova theo đuổi".
Nhật Bản bán tên lửa Patriot cho Mỹ. Theo tờ Nikkei Asia ngày 1/8, Nhật Bản sẽ bán một số lượng không được tiết lộ tên lửa Patriot do nước này sản xuất cho Mỹ với giá 3 tỷ yên (tương đương gần 20 triệu USD). Thỏa thuận này nhằm giúp Mỹ bổ sung kho dự trữ tên lửa Patriot đang cạn kiệt, đặc biệt là sau khi tăng cường phòng không cho Ukraine.