THẾ GIỚI 24H: 20 máy bay quân sự Trung Quốc áp sát Đài Loan

0:00 / 0:00
0:00
Máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc bay sát eo biển Đài Loan vào tháng 9/2020. (Ảnh: Reuters)
Máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc bay sát eo biển Đài Loan vào tháng 9/2020. (Ảnh: Reuters)
TPO - 20 máy bay quân sự Trung Quốc tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan hôm 26/3, cơ quan quốc phòng hòn đảo này cho biết.

Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết lực lượng không quân đã triển khai tên lửa giám sát cuộc xâm nhập này, đồng thời phát vô tuyến điện cảnh báo các máy bay của Trung Quốc. Các máy bay quân sự Trung Quốc đã bay trong không phận phía nam Đài Loan và đi qua eo biển Ba Sĩ, vốn nằm giữa Đài Loan và Philippines. Trong số 20 máy bay quân sự Trung Quốc có 4 máy bay ném bom H-6K, 10 chiến đấu cơ J-16 và một số mấy bay khác, theo cơ quan phòng vệ Đài Loan.Theo nguồn tin của Reuters, quân đội Trung Quốc đang tiến hành các cuộc tập trận mô phỏng một chiến dịch chống lại các tàu chiến Mỹ đi qua kênh Ba Sĩ.

Ngày 26/3, một nhóm quan chức lưỡng đảng gồm 26 thống đốc bang đã ra tuyên bố chung lên án bạo lực gia tăng đối với cộng đồng người Mỹ gốc Á. Tuyên bố đã được ký bởi 24 thống đốc đảng Dân chủ, trong đó có cả Thống đốc Lourdes Leon Guerrero của lãnh thổ Guam, cùng với 2 thống đốc của đảng Cộng hòa là Larry Hogan (bang Maryland) và Charlie Baker (bang Massachusetts). Nội dung tuyên bố chung trên nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi lên án phân biệt chủng tộc, bạo lực và thù hận đối với các cộng đồng người Mỹ gốc Á và đảo Thái Bình Dương (AAPI) và sẽ hành động nhiều hơn nữa để bảo vệ, nâng cao và hỗ trợ cộng đồng này".

Séc gia hạn tình trạng khẩn cấp đến ngày 11/4. Các biện pháp hạn chế hiện nay sẽ tiếp tục được được duy trì tuy nhiên một số biện pháp sẽ được nới lỏng vào lễ phục sinh. Thủ tướng Séc Andrej Babis hôm 26/3 cho biết, Hạ viện đã đồng ý gia hạn tình trạng khẩn cấp đến ngày 11 tháng 4 tuy nhiên trong khoảng thời gian lễ phục sinh từ ngày 1 đến 3/4 một số biện pháp hạn chế sẽ được nới lỏng. Cụ thể mọi người có thể tham dự thánh lễ buổi tối sau 9h tối.

Ngày 26/3, Bộ Nội vụ Belarus cho biết cảnh sát nước này đã bắt giữ một đối tượng nam giới 35 tuổi và thu giữ hai quả bom tự chế mà y định dùng để tiến hành vụ tấn công ở thủ đô Minsk và khu vực gần đó. Theo thông báo, cơ quan an ninh Belarus đang điều tra vụ việc theo hướng là một âm mưu khủng bố.

Ngày 26/3, Myanmar đã trả tự do cho hơn 300 người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình phản đối việc quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng, bang và các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD). Hãng tin AFP của Pháp dẫn lời một quan chức cấp cao trại giam Myanmar cho hay tổng cộng 322 người bị giam giữ tại nhà tù Insein ở Yangon đã được trả tự do. Trong khi đó, truyền thông địa phương và các nhân chứng cho biết 6 xe buýt đã chở khoảng 300 người rời khỏi nhà tù.

Đã bước sang ngày thứ 4 liên tiếp, hoạt động vận tải qua kênh đào Suez bị tê liệt do tàu hàng MV Ever Given khổng lồ nằm chắn ngang và mắc cạn. Công tác giải cứu đang được tích cực đẩy mạnh nhưng dường như chưa thực sự hiệu quả.Ngày 26/3, giới chức sở tại đã huy động các tàu kéo và tàu nạo vét đến hiện trường hỗ trợ hoạt động giải cứu. Theo Cơ quan Quản lý kênh đào Suez (SCA), các đơn vị giải cứu và lai dắt con tàu vẫn đang tiếp tục công việc để giải phóng tàu MV Ever Given. Giao thông trên tuyến đường thủy nhỏ hẹp chia cắt lục địa châu Phi với bán đảo Sinai đã đình trệ từ hôm 23/3 sau khi tàu chở hàng khổng lồ mang cờ Panama - MV Ever Given - bị mắc kẹt, chắn ngang ''án ngữ''.

Hai đoàn tàu đã va chạm gần thành phố Sohag của Ai Cập, khiến 32 người thiệt mạng và ít nhất 84 người bị thương. Theo RT, vụ tai nạn xảy ra hôm nay, 26/3, khi hai đoàn tàu đâm dồn toa ở gần thành phố Sohag. Cảnh quay từ hiện trường cho thấy người dân cố gắng giải cứu những hành khách bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Ít nhất 36 xe cứu thương đã được cử đến hiện trường để đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Ngày 26/3, nhà chức trách Nigeria cho biết ít nhất 25 dân thường và 1 binh sỹ đã thiệt mạng trong vụ tấn công của các băng nhóm tội phạm ở khu vực miền Trung nước này. Hàng chục tay súng đi trên xe gắn máy đã tấn công một chốt kiểm sát quân sự ở ngoài ngôi làng Kotonkoro thuộc bang Niger và sát hại một binh sỹ. Một nhóm dân quân tự vệ của làng Kotonkoro đã truy đuổi băng nhóm này sau đó. Giao tranh đã xảy ra khiến 25 thành viên của nhóm dân quân tự vệ thiệt mạng.

Burberry trở thành thương hiệu xa xỉ đầu tiên bị Trung Quốc phản ứng dữ dội trước cáo buộc sử dụng lao động bị cưỡng bức ở Tân Cương của phương Tây. Hôm 26/3, Trung Quốc đã trừng phạt các tổ chức và cá nhân ở Vương quốc Anh vì cái mà nước này gọi là "dối trá và thông tin sai lệch" về Tân Cương. Động thái đó diễn ra vài ngày sau khi Anh áp đặt các biện pháp trừng phạt Trung Quốc vì cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Burberry là một thành viên của Sáng kiến ​​Bông tốt hơn (BCI), nhóm thúc đẩy sản xuất bông bền vững, vào tháng 10.2020 cho biết đã đình chỉ việc phê duyệt bông có nguồn gốc từ Tân Cương với lý do lo ngại về nhân quyền.

MỚI - NÓNG