THẾ GIỚI 24H: Dùng dao cắt lựu đạn, nhiều trẻ em Uganda thương vong

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Cảnh sát Uganda ngày 18/2 cho biết, đã có 4 trẻ em thiệt mạng và 5 trẻ khác bị thương khi nghịch và kích nổ quả lựu đạn mà các em tìm thấy trong một bụi cây.
Hãng tin CGTN dẫn thông cáo cảnh sát địa phương cho biết, một đứa trẻ đã lấy dao rựa để cố cắt trái lựu đạn và làm nó phát nổ. Theo cảnh sát, sự việc xảy ra vào ngày 16/2 ở huyện Adjumani thuộc khu vực West Nile, trong đó 3 trẻ tử vong ngay tại hiện trường, trong khi 3 trẻ khác tử vong khi đang trên đường tới bệnh viện. 5 trẻ bị thương nặng còn lại đang được điều trị tại bệnh viện địa phương. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, quả lựu đạn trên có thể là một trong những vũ khí còn sót lại được các binh sĩ thuộc lực lượng phiến quân Konyi giấu ở khu vực này trong khoảng những năm 1980-1990.

Các quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia đã kêu gọi nền dân chủ ở Myanmar phải được “khẩn cấp” khôi phục. Đại diện từ 4 nước dân chủ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã thảo luận về “nhu cầu cấp bách cần khôi phục chính phủ dân cử tại Myanmar và ưu tiên thúc đẩy dân chủ trên diện rộng”, Channel NewsAsia dẫn thông báo từ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price.

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 369.000 ca bệnh COVID-19 và trên 10.300 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 110,7 triệu ca, trong đó trên 2,45 triệu ca tử vong. Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 58.000 ca), Brazil (51.350 ca) và Pháp (22.501 ca). Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (2.180 ca), Brazil (1.279 ca) và Mexico (1.075 ca).

Khoảng một nửa dân số Nam Phi được cho là có thể đã mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và số người tử vong vì căn bệnh này trên thực tế nhiều hơn hàng chục nghìn người so với con số được công bố chính thức. Đây là kết luận từ các nghiên cứu và đánh giá của các nhà thống kê được công bố ngày 18/2. Theo Hội đồng nghiên cứu y khoa Nam Phi, là nước châu Phi chịu tác động nặng nề nhất của COVID-19, từ tháng 5/2020 đến nay Nam Phi đã ghi nhận số ca tử vong cao hơn 140.000 người so với bình thường. 


Anh hôm 18/2 thông báo áp đặt trừng phạt với ba tướng lĩnh Myanmar với cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng sau cuộc đảo chính quân sự ở quốc gia này. Theo đó, Anh sẽ lập tức phong tỏa tài sản và cấm đi lại với ba quan chức quân đội Myanmar, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mya Tun Oo, Bộ trưởng Nội vụ Soe Htut và Thứ trưởng Nội vụ Than Hlaing. London cũng đang xúc tiến việc ngăn chặn viện trợ gián tiếp của nước này hỗ trợ chính phủ Myanmar do quân đội lãnh đạo.

Nhóm mang tên Myanmar Hackers ngày 18/2 đánh sập các trang web của Ngân hàng Trung ương, trang tuyên truyền của quân đội, đài truyền hình nhà nước MRTV, Cơ quan Cảng vụ cùng Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm. "Chúng tôi đang đấu tranh cho công lý ở Myanmar", nhóm tin tặc cho biết trên trang Facebook của mình. "Đây giống như sự phản đối của dân chúng trên các trang web của chính phủ".


Ngày 18/2, Israel cho biết đang hợp tác với Mỹ để phát triển tổ hợp phòng thủ tên lửa đạn đạo mới mang tên Arrow-4, lớp lá chắn tiếp theo trong hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng của Israel. Trong tuyên bố của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz cho biết việc hợp tác với các đối tác Mỹ trong việc phát triển Arrow-4 sẽ mang lại "bước nhảy vọt" về công nghệ, đảm bảo Israel có sự chuẩn bị tốt cho những cuộc chiến trong tương lai cũng như mối đe dọa tại Trung Đông và hơn thế nữa.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã chỉ trích một số chính trị gia phương Tây hoài nghị tính công bằng của cuộc điều tra truy tìm nguồn gốc virus SARS-CoV-2 do một phái đoàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Trung Quốc thực hiện, đồng thời cho rằng sự công bằng không có nghĩa là "theo lệnh của phương Tây." Bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh, không thiên vị không có nghĩa là giả định phạm tội nhằm vào Trung Quốc. Trung Quốc hy vọng các quốc gia liên quan cũng có thể tham gia công tác truy tìm nguồn gốc virus này trên toàn cầu một cách tích cực, trên cơ sở khoa học và hợp tác, đồng thời chia sẻ kết quả nghiên cứu của họ.

Thượng nghị sĩ Philippines Risa Hontiveros yêu cầu Trung Quốc bồi thường 16,550 tỉ USD cho những thiệt hại đối với nguồn sinh vật biển và tài nguyên thiên nhiên tại Biển Đông. Dẫn số liệu do tạp chí quốc tế Ecosystem Services công bố hồi năm 2020, bà Hontiveros cho biết các hoạt động đánh bắt, bồi đắp của Trung Quốc ở Biển Đông trong bảy năm qua đã hủy hoại hệ san hô tại đây, với thiệt hại lên đến 4,77 tỉ USD. Bà Hontiveros cũng dẫn thông tin từ nhà điều tra Jarius Bondoc cho biết 13,30 tỉ USD là tổng mức thiệt hại đối với ngành đánh bắt hải sản của Philippines tính từ năm 2014.
MỚI - NÓNG