Trong bài phát biểu tại Phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa VII hôm 21/4, ông Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên sẽ ngừng tất cả các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Ông Kim Jong-un bày tỏ quan điểm rất rõ ràng, rằng Triều Tiên ngừng thử nghiệm hạt nhân là vì đã thành công trong việc “binh khí hóa vũ khí hạt nhân”. Do đó, Triều Tiên không cần thiết phải thử nghiệm vũ khí hạt nhân nữa, và địa điểm thử nghiệm hạt nhân cũng không còn lý do để tồn tại.Và hành động này của Triều Tiên không phải là kết quả của những biện pháp cấm vận của Mỹ, mà thực sự là do những nỗ lực của phía Triều Tiên.
Trong bài phát biểu, ông Kim nhấn mạnh: “Đảng chúng ta phải nâng cao tới trình độ theo yêu cầu của bản thân bằng chính sức mạnh của mình. Đảng của chúng ta phải có được lập trường yêu chuộng hòa bình, phải có những cống hiến tích cực để xây dựng một thế giới không vũ khí hạt nhân, trên cơ sở an ninh quốc gia và an toàn của người dân được bảo đảm tin cậy, đồng thời phải căn cứ vào nguyện vọng và chí hướng chung của nhân loại”.
Phát biểu của ông Kim thực chất là nhằm nói với ông Trump rằng, việc Triều Tiên thực hiện phi hạt nhân hóa là thể hiện lập trường yêu chuộng hòa bình, là cống hiến tích cực để xây dựng thế giới không vũ khí hạt nhân. Và cơ sở của nó chính là an ninh quốc gia và người dân được đảm bảo tin cậy.
Cũng tại hội nghị, Triều Tiên nhất trí thông qua nghị quyết “liên quan tới tuyên bố thắng lợi vĩ đại về đường lối xây dựng kinh tế kết hợp với xây dựng lực lượng hạt nhân”. Nghị quyết nhấn mạnh, việc Triều Tiên dừng thử nghiệm hạt nhân là quá trình quan trọng để thực hiện việc cắt giảm hạt nhân trên toàn thế giới. Chỉ cần không bị đe dọa hoặc khiêu khích bằng vũ khí hạt nhân, Triều Tiên quyết không sử dụng vũ khí hạt nhân, trong bất kỳ tình huống nào đều không chuyển giao vũ khí hạt nhân và công nghệ hạt nhân.
Điều này cho thấy, mục tiêu của việc Triều Tiên tuyên bố dừng thử nghiệm hạt nhân chính là để thực hiện cắt giảm hạt nhân trên toàn thế giới, và tranh thủ việc dừng thử nhiệm hạt nhân toàn diện quốc tế.Đồng thời, qua đó cho toàn thế giới thấy được Triều Tiên đã là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Triều Tiên sẽ gánh vác trách nhiệm quốc tế cần phải có của mình.
Nước Mỹ nói chung và cá nhân Tổng thống Trump nói riêng có thể sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải đối mặt ông Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới. Hiện tại, chính quyền của Tổng thống Trump luôn một mực cho rằng, sở dĩ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chủ động mời ông Trump tham gia cuộc gặp thượng đỉnh Triều-Mỹ là vì dưới kết quả của các biện pháp cấm vận đầy sức mạnh, ông Trump là người thắng cuộc, còn ông Kim là người thua cuộc.Và việc Triều Tiên thực hiện phi hạt nhân hóa là điều tất nhiên, và không điều kiện. Nếu không đạt được mục đích này, Mỹ sẽ không dừng lại.
Tình hình thực tế lại cho thấy sự việc không đơn giản như người Mỹ mong đợi. Việc ông Kim tuyên bố dừng thử hạt nhân và tên lửa hàm chứa nhiều mục đích lớn hơn. Bằng cách này, ông Kim muốn tuyên bố cho toàn thế giới thấy được, Triều Tiên đã là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, và ông là người thắng cuộc.
Nếu phân tích kỹ lập trường của Mỹ trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên sẽ không khó phát hiện ra rằng, những nội dung trong bài phát biểu của ông Kim hoàn toàn đi ngược lập trường cũng như các tuyên bố của Tổng thống Trump về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.Ông Trump chưa bao giờ công nhận Triều Tiên là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Chính vì vậy, có thể phán đoán rằng, cuộc gặp sắp tới hai bên sẽ khó đạt được sự thống nhất trong vấn đề hạt nhân.
Như vậy, với tuyên bố của mình, ông Kim muốn trở thành người chiến thắng khi đối mặt ông Trump tại cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới và cũng đồng nghĩa với việc đặt Tổng thống Mỹ vào thế bí.