THẾ GIỚI 24H: Binh sĩ Congo say rượu nổ súng bắn chết 12 người qua đường

TPO - Các nguồn tin sở tại ngày 31/7 cho biết một binh sĩ của CHDC Congo trong tình trạng say rượu đã nổ súng bắn vào những người qua đường, làm ít nhất 12 người thiệt mạng, trong đó có một bé gái 2 tuổi.
Vụ việc xảy ra tại thị trấn Sange thuộc vùng lãnh thổ Uvira ở tỉnh Nam Kivu, miền Đông Congo, nơi bùng phát những cuộc biểu tình chống quân đội nước này. Theo công tố viên ở vùng Uvira, binh sĩ gây ra vụ nổ súng trên là thành viên của Các lực lượng vũ trang Congo (FARDC). Người này đã nổ súng bắn vào ít nhất 20 dân thường khi họ đi qua con đường nơi anh ta đang tuần tra. Nhà chức trách đã bắt giữ người lính trên và đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ nổ súng.

Văn phòng báo chí Bộ Quốc phòng Nga mới đây cho biết khu trục hạm Đô đốc Essen thuộc Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga đã bắn hạ một tên lửa Progress bằng hệ thống tên lửa phòng không Shtil. Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết địa điểm diễn ra vụ đánh chặn đã bị đóng cửa trong thời gian diễn ra để đảm bảo an toàn. Các máy bay không người lái (UAV) đã ghi lại đường bay của tên lửa Progress cũng như thời điểm bắn hạ.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 1/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu là 17.724.949 ca, trong đó có 681.847 người thiệt mạng. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 261.452 trường hợp mắc COVID-19 và 5.884 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 17,7 triệu người. Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 214 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 11.141.345 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 65.479 ca và 5.901.757 ca đang điều trị tích cực.

Bộ trưởng Y tế Philippines ngày 31/7 xác nhận nước này có thêm 4.063 ca nhiễm virus corona, ngày thứ 2 liên tiếp có số ca bệnh Covid-19 tính trong ngày cao nhất Đông Nam Á. Thông báo của Bộ Y tế Philippines cập nhật số ca tử vong vì Covid-19 tại nước này lên 2.023, tăng 40 người so với ngày 30/7. Tổng số ca nhiễm tại nước này đã lên đến 93.354 trường hợp.

Ngày 31/7, Tập đoàn dược phẩm BioNTech của Đức thông báo Nhật Bản đã ký thỏa thuận với tập đoàn này để đặt mua 120 triệu liều vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do tập đoàn này và hãng dược phẩm hàng đầu của Mỹ là Pfizer phối hợp phát triển. Theo thỏa thuận giữa Tokyo và hai hãng trên, lô vắcxin đầu tiên sẽ được bàn giao cho Nhật Bản vào nửa đầu năm 2021. BioNTech và Pfizer đã đẩy nhanh thử nghiệm với những mẫu vắcxin tiềm năng nhất, được biết đến với tên BNT162b2. Đầu tuần này, hai công ty đã tuyên bố bắt đầu thử nghiệm vắcxin trên quy mô lớn với sự tham gia của 30.000 tình nguyện viên khỏe mạnh. Một khi thu được những kết quả thành công và được cấp phép, Pfizer và BioNTech hy vọng sẽ sản xuất được tối đa 100 triệu liều vắcxin vào cuối năm 2020 và "tiềm năng sản xuất hơn 1,3 tỷ liều vắcxin vào cuối năm 2021".

Đại diện ngoại giao của Trung Quốc và Australia tại Ấn Độ ngày 31/7 có những lời lẽ công kích nhau trên mạng xã hội liên quan vấn đề Biển Đông. Động thái này diễn ra chỉ 1 tuần sau khi Australia gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.

Theo AP, nhà chức trách Mỹ hôm 31/7 cho biết 8 lính thủy đánh bộ mất tích cùng 1 người thiệt mạng sau khi xe tấn công đổ bộ của Đơn vị thủy quân lục chiến số 15 chìm trên vùng biển ngoài khơi California. Cameron H. Edinburgh, người phát ngôn của căn cứ thủy quân lục chiến Pendleton, cho biết 15 lính thủy đánh bộ và 1 thủy thủ thuộc Hải quân có mặt trên chiếc xe đổ bộ khi phương tiện này rời khỏi đất liền hướng về đảo San Clemente trong một hoạt động huấn luyện tối 30/7.

Nhật Bản và Trung Quốc đã nhất trí tiến hành đàm phán cấp chuyên viên về an ninh hàng hải "vào thời điểm thích hợp" sau khi đại dịch COVID-19 qua đi. Thông báo ngày 31/7, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết trong cuộc trao đổi trực tuyến, các quan chức ngoại giao cấp cao hai nước đã "khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì liên lạc" về tình hình trên Biển Hoa Đông, nơi hai nước có tranh chấp chủ quyền. Theo hãng tin Kyodo, thỏa thuận trên đạt được sau khi các tàu của Trung Quốc tiếp tục xuất hiện gần quần đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông hiện do Nhật Bản kiểm soát và gọi là Senkaku, trong khi Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền, gọi là Điếu Ngư. Ngày 22/7 vừa qua đánh dấu ngày thứ 100 liên tiếp tàu của Trung Quốc xuất hiện tại khu vực này.
MỚI - NÓNG