Phát biểu trên trang mạng xã hội Facebook, Thủ tướng Pashinyan cho biết ông không có bất kỳ triệu chứng nào. Ông quyết định xét nghiệm virus SARS-CoV-2 khi có kế hoạch đến thăm tuyến đầu chống dịch trong nước. Theo Thủ tướng Pashinyan, toàn bộ các thành viên trong gia đình của ông cũng đã nhiễm bệnh. Armenia - có dân số 3 triệu người, đã ghi nhận 9.402 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 139 trường hợp tử vong.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 2/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 6.355.425 ca, trong đó có 376.807 người thiệt mạng. Các nước cũng ghi nhận 2.886.826 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 53.378 và 3.083.960 ca đang điều trị tích cực.
Thượng tướng Sergei Rudskoy thuộc Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên bang Nga, ngày 1/6 cảnh báo các hệ thống phòng không nước này sẵn sàng bắn hạ máy bay ném bom B-1B của Không quân Mỹ bay gần biên giới Nga. Thượng tướng Rudskoy lưu ý rằng Nga vẫn theo dõi chặt chẽ tất cả các chuyến bay của máy bay ném bom chiến lược Mỹ. Theo ông, trong ngày 29/5, các đơn vị phòng không đã sẵn sàng hành động khi máy bay Mỹ tiếp cận.
Phủ Tổng thống Hàn Quốc thông báo trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump ngày 1/6, Tổng thống Moon Jae-in cho biết ông sẵn sàng nhận lời mời tham gia hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7). Trước đó, Tổng thống Donald Trump thông báo lùi thời điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 9 hoặc muộn hơn, đồng thời mở rộng danh sách khách mời thêm 4 quốc gia gồm Australia, Nga, Hàn Quốc và Ấn Độ. Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga vẫn chưa nhận được thông tin chi tiết về ý tưởng mời tham gia G7 do Tổng thống Trump đưa ra.
Ngày 1/6, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz đã thảo luận với Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman về việc sáp nhập các vùng đất ở Bờ Tây. Ông Gantz nói rằng, kế hoạch hòa bình của Tổng thống Mỹ Donald Trump là một cơ hội để thiết lập và thúc đẩy biên giới vĩnh viễn cho nhà nước Israel. Các quan chức Israel cũng trao đổi với các quan chức Mỹ để thúc đẩy kế hoạch hòa bình.
Ngày 1/6, trong cuộc họp với lãnh đạo Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga và thành viên nhóm công tác chuẩn bị các đề xuất sửa đổi Hiến pháp, Tổng thống Putin đã phê duyệt ngày 1/7 là ngày tiến hành trưng cầu ý dân toàn Nga để thông qua các sửa đổi Hiến pháp. Phát biểu tại cuộc họp này, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, ngày 1/7 được coi như một ngày hoàn toàn phù hợp để tiến hành bỏ phiếu toàn Nga về các sửa đổi Hiến pháp. Theo ông Putin, người dân Nga sẽ có 30 xem xét các sửa đổi được đề xuất và đưa ra quyết định của mình.
Tổng thống Trump đe dọa điều quân đội nếu các thống đốc không hành động. Ông khuyến khích các thống đốc điều Vệ binh Quốc gia - điều mà nhiều bang đã làm. Thông điệp được đưa ra trong phát biểu ở Vườn Hồng của Nhà Trắng tối 1/6 của tổng thống. ‘Tôi đã mạnh mẽ đề nghị thống đốc mọi tiểu bang điều đủ lực lượng Vệ binh Quốc gia để áp đảo các con phố. Các thị trưởng và thống đốc phải cho lực lượng chấp pháp hiện diện một cách áp đảo cho đến khi bạo lực được kiểm soát”, ông Trump nói.
Đã có hơn 40 thành phố tại Mỹ áp đặt giới nghiêm ban đêm nhằm ngăn chặn bạo lực, phá hoại và cướp bóc tài sản do một số đối tượng quá khích gây ra. Chính quyền thủ đô Washington còn điều động lực lượng Vệ binh Quốc gia hỗ trợ Sở Cảnh sát Thủ đô. Lệnh giới nghiêm được áp đặt sau khi những người biểu tình đã đẩy đổ rào chắn trước Nhà Trắng, có nhiều hành động bạo lực và đụng độ với cảnh sát. Biểu tình nhằm phản đối cái chết của George Floyd và nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ đã lan đến Anh, Đức, Canada. Cảnh sát Anh đã thực hiện 5 vụ bắt giữ bên ngoài Đại sứ quán Mỹ, trong đó có 3 trường hợp vi phạm các quy định phong tỏa trong giai đoạn dịch bệnh và 2 trường hợp tấn công cảnh sát.
Ngày 1/6, cuộc biểu tình phản đối cái chết của người đàn ông da màu George Floyd đã diễn ra ở thành phố Zurich, thành phố lớn nhất ở Thụy Sĩ, bất chấp quy định cấm các hoạt động tụ tập đông người trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Sau làn sóng phản đối dữ dội ở cả Bắc Mỹ, châu Âu, New Zealand và Iran, cuộc biểu tình ở Zurich ước tính đã thu hút sự tham gia của hàng nghìn người.