Theo đó, trong ngày xảy ra sự cố sạt lở hầm Chí Thạnh (Phú Yên) (21/5), Ban Quản lý dự án 85 đã yêu cầu lãnh đạo Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), chủ trì thiết kế, tư vấn giám sát trưởng phải có mặt tại công trường để phối hợp các bên đánh giá, đưa ra phương án khắc phục. Tuy nhiên, đến ngày 23/5, tư vấn giám sát vẫn chưa có mặt đầy đủ theo đúng thành phần.
Ban Quản lý dự án 85 phê bình nghiêm khắc lãnh đạo TEDI phụ trách dự án trong công tác phối hợp khắc phục sự cố sụt lở hầm Chí Thạnh; cảnh cáo Trung tâm tư vấn giám sát, tư vấn giám sát trưởng tham gia thực hiện dự án vì thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết sự cố sụt lở hầm Chí Thạnh.
Ban Quản lý dự án 85 yêu cầu thay thế ngay tư vấn giám sát trưởng do không hoàn thành nhiệm vụ trong công tác giám sát thi công, không tuân thủ đúng trách nhiệm hợp đồng tư vấn giám sát.
Trường hợp tiếp tục chậm trễ, Ban Quản lý dự án 85 sẽ đánh giá tổ chức, cá nhân tư vấn giám sát TEDI không đáp ứng yêu cầu công việc; báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng và các chủ đầu tư trên cả nước về năng lực thực tế không đáp ứng yêu cầu khi đưa vào đánh giá trong đấu thầu lựa chọn nhà thầu, cấp chứng chỉ hành nghề của tổ chức, cá nhân để tránh xảy ra trường hợp tương tự tại các dự án khác.
Công nhân làm việc với các thiết bị máy móc hiện đại để khắc phục sự cố sụt lở hầm. |
Liên quan đến khắc phục sự cố lở hầm Chí Thạnh, sau khi hầm tiếp tục xảy ra sạt lở, Ban Quản lý dự án 85 đã đề nghị Tập đoàn Đèo Cả đã huy động 10 thiết bị (trong đó có 1 máy khoan, 2 máy phun) và 40 nhân sự đến công trường hầm Chí Thạnh để hỗ trợ khắc phục sự cố.
Lực lượng đã bố trí 1 mũi thi công chủ đạo theo hướng Nam - Bắc, thay ca nhau làm việc 24/24 giờ với mục tiêu sẽ thông hầm ngày 30/5, giải tỏa ách tắc đường sắt Bắc - Nam qua tỉnh Phú Yên.
Đại diện Ban Quản lý dự án 85 cho biết các đơn vị đang tập trung thi công để thông hầm Chí Thạnh trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, vào lúc 10h5 ngày 21/5, trong quá trình thi công phá dỡ vỏ hầm cũ, đã xảy ra sụt lở đất đá trên đỉnh vỏ hầm với khối lượng khoảng 260 m3.
Nguyên nhân ban đầu được các cơ quan, tư vấn, các chuyên gia đánh giá sụt lở ở hầm Bãi Gió và hầm Chí Thạnh có nhiều điểm tương đồng như về kết cấu bê tông vỏ hầm đã xuống cấp; địa chất là đá phong hóa mạnh đến phong hóa hoàn toàn thành cát lẫn sỏi phía sau vỏ hầm.
Thời điểm thi công khu vực có xảy ra mưa lớn, nhiều ngày làm nước ngấm vào gây phân rã liên kết đất đá, tăng áp lực lên kết cấu vỏ hầm cũ, cộng với sự tác động của ô tô nặng chạy trên đỉnh hầm gây sụt lở (tại vị trí sụt lở đều có đường bộ đi trên đỉnh hầm, có nhiều xe chở vật liệu tải trọng nặng khai thác).